Cuốn sách 800 trang hé mở lịch sử ẩn giấu nơi thượng nguồn Sông Đà

NHẬT HUY

VHO - Cuốn sách “Sông Đà: Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam” của nhà sử học người Pháp Philippe Le Failler vừa được ra mắt bạn đọc vào ngày 12.7, tai Hà Nội. Đây là một công trình đồ sộ, hiếm hoi và đầy công phu nghiên cứu về lịch sử, địa lý và văn hóa của khu vực sông Đà – vùng biên giới của Việt Nam với Lào và Trung Quốc.

Cuốn sách 800 trang hé mở lịch sử ẩn giấu nơi thượng nguồn Sông Đà - ảnh 1
Sông Đà: Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam, Nhà sử học Philippe Le Failler

Hành trình nghiên cứu bền bỉ của sử gia Pháp Philippe Le Failler

Sông Đà: Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam là một tập đại thành về lịch sử vùng cao phía bắc của nhà sử học Philippe Le Failler về lịch sử khu vực sông Đà - không gian địa lý, lịch sử và văn hóa đặc biệt, vùng biên giới của Việt Nam với Lào và Trung Quốc.

Đây là miền Thượng, nơi dòng sông Đà hùng vĩ chảy qua, nơi sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc như Thái, Dao, Khơ Mú, Lô Lô...; cũng là nơi từng tồn tại thế lực của dòng họ Đèo với thủ lĩnh Đèo Văn Trì và các anh em, con cháu ông - những người đã gắn số phận của mình với sự hiện diện của người Pháp, và rồi cũng biến mất theo bước chân của họ trên vùng đất này.

Cùng với đó là những lần cải cách hành chính qua từng thời kỳ, để lại dấu ấn trong đời sống cũng như văn hóa của miền Thượng - vùng Tây Bắc Việt Nam.

Trải dài từ thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XXI, cuốn sách hé lộ bức tranh toàn cảnh về sự thay đổi quyền lực, các cuộc cải cách hành chính, và sự chuyển biến văn hóa – xã hội tại miền Thượng, vùng Tây Bắc Việt Nam.

Tác phẩm gồm 12 chương, khắc họa chi tiết những giai đoạn lịch sử quan trọng của vùng đất này như: Thời kỳ phân rã lãnh thổ, các cuộc kháng chiến và nổi dậy của người Hmong, thời kỳ quân quản, dân chính ngắn ngủi và các đợt sáp nhập hành chính sau năm 1954.

Tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến khái niệm “biên giới di động”, nơi mà quyền lực không cố định trên bản đồ, mà liên tục thay đổi theo từng thời kỳ chiếm đóng, cải cách hay rút lui.

Philippe Le Failler là nhà sử học người Pháp, Phó Giáo sư Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) và là Trưởng Đại diện EFEO tại Hà Nội. Ông nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thế kỷ XIX - XX và đã tham gia nhiều chương trình hợp tác với các viện nghiên cứu của Việt Nam.

Chia sẻ tại chương trình, tác giả Philippe Le Failler cho biết đã có 35 năm nghiên cứu về Việt Nam, với những tư liệu được tích lũy từ thời còn là sinh viên.

Khi sang Việt Nam công tác, ông đã học tiếng Việt và có điều kiện tìm hiểu sâu hơn, từ đó hình thành nên cuốn sách Sông Đà: Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam. Trong quá trình này, ông cũng đối mặt với không ít thách thức lớn về tư liệu và ngôn ngữ...

Với nền tảng học thuật vững chắc, Philippe Le Failler đã miệt mài khai thác từ nhiều nguồn tư liệu quý giá như: Khai thác, chắt lọc tư liệu từ quốc sử; ghi chép của quan lại địa phương; các chuyến du khảo thực địa, cũng như từ nguồn lưu trữ phong phú của chính quyền dân sự và quân sự Pháp, để dựng nên một bức tranh toàn cảnh, sâu sắc và sinh động về lịch sử một vùng biên cảnh từ thế kỷ XI cho đến đầu thế kỷ XXI

Công trình hiếm hoi mở lối nhìn mới về lịch sử từ vùng biên viễn Tây Bắc

Tại sự kiện ra mắt sách, dịch giả Thanh Thư, người chuyển ngữ tác phẩm sang tiếng Việt cho biết, đây là quá trình dịch thuật “thách thức nhất” trong sự nghiệp của cô, không chỉ vì độ dày gần 800 trang mà còn vì sự phong phú về mặt nội dung, trải rộng từ lịch sử, dân tộc học, văn hóa, kinh tế đến quân sự.

“Có những đoạn phải tra cứu tới tận nguồn gốc Hán – Việt, có khi phải trao đổi trực tiếp với tác giả để đảm bảo đúng tinh thần học thuật”, dịch giả Thanh Thư chia sẻ.

Dự án xuất bản được phối hợp thực hiện giữa Viện Pháp tại Việt Nam và Omega Plus, đơn vị ấp ủ Tủ sách “Vùng cao – Lịch sử Việt Nam”.

Theo Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Omega Việt Nam Trần Hoài Phương, việc đưa một công trình nghiên cứu lớn như Sông Đà đến với độc giả là nỗ lực nhằm tạo ra một cuộc đối thoại mới về cách hiểu lịch sử Việt Nam từ các địa phương, nơi nhiều khi bị che khuất trong các bản tổng kết lịch sử truyền thống.

Sông Đà: Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam không chỉ là tài liệu nghiên cứu tham khảo uy tín cho giới học giả, mà còn là một lời nhắc sâu sắc về vai trò của các vùng đất biên cương trong việc hình thành bản sắc quốc gia.

Cuốn sách 800 trang hé mở lịch sử ẩn giấu nơi thượng nguồn Sông Đà - ảnh 2
Tác giả Philippe Le Failler cho biết đã có 35 năm nghiên cứu về Việt Nam, với những tư liệu được tích lũy từ thời còn là sinh viên.

Trong bối cảnh hiện đại, khi các cuộc thảo luận về chủ quyền, bản sắc dân tộc, và phát triển bền vững vùng cao ngày càng được chú trọng, cuốn sách này đóng vai trò như một cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.

Hơn cả một công trình học thuật, cuốn sách là sự kết tinh của đam mê nghiên cứu, sự am hiểu sâu sắc và tình cảm gắn bó của một học giả ngoại quốc với lịch sử Việt Nam.

Những người làm sách kỳ vọng Sông Đà: Lịch sử một vùng biên cảnh Việt Nam sẽ khơi gợi sự quan tâm từ các nhà nghiên cứu trong nước, và đặc biệt là giới trẻ, những người đang tìm kiếm góc nhìn mới mẻ, sâu sắc và khách quan hơn về quá khứ của dân tộc.