Nỗi lo sạt lở đất khi mùa mưa đến

THẾ TUẤN

VHO - Trận lở đất kinh hoàng đêm 24.5 vừa qua tại làng Maip Mulitaka, tỉnh Enga của đất nước Papua New Guinea xa xôi đã chôn vùi hơn 2.000 người. Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng dữ dội. Tại Việt Nam, sạt lở đất cũng ngày một dày hơn.

 Nỗi lo sạt lở đất khi mùa mưa đến - ảnh 1

 Sạt lở đất tại TP Đà Lạt vào cuối tháng 6.2023 Ảnh: TUẤN PHẠM

Ở nước ta, sạt lở núi chủ yếu tại các vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên. Còn với đồng bằng sông Cửu Long (SCL) là sụt lở dọc hai bên sông, ven biển. Sạt lở do thiên nhiên rất khó tránh, nhất là ở những vùng núi đất, mưa lớn kéo dài khiến đất ngậm nước nhão ra, thiếu độ kết dính. Tuy nhiên, nếu là “nhân tai” thì cần phải được ngăn chặn.

“Quản lý bị hở sườn”

Thời gian qua, trong số những vụ sạt lở đất như vậy trước tiên cần nói đến vụ “đất trôi” ở khu vực hồ Ban Tiện (thôn Phú Ninh, xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) xảy ra vào chiều 4.8.2023. Vụ này gây nỗi kinh hoàng vì không ai có thể ngờ ngay ngoại thành Hà Nội đất lại sạt lở đến như thế. Đây là khu vực du lịch khá phát triển, với nhiều khu nhà thiết kế mới, đầu tư lớn.

Nhưng với tỉnh Lâm Đồng, trong đó có Đà Lạt thì sạt lở đất đã ở mức báo động. Báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, từ ngày 17.6 đến ngày 3.8.2023, trên địa bàn tỉnh này xảy ra gần 20 vụ sạt lở đất. Trong đó có 7 vụ sạt lở đất rất nghiêm trọng, khiến 3 cán bộ CSGT hy sinh, 6 người dân tử vong, 4 người dân khác bị thương. Cụ thể, ngày 17.6 xảy ra 2 điểm sạt lở đất tại TP Đà Lạt làm 2 người tử vong. Tại Bảo Lộc xảy ra 1 điểm sạt lở bờ taluy làm 1 người tử vong, 1 bị thương. Ngày 29.6, xảy ra 13 điểm sạt lở đất trên địa bàn thành phố Đà Lạt, làm 2 người tử vong, 3 người bị thương; 2 nhà kiên cố bị sập, 1 nhà kiên cố bị hư hại nặng, 9 căn nhà bị hư hỏng một phần... Sau nhiều vụ sạt lở đất, ngày 22.9.2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phải tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và đề xuất giải pháp phòng, chống sạt lở đất, ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”. Tại hội thảo, lãnh đạo tỉnh này cùng nhiều chuyên gia xây dựng, địa chất, thủy lợi thừa nhận ngoài thiên tai có lỗi quản lý.

Đáng chú ý khi PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM nói rằng: “Quản lý nhà nước hở sườn ngay từ đầu. Tôi không trách Đà Lạt. TP.HCM hay Hà Nội cũng vậy”. Từđó, ông Hiệp đề nghị khi đã xác định được lỗi, cần xử lý sớm, cùng với việc đánh giá tác động môi trường trong các đồ án quy hoạch, giao và thuê đất. Còn theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, suốt thời gian dài Đà Lạt làm quy hoạch chưa tốt. Bằng chứng là các nhà kính phát triển ồ ạt, gây áp lực lớn cho hạ tầng, ngăn thoát nước, gây ngập khi mưa lớn kéo dài. Không những vậy, Đà Lạt đang thiếu không gian xanh, thiếu không gian chứa nước. “Tỉnh Lâm Đồng nên xem xét đánh giá lại tác động môi trường của việc quy hoạch chi tiết, cho dù quy hoạch đã được phê duyệt. Từ đó, tìm được nguyên nhân gây ngập để điều chỉnh, hoàn thiện, phát triển bền vững”, ông Sơn nêu.

