“Gieo mầm” văn hóa đọc trong thời đại công nghệ

ĐÌNH TOÁN

VHO - Khi một cú chạm tay có thể mở ra cả thế giới, không ít người lại quên mất vẻ đẹp bình dị của những trang sách. Giữa dòng chảy công nghệ, câu chuyện làm thế nào để giữ lửa đam mê đọc sách, xây dựng văn hóa đọc bền vững trở thành mối quan tâm lớn của gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

 “Gieo mầm” văn hóa đọc trong thời đại công nghệ - ảnh 1
Phát triển văn hóa đọc trong thời đại số cần đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo. Ảnh: NHƯ ĐỒNG

 Khi trang sách “chậm bước” với màn hình số

Thay vì dành thời gian nghiền ngẫm sách, báo, nhiều người lại bị cuốn theo những đoạn video ngắn, tin tức nhanh hay các bài viết tóm tắt trên mạng xã hội. Lối đọc “lướt” khiến khả năng tập trung, tư duy theo chiều sâu và kỹ năng phân tích, phản biện của người đọc bị giảm sút.

Những trang sách vốn cần sự kiên nhẫn, không gian tĩnh lặng để thưởng thức dần mất đi sức hấp dẫn so với những nội dung giải trí đa phương tiện và dễ tiếp cận, chỉ với vài cú chạm màn hình.

Cùng với đó, trên không gian mạng, bên cạnh nhiều nội dung bổ ích cũng có không ít nội dung thiếu tính kiểm chứng. Người dùng có thể dễ dàng tiếp cận hàng ngàn cuốn sách điện tử, bài viết và thông tin qua màn hình nhỏ nhưng lại dễ rơi vào tình trạng tiếp nhận kiến thức hời hợt. Điều này dẫn đến tâm lý “đọc để biết” thay vì “đọc để hiểu và suy ngẫm”, làm suy giảm giá trị đích thực của văn hóa đọc.

Chị Nguyễn Thu Thúy (phường Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, việc hình thành thói quen đọc sách cho con trai 12 tuổi của chị gặp không ít khó khăn. Gia đình dành hẳn một không gian trong nhà làm tủ sách và thường xuyên mua sách thiếu nhi cho con, nhưng cậu bé lại dễ bị cuốn hút bởi điện thoại thông minh, trò chơi trực tuyến và các video giải trí trên mạng.

Thời gian đầu, con trai chị chỉ lật vài trang rồi nhanh chóng chuyển sang xem YouTube hay lướt mạng xã hội. Sau thời gian kiên trì đồng hành, cậu bé đã dần thích đọc sách và sẵn sàng chia sẻ với bố mẹ khi có những kiến thức cần được giải đáp.

Bên cạnh sự “chi phối” của công nghệ, thiếu hụt môi trường đọc sách thân thiện cũng là trở ngại không nhỏ. Không phải gia đình nào cũng có thói quen đọc sách và xây dựng được tủ sách tại nhà.

Trong khi đó, thư viện công cộng ở nhiều địa phương vẫn còn hạn chế về cơ sở vật chất, đầu sách chưa được cập nhật phong phú để thu hút độc giả. Việc tổ chức các sự kiện khuyến đọc, hội sách hay câu lạc bộ sách tuy đã được triển khai nhưng vẫn mang tính phong trào, chưa thực sự trở thành hoạt động thường xuyên, lâu dài và hấp dẫn.

Chung sức xây dựng văn hóa đọc bền vững

Theo Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện (Bộ VHTTDL), Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã thể hiện sự quan tâm, chú trọng của Nhà nước về vấn đề phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam. Đề án cũng yêu cầu tập trung đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển văn hóa đọc trong giai đoạn 2025-2030.

Để triển khai những mục tiêu, nhiệm vụ được Đề án nêu rõ, cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và đơn vị thông qua hoạt động cụ thể. Đặc biệt, phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thư viện về chuyên môn, nghiệp vụ và các kỹ năng cần thiết trong nâng cao năng lực ứng dụng khoa học công nghệ, nhằm đẩy mạnh xây dựng thư viện điện tử; đẩy mạnh truyền thông thư viện, phát triển văn hóa đọc đến cộng đồng; quan tâm đầu tư xây dựng cho các thư viện tại địa phương…

Không chỉ dừng lại ở nỗ lực của các Bộ, ngành, cơ quan, việc phát triển văn hóa đọc trong thời đại số còn cần sự tham gia nhiệt tình của tổ chức, cá nhân và cộng đồng yêu sách. Từ thực tế mạng xã hội đang trở thành công cụ kết nối mạnh mẽ, có thể tận dụng chính những nền tảng này để lan tỏa thói quen đọc sách.

Trong đó, cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng yêu sách, các nhà xuất bản, tác giả, giáo viên và các bạn trẻ trong việc tạo ra nội dung phong phú, hấp dẫn như video review sách, chia sẻ cảm nhận... Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông sáng tạo như thử thách đọc sách, cuộc thi video giới thiệu sách hoặc chuỗi livestream giao lưu với tác giả cũng góp phần thu hút sự quan tâm.

Về phía các thư viện, cần đẩy mạnh số hóa tài liệu, xây dựng thư viện điện tử và ứng dụng đọc trực tuyến để bạn đọc dễ dàng tiếp cận kho sách mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, thư viện có thể tổ chức các sự kiện kết hợp trực tiếp và trực tuyến như tọa đàm, giới thiệu sách, giao lưu với tác giả nhằm tạo không gian tương tác và khơi gợi hứng thú đọc sách.

Trong gia đình, cha mẹ cần làm gương bằng cách duy trì thói quen đọc sách hằng ngày. Người lớn có thể khuyến khích con trẻ kết hợp đọc sách giấy và sách điện tử, tận dụng ưu thế của công nghệ nhưng vẫn giữ được sự tập trung và chiều sâu. Việc cùng con thảo luận về nội dung sách, kể lại câu chuyện đã đọc hay tham gia các câu lạc bộ sách trực tuyến cũng giúp trẻ hứng thú hơn.

Ngoài ra, gia đình có thể tạo động lực bằng cách tổ chức các thử thách đọc sách, tặng thưởng khi trẻ hoàn thành mục tiêu đọc. Quan trọng nhất, cha mẹ cần đồng hành và tôn trọng sở thích đọc của con, giúp trẻ cảm nhận rằng: Đọc sách không phải nhiệm vụ bắt buộc mà là hoạt động thú vị, bổ ích và mang tính khám phá.