Nâng cao truyền tải an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thực phẩm
VHO - Trong những năm gần đây, vấn đề an toàn thực phẩm đã trở thành mối quan tâm lớn của mọi người dân. Sự gia tăng của thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn đã khiến nhiều người tiêu dùng cảnh giác, lo sợ.
Ngày 6.12, tại thành phố Vinh (Nghệ An), Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức Hội thảo tập huấn với chủ đề “Tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm: Kết nối các nhà nghiên cứu, nhà báo và cộng đồng trong chuỗi giá trị thực phẩm có nguồn gốc động vật”.
Mục tiêu nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm, đồng thời cung cấp các chiến lược truyền thông thực tiễn truyền tải thông điệp rõ ràng, chính xác đến công chúng.
Các nhà báo, phóng viên, biên tập viên tham dự Hội thảo có cơ hội tìm hiểu các chủ đề về an toàn thực phẩm và hệ thống thực phẩm; nguyên tắc truyền thông nguy cơ hiệu quả; thách thức của nhà báo trong truyền thông về an toàn thực phẩm… từ các chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Lê Trọng Đảm cho biết, trong chuỗi giá trị thực phẩm, vấn đề an toàn thực phẩm nổi lên như một chủ đề nóng, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành và sự vào cuộc quyết liệt của các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý và đặc biệt là báo chí.
Thông qua Hội thảo, Báo Nông nghiệp Việt Nam mong muốn cùng nhau xây dựng mạng lưới báo chí nòng cốt, nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn thực phẩm. Trong thời gian tới, với sự đồng hành chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu và báo chí sẽ góp phần tạo nên những thay đổi thực chất trong lĩnh vực quan trọng này.
Trao đổi về thực trạng và vấn đề an toàn thực phẩm của Việt Nam, Viện trưởng Viện Sức khỏe môi trường và Phát triển bền vững Phạm Đức Phúc nhận định: Việt Nam đối mặt với nhiều vấn đề như thực phẩm chứa hóa chất, ô nhiễm vi sinh, và thông tin sai lệch về nguồn gốc thực phẩm.
Một số vấn đề trong truyền thông nguy cơ, điển hình như: Ý kiến khoa học chưa đồng nhất, các chuyên gia đưa ra các thông điệp khác nhau về một nguy cơ; từ ngữ không đồng nhất và có nhiều cách hiểu khác nhau; chuyển tải thông tin cho cộng đồng theo văn phong khoa học, kỹ thuật, cơ bản không phù hợp với đối tượng cần truyền tải, qua đó gây hiểu lầm không đáng có; không kịp thời làm rõ các lời đồn đại và những câu chuyện thêu dệt không đúng về nguy cơ…
Để giải quyết vấn đề này, đội ngũ phóng viên, nhà báo, các nhà truyền thông cần bảo đảm tính minh bạch, hiểu và đồng cảm với đối tượng mục tiêu, truyền tải thông tin kịp thời, sử dụng bằng chứng khoa học để củng cố thông điệp.
Ngoài ra, cần nhận thấy vai trò của chuỗi sản xuất truyền thống các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là chuỗi sản xuất thịt lợn và các giải pháp can thiệp và truyền thông phù hợp để bảo đảm an toàn thực phẩm của các chuỗi này.
Việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng cũng là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng niềm tin xã hội. Đồng thời, cần cân nhắc những vấn đề chưa chắc chắn, còn gây tranh cãi, và xử lý thông tin tiêu cực một cách khéo léo, Viện trưởng Sức khỏe môi trường và Phát triển bền vững lưu ý.
Để làm rõ hơn về nội dung an toàn thực phẩm, cũng như những thách thức của nhà báo trong truyền thông về an toàn thực phẩm, tại hội thảo, các nhà báo tham gia tập huấn được chia thành ba nhóm, thảo luận về ba chủ đề giả định: Truyền thông nguy cơ an toàn thịt lợn thực tế tại Việt Nam; mối nguy về vi sinh vật (Salmonella và E. coli) ở thịt lợn tại Việt Nam và quản lý bệnh do thực phẩm liên quan đến thịt gà bị ô nhiễm vi sinh vật.
Sau hội thảo, tại phiên tọa đàm với chủ đề "Phương pháp tiếp cận sáng tạo trong truyền thông an toàn vệ sinh thực phẩm", các đại biểu khách mời đã sôi nổi thảo luận để tập trung làm rõ mối liên kết giữa nguy cơ, thông tin khoa học và truyền thông, đồng thời hướng đến việc đề xuất các giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn trong công tác truyền thông nguy cơ về an toàn thực phẩm.
Nội dung trao đổi xoay quanh các vấn đề được quan tâm, như minh bạch thông tin về an toàn thực phẩm; các chuỗi sản xuất thực phẩm có nguồn gốc động vật; cách truyền thông dựa trên dẫn chứng khoa học để nâng cao niềm tin và sự đồng thuận của xã hội.