Làm gì để phòng tránh?

Dù đã có nhiều hội thảo, báo cáo khoa học địa chất, môi trường, nhưng đáng tiếc thảm họa sạt lở đất với nhiều mất mát vẫn xảy ra. Đại diện Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) từng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính gây kích hoạt các hoạt động trượt lở đất đá xảy ra tại các khu vực miền núi Việt Nam là do mưa lớn.

Ý kiến này tương đồng với Tổng cục Khí tượng Thủy văn khi cho rằng một trong những nguyên nhân gây sạt lở đất tại một số tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc là do mưa lớn kéo dài khiến đất đá bị bão hòa. Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên phân bố nhiều đá núi lửa bazan, phong hóa ra thành đất đỏ có chiều dầy lớn, tơi xốp, dễ bị rửa trôi, bóc mòn, dễ bị phá huỷ kết cấu khi bão hòa nước, nên khu vực này dễ bị trượt sạt. Theo các nhà khoa học Viện Địa chất, sạt lở có quan hệ chặt chẽ với lượng mưa trong một ngày và lượng mưa tích lũy trong 10 ngày trước đó. Nếu lượng mưa trong 10 ngày trước đủ lớn thì trận mưa tiếp theo không cần có cường độ mạnh hay kéo dài cũng là cú “hích” để đất, đá trượt xuống. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tự nhiên dẫn đến sạt lở đất, con người cũng có tác động đến tiến trình phong hóa trên sườn dốc đồi, núi. Bất kỳ một công trình nào do con người tạo ra, nhất là ở vùng rừng núi, đầu nguồn các con sông, đều ảnh hưởng hoặc ít hay nhiều đến môi trường, trong đó có cả việc tác động đến đặc tính hóa - lý của các tầng địa chất ở một khu vực cụ thể. Bên cạnh đó, các công trình nhân tạo cũng có thể tác động tới tình trạng sạt lở đất một cách gián tiếp, thông qua việc ảnh hưởng đến sự biến đổi khí hậu, tình trạng mất cân bằng của tự nhiên.

Theo Hội Đất ngập nước Việt Nam, mặc dù thủy điện được coi là nguồn năng lượng sạch và rẻ trong bối cảnh nước ta còn thiếu điện và phụ thuộc nhiều vào nhiệt điện, song cũng cần nhìn nhận một thực tế là các đập thủy điện có thể làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu một khi bị lạm dụng, được xây dựng dày đặc, vượt quá sức chịu đựng của thiên nhiên. Chỉ riêng tại 4 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Kon Tum và Đắk Nông đã có gần 150 dự án thủy điện lớn, nhỏ thì việc tìm sự hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và xây dựng, phát triển, sẽ khó đạt được. Trên thế giới, trong 5 loại tai biến tự nhiên (còn gọi là tai biến địa chất) thì lở đất được xếp thứ tư, sau động đất, phun trào núi lửa, tuyết lở và đứng trước hố sụt. Tại các vùng núi nước ta, lũ quét và sạt lở đất thường “sóng đôi” làm tăng mức độ nguy hại.

Việc làm đường, xây dựng nhà máy, nông trại, hồ chứa, đập nước, các công trình dân sinh đều cần đến một diện tích nhất định vốn là rừng cây hay đồi, núi. Diện tích rừng nguyên sinh bị thu hẹp, được thay bằng rừng trồng ở vị trí khác khiến khả năng giữ nước bị thay đổi, taluy vách đồi, núi được xẻ cao làm mất thế cân bằng ổn định của mái dốc được tạo ra qua hàng triệu năm… Với giới khoa học, đây chính là sự tác động trực tiếp để kích hoạt cơ chế chuyển dịch các khối đất, đá dẫn đến hiện tượng sạt lở đất. Như đã nói, thảm họa thiên nhiên thì khó tránh, nhưng “nhân tai” thì có thể, nếu việc quản lý chặt chẽ ngay từ đầu cũng như xử lý nghiêm sau khi xác định nguyên nhân sự cố xảy ra.