Những chuyến bay “delay”
VHO - Tình trạng chậm chuyến bay (delay) đã và đang trở thành “trạng thái bình thường mới”. Người bận công bận việc đã đành, đến những người không bị áp lực thời gian cũng ngao ngán vì các chuyến bay bị lùi, hoãn liên tục nhiều giờ liền.
Thật đáng tiếc việc đó kéo dài đã lâu nhưng vẫn không được khắc phục. Cục Hàng không cho biết, tháng 6.2024, các hãng hàng không Việt Nam thực hiện 22.459 chuyến bay thìcó 6.892 chuyến bị chậm giờ, chiếm tỷ lệ 30,7%. Còn trong vòng 8 tháng có gần 46.000 chuyến của các hãng bay Việt Nam bị “delay”, chiếm tỉ lệ 26% trong tổng số các chuyến bay.
Vẫn thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, cộng dồn 10 tháng năm nay có tới gần 55.000 chuyến bay bị chậm giờ cất cánh, chiếm 25,8% trong tổng số gần 212.000 chuyến bay của các hãng Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Vasco, Pacific Airlines); Vietjet Air; Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Không chỉ chậm chuyến, 10 tháng qua có hơn 840 chuyến bay bị hủy.
Chậm chuyến có thể vài chục phút đã khó chấp nhận, nhưng bức xúc hơn khi có thể kéo dài vài giờ khiến hành khách vô cùng thất vọng, bực tức. Nhiều người lỡ dở công việc cũng vì “delay”. Phản ánh trên mạng, một hành khách cho biết, ngày 13.11 đã mua vé chuyến bay 247 từ Hà Nội vào TP.HCM, lịch bay lúc 10h để 16h tham gia chủ trì một cuộc họp. Thế nhưng liên tiếp bị lùi giờ bay sang 13h30, rồi lại sang 14h; đến tận 14h25 rồi 14h45 mới vào đường lăn. Như vậy, chuyến bay chậm mất 4h45. Còn một hành khách từ Hải Phòng vào TP.HCM cho biết: Mua vé 22h30 bay, sau đó nhận được email đổi lại là 23h30; rồi 0h15 ngày hôm sau. Sau đó lại báo trên loa tại sân bay “delay” tới 1h50 nhưng đến tận 2h20 mới được lên máy bay; 5 giờ sáng mới ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất. Nhà thì ở Thái Bình, phải đi trước lên Hải Phòng để làm thủ tục, sau đó là phải đợi mấy tiếng đồng hồ ở sân bay, thật vô cùng chán ngán, người này cho biết.
Liên tục nhiều tháng qua rất nhiều chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam bị chậm chuyến. Lý do từ phía nhà quản lý đưa ra nhiều nhưng không thuyết phục, cũng như giải pháp được đưa ra không hiệu quả vì tình trạng chậm chuyến bay vẫn tiếp diễn, không chỉ ở một hai hãng mà có ở tất cả các hãng, với mức độ khác nhau. Trong số hành khách đi máy bay, có nhiều khách du lịch. Chưa có thống kê cụ thể khách du lịch chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số khách, nhưng cũng có thể nói đó là tỷ lệ lớn. Đặc biệt vào mùa cao điểm du lịch, dịp lễ tết được nghỉ dài ngày thì khách du lịch đi máy bay chiếm tỷ lệ áp đảo. Phát triển du lịch nhưng nếu máy bay liên tục chậm chuyến thì đó cũng chính là một điểm nghẽn. Nhưng nghẽn thế nào, ai tháo gỡ thì lại bỏ lửng.
Cũng không chỉ hành khách nội địa, mà khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam cũng rất bức xúc vì bị “delay”. Họ ngạc nhiên không thể hiểu nổi chuyện gì đang diễn ra. Hành khách bay bỏ số tiền lớn ra mua vé máy là để được hưởng những tiện nghi hoàn hảo, đặc biệt là về độ an toàn và tối ưu về thời gian. Nhưng rồi, do nạn chậm chuyến quá phổ biến, người ta đành phải tự tính bù giờ, ít nhất là 2 tiếng trước giờ bay ghi trong vé. Như vậy, dịch vụ bay đã không đáp ứng được yêu cầu về thời gian của khách hàng. Theo quy định, khi khách bị trễ chuyến do nguyên nhân từ phía hãng bay, sẽ được bồi thường. Nhưng không ai muốn nhận sự bồi thường ấy vì cái họ cần là được bay đi và đến đúng giờ.
Mà dù được bồi thường thì khách bay vẫn luôn ở thế yếu, thiệt thòi. Nếu đến trễ giờ làm thủ tục thì khách mất luôn vé vài triệu đồng, hoặc phải trả thêm tiền đổi chuyến; còn các hãng trễ chuyến thì chỉ cần nhắn tin xin lỗi. Nếu chậm hoặc hủy chuyến thì mức bồi thường cao nhất cũng không là bao (400.000 đồng/vé). Từ trước tới nay, khi bị “delay”, thậm chí hủy chuyến, khách chỉ biết “kêu” hãng bay. Nhưng còn với cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là Cục Hàng không và Bộ GTVT thì sao, liệu có vô can không? Câu trả lời là không! Vì trách nhiệm của những cơ quan đó là bảo đảm để các hãng bay phục vụ tốt nhất cho hành khách bay về mọi phương diện. Trong trường hợp quá nhiều chuyến bay bị chậm hủy thì cơ quan quản lý nhà nước có quyền xử lý các hãng bay để chấm dứt tình trạng đó; không thể để thiệt hại dồn hết lên hành khách.
Nhân đây cũng nêu một con số: Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, cơ quan được Bộ Công thương giao nhiệm vụ thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ ngày 17.6.2024 đến ngày 30.8.2024, đã tiếp nhận, xử lý 90 đơn, thư phản ánh, kiến nghị. Trong đó, đơn vị nhận được nhiều đơn, thư gửi phản ánh qua thư điện tử về dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không (chiếm khoảng 27,8% tổng đơn, thư nhận được).