Sách giáo dục bị in lậu, làm giả vẫn hoành hành

THÙY TRANG

VHO - Thời gian qua cơ quan chức năng rất nỗ lực trong công tác phòng chống in lậu sách giáo dục (SGD). Thế nhưng qua ghi nhận cho thấy vấn nạn sách lậu, sách giả, sách không có nguồn gốc hợp pháp vẫn diễn ra phức tạp.

Sách giáo dục bị in lậu, làm giả vẫn hoành hành - ảnh 1
Lực lượng QLTT tỉnh Tây Ninh kiểm tra tình trạng SGD bị in lậu, làm giả. Ảnh: QUANG MẠNH

 Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Thành Anh, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Phó Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM cho hay: Những tháng đầu năm 2024, số vụ in lậu, làm giả SGD vẫn chưa có chiều hướng giảm.

Hiện lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các địa phương đang nỗ lực, đồng hành cùng đơn vị xuất bản theo dõi, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm.

Sách làm giả ngày càng tinh vi

Các đối tượng in, phát hành sách giả đã dùng các thủ đoạn ngày càng tinh vi để tổ chức hoạt động in sách giả, phát hành sách giả một cách “chặt chẽ, kín đáo” nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng.

Thực tế cho thấy, nếu cầm trên tay quyển SGD giả thì rất khó để phát hiện vì nhìn khá giống sách thật. Tuy nhiên, khi quan sát hai quyển sách thật và giả đặt cạnh nhau, không khó để có thể nhận ra. Sách giả thường có nhiều sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, chất lượng giấy, thậm chí bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin…

Điều này dẫn đến sai lệch về nội dung, kiến thức tiếp nhận của học sinh (đặc biệt nguy hiểm nếu thiếu đường nét biên giới, vấn đề biển đảo). Với những sách in bị mờ, không đảm bảo quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thể chất của học sinh, nhất là về thị lực.

Sử dụng sách giả, học sinh sẽ không thể truy cập và sử dụng online được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh. Theo đó, đối với sách thật, phía dưới con tem sẽ có dãy số được lớp nhũ che lại. Người mua sách cào lớp nhũ trên tem để nhận mã, rồi kích hoạt mở học liệu điện tử…

Thế nhưng ở sách giả, đây là dãy số ảo, người dùng sách dù có kích hoạt theo hướng dẫn cũng không thể mở học liệu được.

Ngoài ra, sách giả, sách lậu còn triệt tiêu sự sáng tạo và làm thất thu ngân sách nhà nước, đặc biệt có nguy cơ và tác hại đến đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh; là hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng.

Đối với các NXB, sách giả gây thiệt hại trực tiếp về kinh tế, giảm sút về doanh thu, do các ấn phẩm này thường được bán với chiết khấu cao vì không phải trả các chi phí như bản quyền, dạy thực nghiệm, giới thiệu, tập huấn…

Bên cạnh thiệt hại về kinh tế, SGD giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của NXB do chất lượng in kém, có sai sót. Độc giả khi mua phải những ấn phẩm này cũng sẽ mất lòng tin vào chất lượng sách nói chung.

Triển khai chuyên án, triệt xóa nhiều đường dây

Theo ông Nguyễn Thành Anh, từ tháng 5 đến tháng 7.2024, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm ngàn bản SGK giả sản phẩm của NXB Giáo dục Việt Nam tại một số tỉnh, thành.

 Trong 9 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện được khoảng 15 vụ vi phạm. Hiện nay, vấn nạn sản xuất, buôn bán sách lậu, sách giả nói chung, trong đó có số lượng không nhỏ là SGD... đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các NXB. Thống kê sơ bộ của NXB, từ năm 2010 đến nay đã có trên 37 triệu bản SGD và hơn 18 tấn bán thành phẩm SGD in lậu dở dang đã bị phát hiện và xử lý tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.

(Ông NGUYỄN THÀNH ANH, Phó Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM)

Cuối tháng 5 vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện lô hàng gần 34.000 cuốn SGK nghi giả mạo sản phẩm của NXB này với tổng trị giá hàng hóa (theo giá bán niêm yết) hơn 600 triệu đồng. Tại Tây Ninh, ngày 12.6, phát hiện hơn 5.500 quyển SGK giả, tổng trị giá gần 118 triệu đồng.

