Nỗi lo bạo lực trong giới trẻ

UYÊN PHƯƠNG

VHO - Tình trạng bạo lực trong giới trẻ hiện đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Trong đó, nguy hiểm hơn cả là bạo lực học đường (gồm các hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự và các hành vi cố ý gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập).

Nỗi lo bạo lực trong giới trẻ - ảnh 1
Phòng, chống bạo lực trong giới trẻ là trách nhiệm chung của gia đình, nhà trường và toàn xã hội

 Nhằm nhìn nhận toàn diện vấn đề, đồng thời tìm giải pháp hạn chế tình trạng bạo lực, giúp phụ huynh, thầy cô giáo, đặc biệt học sinh vượt qua được khó khăn, vừa qua, Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang đã tổ chức hội thảo về giải pháp xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường, vi phạm pháp luật đối với học sinh trung học.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực trong giới trẻ. Trong đó, đa số các vụ việc xảy ra với những thanh thiếu niên có môi trường sống thiếu thốn, trình độ dân trí thấp. Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn nhiều vấn đề tiêu cực làm ảnh hưởng tới suy nghĩ của không ít người trẻ. Về phía nhà trường, sự sâu sát, nhận định tình hình, nắm bắt những vụ việc có nguy cơ xảy ra chưa kịp thời; chưa khai thác tốt các tổ tư vấn tâm lý học đường cũng như phát hiện và xử lý những tình huống dẫn đến bạo lực trong học sinh còn chậm. Sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội, sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục với chính quyền địa phương, với tổ chức đoàn thể, ban ngành trên địa bàn chưa thật sự hiệu quả.

Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường, đại tá Nguyễn Thanh Tràng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang cho rằng, cần nâng cao hơn nữa vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội. Phụ huynh cần quan tâm, chăm sóc, kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường của con em mình. Nhà trường cần xây dựng mô hình “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Lấy người học làm trung tâm”... Toàn xã hội cần có cách nhìn đúng đắn về vấn nạn bạo lực học đường, có sự đấu tranh phê phán, lên án hành vi xấu, đồng thời có sự bao dung đối với những hành vi vi phạm nhưng đã nhận thức được sai lầm của mình.

Theo bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, Hội thảo xoay quanh thực trạng và giải pháp xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực, vi phạm pháp luật đối với học sinh trung học trên địa bàn tỉnh; xử lý vi phạm pháp luật trong bạo lực học đường; giải pháp ngăn ngừa, xây dựng trường học an toàn; các yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến hành vi bạo lực học đường của học sinh... “Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng về phòng, chống bạo lực học đường”, bà Hằng chia sẻ.

Trong bối cảnh biến đổi chóng mặt của đời sống xã hội; con người, nhất là trẻ em, học sinh phải đối diện với sức tấn công mạnh mẽ của mạng xã hội; các nền tảng xuyên biên giới. Các em chưa đủ độ chín để nhận thức đầy đủ về đúng sai, lệch chuẩn mà đem đến tận trường học để thỏa mãn cái tôi của mình. Đây là thực tế đang diễn ra khá phổ biến từ các vụ bạo lực trong giới trẻ vừa qua. Với các em bị tổn thương, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, lắng nghe tâm sự, qua đó có cách giáo dục riêng, không ỷ lại hết cho nhà trường.