Nguy hiểm bệnh viêm màng não mô cầu ở người lớn

Q.HOA

VHO - Bệnh viêm màng não mô cầu ở người lớn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, điều trị khó khăn, tốn kém, ngay cả khi được điều trị tích cực người bệnh vẫn có nguy cơ tử vong hoặc chịu những di chứng nặng nề, kéo dài.

 Thông tin từ CDC tỉnh Bắc Kạn cho hay, liên quan đến 2 trường hợp tử vong là bà và cháu tại thôn Nà Lầu, xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, 2 người thân trong gia đình có biểu hiện tương tự đã được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương điều trị. 

Nguy hiểm bệnh viêm màng não mô cầu ở người lớn - ảnh 1
Xét nghiệm cho người nhà bệnh nhân viêm màng não mô cầu tại Bắc Kạn

Đó là 2 bố con anh Đ.V.D (39 tuổi) và bé trai S.V.T (12 tuổi), sau khi có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, được nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn ngày 10.6. Bác sĩ chẩn đoán họ bị viêm màng não, kèm xuất huyết. Anh D. và con trai được chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị.

Sau 1 ngày vào viện, 2 bệnh nhân đã có kết quả chọc dịch não tủy, chẩn đoán viêm màng não do não mô cầu. Đến nay, sau khi điều trị kháng sinh thích hợp, 2 bệnh nhân tạm thời ổn định, tỉnh táo, ăn được, tiếp tục được theo dõi và điều trị.

2 người tử vong trước đó là con gái (2 tuổi tử vong ngày 5.6) và mẹ đẻ của anh D (tử vong ngày 9.6) cũng có các biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, nôn và đi ngoài tiêu chảy. Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương nhận định "nguy cơ cao có thể do nhiễm não mô cầu". Ngoài ra, còn 2 người khác trong gia đình cùng triệu chứng đang được điều trị tại địa phương.

Bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu gây ra, là bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Ước tính, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,2 triệu ca mắc viêm màng não do não mô cầu, trong đó có 135.000 trường hợp tử vong. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hàng chục ca mắc viêm màng não do não mô cầu các nhóm khác nhau.

Viêm màng não mô cầu có thể khiến người bệnh tử vong trong vòng 24 giờ và cần được cấp cứu khẩn cấp. 50% người bệnh tử vong nếu không được phát hiện và điều trị, dù được điều trị tích cực tỉ lệ tử vong vẫn rất cao, có thể lên đến 15%. Với các bệnh nhân may mắn sống sót sau điều trị, có 20% trường hợp chịu nhiều di chứng về thể chất và tinh thần như cắt cụt chi, điếc, mù lòa, rối loạn tâm lý, thiểu năng trí tuệ...

Bác sĩ Bùi Công Sự, quản lý Y khoa vùng 3 – miền Bắc, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết: Vi khuẩn não mô cầu có 13 nhóm khác nhau có khả năng gây bệnh. Trong đó A, B, C, Y và W-135 là 5 nhóm vi khuẩn gây bệnh thường gặp và nguy hiểm nhất.

Nguy hiểm bệnh viêm màng não mô cầu ở người lớn - ảnh 2
Trẻ dưới 5 tuổi và người cao tuổi, có bệnh lý nền dễ mắc bệnh viêm màng não mô cầu

Các đối tượng dễ mắc bệnh là: Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là nhóm có nguy cơ mắc não mô cầu cao nhất; người cao tuổi, người có bệnh lý nền mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, thận mãn tính…

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trên 50% người khỏe mạnh mang vi khuẩn não mô cầu. Thanh thiếu niên và người lớn thường mang vi khuẩn não mô cầu không triệu chứng và là nguồn lây truyền chủ yếu trong cộng đồng. Hiện nay, bệnh viêm màng não mô cầu ở người lớn vẫn còn là một thách thức lớn về sức khỏe cộng đồng toàn cầu.

Trước sự xuất hiện ổ dịch viêm não mô cầu ở Bắc Kạn,  Bộ Y tế đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo, tổ chức triển khai tăng cường phòng, chống bệnh do não mô cầu.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, cần tuyên truyền cho cộng đồng, đặc biệt tại những vùng có dịch lưu hành, nơi có ổ dịch cũ về bệnh do não mô cầu và các biện pháp phòng chống. Trong đó, thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc; chủ động tiêm vắcxin phòng bệnh tại các cơ sở y tế. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Theo bác sĩ Bùi Công Sự, hiện vắcxin phòng viêm màng não do não mô cầu chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ tiêm vắcxin chưa cao dẫn đến số người có miễn dịch phòng bệnh rất thấp.  Trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên và người lớn, đặc biệt là những người có bệnh lý nền mạn tính cần tiêm vắcxin phòng bệnh sớm.

Tại Việt Nam có đầy đủ 3 loại vắcxin phòng các nhóm huyết thanh não mô cầu nguy hiểm, phòng bệnh cho trẻ em và người lớn từ 2 tháng tuổi đến 55 tuổi, gồm: vắcxin phòng não mô cầu nhóm B thế hệ mới (Bexsero – Ý); vắcxin phòng ngừa não mô cầu nhóm BC (Mengoc BC – Cuba) và ACYW-135 (Menactra – Mỹ).

Cả 3 loại vắcxin này được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, các vắcxin thế hệ mới như Bexsero và Menactra được ưu tiên sử dụng, để phòng ngừa nhiều hơn các chủng vi khuẩn não mô cầu.