Giải pháp nào kiểm soát ô nhiễm không khí, thúc đẩy đô thị xanh?

VHO - Kiểm soát ô nhiễm không khí đang trở thành yêu cầu cấp thiết đặt ra cho cả hệ thống chính trị trong bối cảnh Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ hai con số trở lên.

Đó là khẳng định của ông Đỗ Đức Duy - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại cuộc họp ngày 5.7 nhằm rà soát, hoàn thiện dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia về khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025 – 2030”, với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của các Sở Nông nghiệp và Môi trường từ các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng đang là thách thức lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bài học từ các quốc gia phát triển cho thấy, giai đoạn chuyển từ nước đang phát triển lên phát triển thường là thời điểm chịu áp lực môi trường nghiêm trọng nhất, khi tốc độ phát thải khí gây ô nhiễm không khí cao gấp 1,5 lần mức tăng trưởng GDP. Nếu không có biện pháp kiểm soát kịp thời và hiệu quả, chi phí xử lý hậu quả sẽ vô cùng tốn kém.

Những thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh luôn đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí. Ảnh: minh họa
Những thành phố lớn tại Việt Nam như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh luôn đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí. Ảnh: minh họa

Một ví dụ điển hình là thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc), nơi từng đối mặt với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng hơn cả Hà Nội hiện nay. Tuy nhiên, nhờ đầu tư hàng tỷ USD và triển khai đồng bộ các giải pháp, Bắc Kinh đã cải thiện đáng kể chất lượng không khí. Đây là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc đầu tư sớm, đúng hướng.

Trước thực trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, các chuyên gia cho rằng, cần phải hành động ngay, bằng những giải pháp thiết thực. Theo ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cần có các các giải pháp kiểm soát các nguồn thải ở các tỉnh, thành phố, hỗ trợ chuyển đổi xanh trong giao thông (chuyển đổi xe xăng sang xe điện...), phá dỡ các công trình, di chuyển các nhà máy, nguồn lực cụ thể của địa phương phục vụ việc thực hiện kế hoạch này, đồng thời tăng cường chế tài mạnh mẽ, quyết liệt trong khắc phục ô nhiễm, quản lý chất lượng môi trường.

Tương tự, ông Nguyễn Hồng Nguyên - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho rằng cần đưa chỉ tiêu cụ thể về vệ sinh mặt đường; kế hoạch xanh hoá 1.000 công trình tại các địa phương; làm rõ khái niệm vùng đô thị, vùng nội đô; các giải pháp về chính sách hỗ trợ di dời, ban hành chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh...

Chống ô nhiễm không khí phải hành động ngay, hành động đúng, hành động có trách nhiệm. Ảnh: minh họa
Chống ô nhiễm không khí phải hành động ngay, hành động đúng, hành động có trách nhiệm. Ảnh: minh họa

Về mặt khoa học, PGS. TS Nghiêm Trung Dũng - Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, cần phải bổ sung vào kế hoạch số liệu định lượng ô nhiễm không khí cụ thể, làm rõ nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là gì (đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), mức giảm ô nhiễm không khí cần quy định cụ thể...

Tương tự, PGS. TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho rằng, kế hoạch cần bổ sung các số liệu cụ thể để phân tích nguyên nhân ô nhiễm, các chính sách cụ thể và hoàn thiện các chính sách này phù hợp với thực tế cũng như học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia làm tốt.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ Công an cho biết hiện đang triển khai, thực hiện nghiêm kế hoạch số 135/KH-BCA-V01 về tổng rà soát, đấu tranh xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật và tham mưu giiar quyết các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tới các ngành Công an các địa phương...

Theo PHÚC ÂN/Báo Công Luận

Link bài viết gốc

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc