Xây dựng văn hóa học đường​​​​​​​ để ngăn chặn bạo lực học đường

VHO- Thời gian vừa qua, các vụ bạo lực học đường thường xuyên, liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi, nhiều trường học, và gần đây nhất là vụ việc đau lòng cô giáo bị học trò bạo lực ở Tuyên Quang. Ngành Giáo dục thống kê, trung bình mỗi năm có đến 1.600 vụ bạo lực học đường. Nhiều học sinh chia sẻ cảm thấy áp lực, sợ hãi ngay trong lớp, thậm chí có em bỏ học, không dám đến trường…

Xây dựng văn hóa học đường​​​​​​​ để ngăn chặn bạo lực học đường - Anh 1

 Mi ngày đến trường là mt ngày vui . nh: Cô trò lp 2A Trường Tiu hc Tô Vĩnh Din, HNội trong ngày Hi khe Phù Đổng nh: H.HUY

 Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Đây là một thực tế hết sức đau buồn! Tôi nhớ, nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Anan đã phát biểu: “Xem xét một số vấn đề của tương lai, chúng ta không cần đến giải pháp của các máy tính cực kỳ hiện đại. Nhiều vấn đề của thế kỷ tới có thể thấy trước bằng cách quan sát chúng ta hiện chăm sóc con em mình như thế nào. Thế giới ngày mai có thể chịu ảnh hưởng của khoa học, kỹ thuật, nhưng trước hết nó định hình trong cơ thể và trí tuệ của trẻ em”. Chúng ta hy vọng nhà trường là một môi trường lành mạnh, tích cực, tràn đầy tình yêu thương, để từ đó phát triển toàn diện năng lực đức - trí - thể - mỹ cho học sinh, để sau này các em trở thành công dân tương lai của đất nước. Vì thế, bạo lực học đường đi ngược lại tôn chỉ, mục đích đào tạo của chúng ta. Thực tế này cần phải được giải quyết sớm, để từ đó, với học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui, ở đó các em không chỉ được học kiến thức mà còn được trải nghiệm môi trường trong lành của tình yêu thương cùng các giá trị nhân văn khác; giúp các em có được tâm thế thuận lợi, tinh thần hướng thiện - những thứ rất quý giá để định hướng tương lai của chính mình.

Ngành Giáo dục trong thời gian vừa qua đã làm được rất nhiều việc nhằm ngăn chặn, phòng chống bạo lực học đường, như: Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030; Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025, ban hành các thông tư, chương trình, kế hoạch theo từng giai đoạn, từng năm để hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong toàn ngành Giáo dục; Lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong các môn Giáo dục công dân, Tự nhiên và Xã hội, Hoạt động trải nghiệm và nhiều môn học khác. Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng Cẩm nang pháp luật và kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục dành cho các cơ sở giáo dục phổ thông; Sổ tay an ninh trật tự, an toàn trường học; Tài liệu hướng dẫn xử lý tình huống mâu thuẫn trong học sinh phổ thông và nhiều tài liệu hướng dẫn khác... Các trường học trở nên khang trang hơn, chất lượng dạy và học cũng tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận những điểm chưa được để hoàn thiện hơn nữa chất lượng giáo dục, trong đó có vấn đề liên quan đến xây dựng văn hóa học đường để giải quyết vấn đề bạo lực học đường.

Trẻ em hôm nay chính là thế giới ngày mai!

Qua giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chúng tôi nhận thấy rằng, khó khăn lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề bạo lực học đường đến từ môi trường văn hóa không lành mạnh như phim ảnh, sách báo, game online, đồ chơi mang tính bạo lực cả ở ngoài đời thực và trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác như giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức văn hóa, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người; cuộc sống thực dụng chạy theo đồng tiền của một bộ phận xã hội cũng ảnh hưởng tiêu cực đến những giá trị quan trọng của không ít nhà giáo; giáo dục trong gia đình cũng có vấn đề khi khuôn phép, lễ giáo không còn được như trước kia, giáo dục làm gương ít được coi trọng, phụ huynh cũng ít quan tâm tới con cái hoặc thường nặng lời quát mắng, bạo hành khiến trẻ em - đang trong giai đoạn hình thành nhân cách - bị tổn thương tâm lý, tình cảm dẫn đến những lệch lạc trọng nhận thức và hành vi. Trong khi đó, cũng phải thừa nhận rằng, một số cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương chưa thực sự làm hết trách nhiệm trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em khiến không ít vụ xâm hại, bạo lực nạn nhân không được hỗ trợ và cảm thấy đơn độc.

Vì những nguyên nhân này nên dù ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn cần phải tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giải quyết vấn đề bạo lực học đường. Những chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng văn hóa học đường nói chung, giải quyết bạo lực học đường nói riêng, thời gian qua đã được khẳng định rất rõ trong nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đã phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa học đường. Mặc dù vậy, rõ ràng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để đáp ứng kỳ vọng của cả xã hội đối với nhà trường nói riêng, với sự nghiệp giáo dục nói chung. Để làm tốt điều đó, ngành Giáo dục cần tiếp tục triển khai tốt hơn nữa Đề án Xây dựng văn hóa học đường, ở đó nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thân thiện, để học sinh tin tưởng, chia sẻ khó khăn, vướng mắc. Nhà trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần làm hết trách nhiệm theo những gì pháp luật quy định, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật tại cơ sở, đặc biệt là tại các trường học. Đồng thời, cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của từng học sinh khi tham gia, chứng kiến các vụ việc bạo lực học đường. Cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng hệ thống đánh giá bạo lực học đường tại các trường học trên toàn quốc và hệ thống đánh giá trong trường học; xây dựng hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin tình huống bạo lực học đường; rà soát nhằm phát hiện những điểm bất cập để chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn. Hiệu trưởng các nhà trường sẽ có những quyền xác định và phải chịu trách nhiệm rõ ràng khi có xảy ra bạo lực học đường. Các nhà trường muốn chống bạo lực học đường phải chống “bệnh thành tích”, phải đánh giá cao các biện pháp chống bạo lực học đường, không né tránh, che giấu các hiện tượng tiêu cực.

Học sinh có môi trường học tập, vui chơi lành mạnh chính là cách chúng ta xây dựng xã hội tốt đẹp trong tương lai. Vì thế, tôi mong muốn rằng, các cấp, các ngành và các địa phương cần có nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn về vấn đề nghiêm trọng này, từ đó bắt tay xây dựng những kế hoạch hành động, giải pháp cụ thể. Trẻ em hôm nay chính là thế giới ngày mai. Vì thế, sự chung tay của toàn xã hội trong việc thực hiện Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em, tạo mọi điều kiện để trẻ em có môi trường sống lành mạnh, an toàn chính là nhằm tạo ra một tương lai tốt đẹp cho đất nước, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

 PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Ý kiến bạn đọc