Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng:
Nguồn lực mềm cho quốc gia tri thức
VHO - Trong những năm qua, văn hóa đọc ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm và có những bước phát triển mạnh mẽ. Có thể khẳng định, phát triển văn hóa đọc là giải pháp căn cơ để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với đó, việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách chính là bước khởi đầu mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần học tập suốt đời, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển bền vững cho thế hệ tương lai.
Thắp sáng “ngọn lửa” yêu sách
Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 329/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Ngoài ra, nhận thấy tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc, xem việc phát triển văn hóa đọc chính là động lực, công cụ quan trọng để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/ QĐ-TTg, lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Từ những định hướng đúng đắn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm khẳng định, thời gian qua, văn hóa đọc đã được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng với nhiều mô hình thư viện sáng tạo, các CLB sách, hoạt động tuyên truyền... được triển khai hiệu quả từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các giáo viên, cán bộ thư viện, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục chung tay thắp sáng “ngọn lửa” yêu sách trong cộng đồng. Cộng đồng nỗ lực chung tay xây dựng, phát triển văn hóa đọc. Chính người dân, những chủ thể thụ hưởng các giá trị của văn hóa đọc cũng đã tham gia tích cực vào công tác này.
Thứ trưởng nêu rõ, đọc sách là con đường ngắn nhất để tiếp cận tri thức nhân loại, là nền tảng để khai mở tư duy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực bản thân và nuôi dưỡng tinh thần dân tộc. Một dân tộc phát triển được văn hóa đọc theo chiều sâu, rộng là một dân tộc có nội lực phát triển mạnh mẽ, khả năng đổi mới sáng tạo bền vững; có bản lĩnh để thích ứng và vươn lên trong một thế giới đầy biến động.
“Vì thế, phát triển văn hóa đọc không chỉ là công việc của ngành Văn hóa hay Thư viện. Đó là sứ mệnh chung của cả xã hội, là nền móng cho quá trình xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện trong thời đại mới”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
Lấy độc giả làm trung tâm
Sách mở ra một thế giới rộng lớn, nơi độc giả được tự do khám phá, tưởng tượng và sáng tạo. Chính sách và văn hóa đọc góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách, khơi dậy ước mơ và hoài bão trong mỗi con người.
Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc trong điều kiện mới, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị các thư viện, nhà trường, cơ quan, đơn vị… cần tiếp tục tăng cường sáng tạo các mô hình, cách làm hay về phát triển văn hóa đọc; tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn để đưa sách đến gần hơn với công chúng như hội sách, triển lãm sách, tiết học đọc sách, gia đình đọc sách, thư viện lưu động…
Ngoài ra, cần đổi mới phương thức hoạt động theo hướng quản trị tri thức, quản trị dữ liệu, tổ chức các hoạt động thư viện số… để đáp ứng nhu cầu tiếp cận tri thức của bạn đọc. Đồng thời, các cơ quan liên quan cần kịp thời đề xuất các chính sách, chỉ đạo hệ thống thư viện công lập, nhất là các thư viện công cộng có các giải pháp hỗ trợ, duy trì, phát triển mô hình thư viện cấp cơ sở, thư viện do cộng đồng, người dân chung tay đóng góp.
Theo TS Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (nay là Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện - Bộ VHTTDL), thư viện cần trở thành nơi hướng dẫn phương pháp đọc, khơi gợi tư duy phản biện và kết nối tri thức giữa sách và thực tiễn cuộc sống. Điều này đòi hỏi các cán bộ thư viện, thủ thư phải biết cách thiết kế hoạt động sáng tạo để hấp dẫn người dân sử dụng dịch vụ của thư viện.
Dẫn ví dụ về cách làm cụ thể, Giám đốc Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia TP.HCM Huỳnh Thị Mỹ Phương cho biết, thư viện đã xác định phát triển văn hóa đọc là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và không ngừng sáng tạo. Trong những năm qua, Thư viện đã không ngừng nỗ lực triển khai nhiều hoạt động đa dạng, nhằm thu hút bạn đọc đến với thư viện.
Theo đó, Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia TP.HCM đã đầu tư phát triển nguồn tài nguyên thông tin, nhất là tài liệu điện tử; xây dựng mạng lưới hỗ trợ và cung cấp thông tin cho người sử dụng, hệ thống hỗ trợ giao tiếp...
Để phổ biến nguồn tài nguyên thông tin, các dịch vụ và tiện ích cho người sử dụng, công tác truyền thông đã được thư viện tăng cường triển khai thông qua các cách làm sáng tạo như duy trì hoạt động giới thiệu sách mỗi ngày; xây dựng video giới thiệu sách; giới thiệu dịch vụ và hướng dẫn sử dụng thư viện trên các nền tảng mạng xã hội.
Với sự đầu tư về cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ hiện đại cùng phương thức phục vụ lấy độc giả làm trung tâm, Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia TP.HCM đang thực hiện sứ mệnh phát triển văn hóa đọc, mang đến cho sinh viên, giảng viên và nhà nghiên cứu, cộng đồng những điều kiện để tiếp cận tri thức, học tập, giảng dạy và nghiên cứu tốt nhất.
Đây cũng là cách làm các thư viện có thể học tập, nhân rộng để thu hút bạn đọc đến với thư viện, lan tỏa phong trào đọc sách trong xã hội.