Nổi cộm nhất là ngày 14.6, Công an TP Đà Nẵng đã triển khai chuyên án SGK-192, triệt xóa đường dây chuyên sản xuất, buôn bán SGK giả với quy mô lớn tại Đà Nẵng và TP.HCM.

Cơ quan Công an đã thu giữ 1 triệu con tem, 600.000 cuốn sách giả thành phẩm và bán thành phẩm trị giá khoảng 12 tỉ đồng. Cơ quan chức năng cũng thu giữ toàn bộ máy in, máy cắt, máy đóng kim, máy may chỉ, máy dán keo, xe ô tô, bản kẽm, giấy in...; đồng thời tạm giữ hình sự các nghi phạm liên quan để điều tra mở rộng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…

Theo Cục QLTT tỉnh Hậu Giang, thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT về tăng cường công tác quản lý, giám sát địa bàn kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh SGK giả mạo, ngày 16.7, Cục QLTT tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các Đội QLTT phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh tiến hành kiểm tra địa điểm tập kết, lưu trữ, kinh doanh SGK không số nhà, không treo gắn bảng hiệu, nằm ẩn sâu trong khu dân cư hoang vắng, ít người qua lại tại huyện Châu Thành A.

Qua kiểm tra, phát hiện gần 80.000 quyển SGK các loại từ lớp 1 đến lớp 12 có dấu hiệu giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của NXB Giáo dục Việt nam, tổng trị giá hàng hóa gần 1,4 tỉ đồng. Đây là vụ việc được phát hiện và bắt giữ lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Hậu Giang liên quan SGK giả.

Ông Nguyễn Văn Bé Tư, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hậu Giang cho biết thời gian tới, tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, Cục QLTT tỉnh Hậu Giang chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, phân công thực hiện các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chân chính.

Theo thông tin từ NXB Giáo dục Việt Nam tại TP Cần Thơ cung cấp về tình hình buôn bán sách giả, Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các Đội QLTT thẩm tra, xác minh thông tin về hành vi buôn bán sách giả trên địa bàn.

Qua thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, ngày 4.6, Đội QLTT số 2 phối hợp với lực lượng Công an địa phương tổ chức kiểm tra đột xuất Công ty B.H, địa chỉ: Phường 3, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Đoàn kiểm tra phát hiện Công ty đang kinh doanh các loại SGK có dấu hiệu giả mạo với trên 40.000 quyển, trị giá gần 600 triệu đồng.

Đội QLTT số 2 gửi văn bản NXB Giáo dục Việt Nam tại TP Cần Thơ để yêu cầu xác định số lượng tang vật và kết quả cho biết toàn bộ số sách trên là giả mạo về nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa của NXB Giáo dục Việt Nam. “Trong 9 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện được khoảng 15 vụ vi phạm.

Hiện nay, vấn nạn sản xuất, buôn bán sách lậu, sách giả nói chung, trong đó có số lượng không nhỏ là SGD... đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các NXB. Thống kê sơ bộ của NXB, từ năm 2010 đến nay đã có trên 37 triệu bản SGD và hơn 18 tấn bán thành phẩm SGD in lậu dở dang đã bị phát hiện và xử lý tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước”, ông Nguyễn Thành Anh cho hay.

Cũng theo ông Anh, để ngăn chặn vấn nạn sách lậu, sách giả, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp từ phía các NXB, cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Về phía ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt về việc triển khai các biện pháp bảo vệ quyền lợi của giáo viên, học sinh.

NXB Giáo dục Việt Nam đã rất tích cực, chủ động trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện phòng chống sách lậu, sách giả. Đơn vị luôn duy trì yêu cầu chuẩn mực cao và tính chính xác đối với chất lượng nội dung và hình thức, mẫu mã sách của NXB GDVN.

Áp dụng các công nghệ mới để ngăn ngừa SGD giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như mã vạch, QR code, tem chống giả đặc thù, tem công nghệ mới dán trên xuất bản phẩm để có quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu online, ứng dụng nhận diện sách thật, sách giả….

Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức bạn đọc về tác hại của sách giả, sách lậu; khuyến cáo giáo viên, phụ huynh và học sinh tìm mua sách tại hệ thống phân phối chính thức của NXB GDVN, các công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương. NXB GDVN đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp và xác minh thông tin, cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đến các vụ việc sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm lậu để xử lý theo quy định.