Nghiên cứu: Ô nhiễm không khí là nguy cơ hàng đầu gây sa sút trí tuệ

VHO - Theo nghiên cứu mới của Đơn vị Dịch tễ học của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa thuộc Đại học Cambridge (Anh), ô nhiễm không khí, đặc biệt là từ khí thải xe, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc Alzheimer và sa sút trí tuệ.

Hiện thế giới có hơn 57 triệu người đang sống chung với chứng sa sút trí tuệ, con số được dự báo sẽ gần như tăng gấp ba, chạm mốc 153 triệu người vào năm 2050. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh tại châu Âu và Bắc Mỹ có xu hướng giảm nhẹ nhờ cải thiện y tế và nhận thức sớm, nhưng bức tranh toàn cầu vẫn rất đáng báo động.

Cách những chất ô nhiễm làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ

Phân tích chỉ ra rằng ba chất ô nhiễm chính trong không khí có liên quan đến nguy cơ gia tăng chứng sa sút trí tuệ gồm bụi mịn PM2.5, khí nitơ dioxide (NO₂) và muội than.

PM2.5 là những hạt siêu nhỏ có thể xâm nhập sâu vào phổi, thường được tạo ra từ khí thải xe, quy trình công nghiệp và bụi từ hoạt động xây dựng. NO₂ là sản phẩm phụ của quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt phổ biến trong khí thải từ động cơ diesel. Trong khi đó, muội than, không chỉ gây tổn hại đến môi trường mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp và tim mạch của con người.

Ảnh: Unsplash/AmirHosseini.
Ảnh: Unsplash/AmirHosseini.

Theo kết quả nghiên cứu, mỗi khi nồng độ PM2.5 tăng thêm 10 microgam/m³, nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ tăng 17%; với NO₂, cùng mức tăng này, nguy cơ sẽ tăng 3%; còn với muội than, chỉ cần tăng 1 microgam/m³ cũng khiến nguy cơ mắc bệnh tăng 13%.

Bên cạnh Alzheimer, nghiên cứu còn chỉ ra ô nhiễm không khí có mối liên hệ chặt chẽ với chứng sa sút trí tuệ do mạch máu, xảy ra khi máu lưu thông đến não suy giảm. Các cơ chế sinh học gồm tình trạng viêm và stress oxy hóa, hai quá trình có khả năng gây tổn thương tế bào, protein và DNA, và các bệnh mãn tính khác.

Các hạt ô nhiễm có thể, trực tiếp hoặc gián tiếp, đi vào não thông qua dòng máu, sau khi gây ảnh hưởng đến phổi hoặc tim, từ đó kích hoạt phản ứng viêm làm tổn thương mô não.

Giải pháp môi trường cho bài toán trí nhớ

Nhà nghiên cứu, tiến sĩ Haneen Khreis nhấn mạnh: “Chứng cứ dịch tễ học đóng vai trò then chốt trong việc xác định liệu ô nhiễm không khí có làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, cũng như mức độ ảnh hưởng của nó”. Bà cho rằng việc giảm thiểu ô nhiễm không khí không chỉ mang lại lợi ích về sức khỏe mà còn có tác động tích cực lâu dài đối với xã hội, khí hậu và kinh tế. Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và người chăm sóc, mà còn góp phần giảm tải cho hệ thống y tế vốn đã quá tải.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh việc phòng ngừa sa sút trí tuệ không thể chỉ trông chờ vào ngành y tế. Theo tiến sĩ Christiaan Bredell, những yếu tố như quy hoạch đô thị, chính sách giao thông và quy định về môi trường cũng đóng vai trò không thể thiếu trong việc bảo vệ sức khỏe não bộ. Với tình trạng ô nhiễm hiện nay, các chính sách can thiệp cần được triển khai ở cấp khu vực, quốc gia và quốc tế, theo hướng công bằng và toàn diện.

Theo AN DƯƠNG (THEO EARTH, CAMU) Báo Công Luận

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc