Khánh Hòa: Khuyến cáo nguy cơ sạt lở đất và lũ quét
VHO - Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ sạt lở đất và lũ quét trong mùa mưa bão, đặc biệt là tại các khu vưc dân cư đồi núi có nguy cơ cao và trên các tuyến giao thông quan trọng của tỉnh.
Công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai bão lũ, sạt lở ở Khánh Hòa
Những ngày đầu mùa mưa bão, chúng tôi đến khu vực xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang là nơi có nguy cơ sạt lở đất cao. Đây cũng là địa phương vào năm 2018 đã xảy ra vụ sạt lở đất, lũ quét kinh hoàng, khiến 11 người bị chết, nhiều người bị thương, hàng chục căn nhà bị hư hỏng và sập hoàn toàn.
Bà Nguyễn Thị Hoa, một người dân thôn Thành Phát cho biết: "Thiên tai ngày càng khó lường, có thể ập xuống bất kỳ lúc nào. Vì vậy mỗi khi mưa lớn, gia đình lại tìm nơi tránh trú an toàn".
Đã 20 năm gắn bó với thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang, ông Lê Văn Sửu chia sẻ: "Gia đình tôi và bà con trong xóm đều đã nâng cao tinh thần cảnh giác với thiên tai, chủ động di dời đến nơi an toàn. Sau bi kịch lũ quét 5 năm trước, mỗi khi có mưa lớn, nước từ núi tràn về, cả gia đình tôi đều tạm thời di dời tới nhà người thân, chờ đến khi mưa bão qua đi mới trở về nhà".
Thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang hiện có khoảng 400 hộ dân, hầu hết đều đang sống trong các căn nhà cấp 4 lợp mái tôn. Vào mùa mưa bão, người dân nơi đây đối mặt với nhiều khó khăn và nguy cơ thiên tai đe dọa. Bà con mong muốn chính quyền giúp đỡ, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, điện nước và xây dựng các ngôi nhà kiên cố để có cuộc sống ổn định.
Ông Nguyễn Tiến Luật, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết: Rút kinh nghiệm từ những vụ sạt lở đất trong quá khứ, xã đã tăng cường kiểm tra việc xây dựng, khai thác và san ủi đất đá tại các khu vực đồi núi, ven sông, ven suối có nguy cơ sạt lở. Xã tham mưu UBND thành phố Nha Trang xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Để đối phó với thiên tai trong những tháng cuối năm, các đơn vị chức năng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông báo người dân chủ động ứng phó và sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn. Xã Phước Đồng đã đề xuất UBND thành phố Nha Trang hỗ trợ kinh phí nạo vét hệ thống mương thoát nước ở những khu vực bị ách tắc dòng chảy.
Ông Nguyễn Tiến Luật, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết: Rút kinh nghiệm từ những vụ sạt lở đất trong quá khứ, xã đã tăng cường kiểm tra việc xây dựng, khai thác và san ủi đất đá tại các khu vực đồi núi, ven sông, ven suối có nguy cơ sạt lở. Xã tham mưu UBND thành phố Nha Trang xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Để đối phó với thiên tai trong những tháng cuối năm, các đơn vị chức năng sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông báo người dân chủ động ứng phó và sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn. Xã Phước Đồng đã đề xuất UBND thành phố Nha Trang hỗ trợ kinh phí nạo vét hệ thống mương thoát nước ở những khu vực bị ách tắc dòng chảy.
Lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích trong một vụ sạt lở nghiêm trong do mưa lũ tại thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, dự báo từ tháng 10.12.2023, các sông khu vực có khả năng xuất hiện 2 - 3 trận lũ vừa và lớn, đặc biệt trên sông Dinh (địa phận thị xã Ninh Hòa) có khả năng ở mức báo động 2-3, sông Cái Nha Trang ở mức báo động 1 - 2. Các trận lũ lớn thường tập trung vào tháng 10 và 11.
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 216 vị trí trong diện nguy cơ cao khi thiên tai xảy ra, với tổng số cần sơ tán trên 27.000 người, tập trung chủ yếu ở địa bàn thành phố Nha Trang với 130 vị trí/16.524 người cần sơ tán (trong đó xã Phước Đồng 31 vị trí/ 8.080 người).
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Khánh Hòa, để đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các khu vực sạt lở đất, rút kinh nghiệm từ các đợt thiên tai các năm qua, mùa mưa lũ năm nay, Ban Chỉ huy sẽ chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi thường xuyên tình hình diễn biến thời tiết, thiên tai kịp thời thông tin đến chính quyền và người dân để có biện pháp chủ động phòng ngừa, ứng phó phù hợp với từng tình huống.
Khi có tình huống mưa lũ, khẩn trương tổ chức sơ tán, di dời dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, kiên quyết di dời, sơ tán những hộ có nhà không đảm bảo an toàn, đối với trường hợp không hợp tác, thực hiện cưỡng chế nếu cần thiết; trong đó, cần tính toán nhằm đảm bảo công tác hậu cần cho các hộ dân được sơ tán như thức ăn, nước uống…
Đối với việc ứng phó sạt lở đất tại các tuyến giao thông trọng yếu (khu vực tuyến tỉnh lộ 9 đi Khánh Sơn; Quốc lộ 27C đoạn qua đèo Khánh Lê - Lâm Đồng; đoạn đèo Cù Hin…), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Khánh Hòa thường xuyên rà soát các khu vực sạt lở xung yếu trên các tuyến giao thông, kịp thời thông báo đến chính quyền địa phương, người dân khi có tình huống nguy hiểm (sạt lở, ngập, chia cắt giao thông…) để người dân không đi vào các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở khi thời tiết nguy hiểm và có biện pháp phối hợp xử lý.
XUÂN HƯỚNG