Hạnh phúc từ những bữa cơm hằng ngày

Q.HOA - T.MAI

VHO - Bữa cơm không chỉ đơn giản cung cấp năng lượng sau thời gian làm việc, học tập mệt mỏi mà còn là sợi dây gắn kết các thành viên trong gia đình, nơi lưu giữ và trao truyền những giá trị truyền thống qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, nhiều người còn chưa hiểu hết ý nghĩa hoặc xem nhẹ vai trò của hoạt động này…

 Hạnh phúc từ những bữa cơm hằng ngày - ảnh 1
Gửi gắm yêu thương vào bữa cơm gia đình để sợi dây gắn kết ngày càng bền chặtChị Lại Thị Thúy trong ngày Tốt nghiệp lớp học nấu ăn

 Chị Nguyễn Thị Hà Thu (51 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) từng là nhân viên ngành Bưu điện, nhưng do áp lực công việc nên chị xin nghỉ hưu sớm để tìm kiếm một công việc phù hợp hơn. Được cơ quan BHXH Hà Nội tư vấn học nghề miễn phí, nên chị Thu đã chọn nghề nấu ăn.

Trong lễ Tốt nghiệp, chị Thu bày tỏ niềm vui khi đã lựa chọn đúng nghề. Trước đây, dù không qua trường lớp nào nhưng chị luôn tự tin mình là người nấu ăn tốt. Tuy nhiên, khi đến lớp học, chị được thầy giáo truyền cảm hứng, tình yêu bếp núc, cũng như tình cảm của người nấu vào từng món ăn, vào các thành viên gia đình… khiến chị thay đổi quan niệm hoàn toàn. Không những thế, chị còn được truyền đạt bí quyết nấu ngon, cách chế biến thực phẩm không bị mất dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… “Trước tôi chỉ nấu được những món bình thường thì giờ đây tôi đã nấu được những bữa ăn chuẩn như nhà hàng, nên cả nhà vui lắm. Chồng con ngày nào cũng hóng xem hôm nay mẹ nấu gì và bàn luận quanh món ăn, không khí gia đình từ đó cũng vui vẻ hơn”, chị Hà Thu chia sẻ.

Chị Lại Thị Thúy (52 tuổi, Hà Nội) từng là quản lý ở một công ty của Đài Loan, giờ chị đã nghỉ việc nên cũng học lớp nấu ăn. Chị Thúy kể, chồng chị là người hướng nội nên chỉ thích ăn cơm ở nhà, do đó, chị cũng tự tìm hiểu để nấu được những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, thơm ngon, hấp dẫn… Sau khi được đào tạo bài bản, chị đã mở mang được nhiều kiến thức, từ đó bữa cơm gia đình chị có nhiều món ngon mà trước đó chỉ được ăn khi ra nhà hàng, nấu cỗ đối với chị cũng thật đơn giản. Cả gia đình chị rất vui vì cứ nấu một món mới thì chồng, con là người “thẩm” đầu tiên rồi chấm điểm. Không chỉ chú trọng vào giai đoạn nấu nướng đảm bảo đa dạng, phong phú, mà ngay từ khâu lựa chọn nguyên liệu cũng được chị quan tâm.

Cùng lớp còn có chị Đinh Mỹ Thương (38 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội), do công việc bận rộn nên bữa cơm gia đình chị rất đơn giản, các món nấu nhanh trong vòng 30 phút, món nào không nấu được thì đi mua sẵn. Chồng chị Thương thích ăn cá kho nên chị hay mua ở ngoài, nhưng cũng chỉ được một bữa, sang ngày hôm sau cả nhà lắc đầu kêu đổi món. Được thầy dạy bí quyết kho cá, chị Thương đã tự tin hơn vào tay nghề của mình. Sau khi thưởng thức, cả nhà ai cũng tấm tắc khen ngon, thậm chí chồng chị còn bảo “cả tuần ăn cá kho cũng được”.

Trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay, phụ nữ và nam giới bình đẳng, cùng ra ngoài kiếm tiền đóng góp tài chính. Ai nấy đều bận rộn, tất bật hơn, đặc biệt ở những thành phố lớn, vì vậy mà những bữa cơm gia đình đầy đủ thành viên cũng ít dần. Vì thế, dù bữa cơm có đầy đủ các món ngon (mua ở nhà hàng) nhưng vẫn thiếu tình cảm mà người nấu ăn gửi gắm, mong chờ lời khen ngợi của các thành viên, và hơn hết là không khí ấm cúng của một tổ ấm thực sự.

Giảng viên dạy kỹ thuật nấu ăn Mai Chung Chiển, Phó trưởng Phòng Đào tạo nghề Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, một bữa ăn ngon không nhất thiết phải đắt tiền mà phải trông bắt mắt, đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là thể hiện được tình cảm của người mẹ, người vợ, người chồng, người cha. Việc học nấu ăn đã giúp nhiều học viên chế biến được những bữa cơm tươm tất, chỉn chu, thường xuyên đổi món. Các chị em không chỉ được học cách sơ chế thực phẩm đúng cách, “bỏ túi” những bí quyết, công thức nấu ngon, mà còn biết cách giữ được chất lượng món ăn luôn ổn định, cách bày biện sao cho có thẩm mỹ…

Thực tế, trên thị trường có nhiều loại thức ăn chế biến sẵn bày bán trong các cửa hàng hay quán vỉa hè, rất thuận tiện, nhưng giá trị dinh dưỡng thường nghèo nàn và không đảm bảo vệ sinh. Vì vậy, việc duy trì nấu ăn ở nhà giúp gia đình có những bữa ăn ngon, lành mạnh, tình cảm và tiết kiệm…

Xã hội phát triển, nhiều người dần xem nhẹ việc chăm chút cho bữa cơm hằng ngày, hoặc có phụ huynh trong bữa cơm lại tranh thủ mắng con khiến ai cũng cảm thấy nặng nề. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, dù xã hội hiện đại đến đâu, những giá trị truyền thống tốt đẹp, những bữa cơm gia đình luôn vẫn phải chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của chúng ta. Mọi người nên dành thời gian và tạo thói quen tổ chức bữa ăn đủ chất, ngon miệng, từ đó sẽ giảm bớt stress do công việc căng thẳng gây nên, đồng thời tạo điều kiện để các thành viên chia sẻ, gần gũi, quan tâm và yêu thương nhau nhiều hơn. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc