Mất “tình làng nghĩa xóm” vì… thú cưng

THẢO LAM

VHO - Chó là một trong những thú cưng được nhiều người ưa thích nuôi trong nhà. Tuy nhiên, đã có không ít phiền toái khiến người xung quanh bị ảnh hưởng từ những chú cún cưng này, nhẹ có thể gây bất hòa, nặng thì đe dọa sức khỏe, thậm chí tính mạng của những người tiếp xúc.

Mất “tình làng nghĩa xóm” vì… thú cưng - ảnh 1

 Tình trạng nuôi chó thả rông vẫn diễn ra phổ biến khiến bệnh dại gia tăng (ảnh minh họa)

Nguồn gây bệnh, tổn thương sức khỏe cho người

Theo số liệu của Bộ Y tế, những tháng đầu năm nay, số người tử vong vì bệnh dại do bị chó dại cắn đã lên tới hơn con số hơn hai mươi, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, thông tin từ Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, số người phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại tăng đến hơn 300%. Ngoài ra, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức… cũng đã tiếp nhận nhiều nạn nhân bị chó cắn gây đa chấn thương.

Vào thời điểm đầu tháng 5 vừa qua, trên địa bàn xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh (Bình Phước), xuất hiện một con chó to chạy rông trên trục đường giao thông, có dấu hiệu nghi mắc bệnh dại. Sau đó nó đã tấn công và cắn một số người đi đường. Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Bình Phước đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND xã Lộc Hưng bắt con chó, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và kết quả dương tính với virus dại. Ngay lập tức, toàn bộ số người bị cắn được đưa đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh dại.

Trước đó, vào cuối tháng 3, ở thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang (Hà Giang) cũng xuất hiện một con chó hung dữ cắn người, vụ việc khiến một bé gái 5 tuổi bị trọng thương. Chị T.Q.D - mẹ cháu bé cho biết, lúc đó là gần 21h ngày 27.3, con gái chị được bạn rủ sang chơi. Khi cô bé đang trên đường cách nhà khoảng vài chục mét thì một con chó to bất ngờ lao tới tấn công. Ngay trong đêm, bé gái được chuyển tuyến về Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), các bác sĩ đã tiêm huyết thanh phòng dại cho bé và tiếp tục theo dõi điều trị. Những người dân xung quanh cho biết, thời điểm trên, không chỉ cháu bé bị chó cắn mà có tới 4 người khác cũng bị con vật hung dữ này tấn công…

Mặc dù mùa hè đang đến gần, nguy cơ gia tăng dịch bệnh dại, nhưng ý thức của người dân nuôi chó vẫn chưa cao. Vì nhiều lý do như bận công việc, chủ quan, chó ốm… mà người chủ nuôi chưa mang thú cưng đi tiêm phòng. Trường hợp ông L.T.S (xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) là một ví dụ. Ông này nuôi 4 con chó, trong đó 3 con đã được tiêm vắc xin phòng dại, 1 con mới đẻ nên chưa được tiêm. Đến ngày 26.4, con chó chưa tiêm có biểu hiện hung dữ, mắt đỏ sọc, cắn ông L.T.S và hai người hàng xóm. Sau đó, con chó bị giết chết và cả ba người được đưa đi tiêm phòng bệnh dại.

Trên thực tế, nhiều người chủ quan cho rằng chó nhà mình đã tiêm vắcxin rồi nên tự do thả đi rông nơi công cộng, công viên, đường phố mà không có xích, rọ mõm. Bà T.K.T (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, sáng nào bà cũng tập thể dục tại Công viên Thống Nhất. Khá nhiều thú cưng được theo chủ ra đây chơi, trong đó có cả những con chó rất to chạy xồng xộc khiến mọi người rất sợ hãi. Một số con không rọ mõm, nhưng hầu như ai nấy đều cố tránh xa chứ không dám lên tiếng vì… vừa sợ chủ vừa sợ chó. “Mỗi người một sở thích khác nhau, mình cũng không cấm được nhưng chỉ mong những người nuôi không nên đưa chó ra ngoài công cộng, nếu đưa thì chọn lúc vắng và rọ mõm lại để đảm bảo an toàn cho người xung quanh”, chị T.K.T bày tỏ.

Nuôi thú cưng cũng cần văn minh, trách nhiệm

Yêu và nuôi thú cưng là quyền của mỗi người, nhưng đôi khi thái quá lại trở thành thiếu văn minh, kém văn hóa. Cách đây không lâu, một chủ chó tại TP.HCM đã phải làm việc với cơ quan chức năng vì hành vi hành hung người khác cũng chỉ vì thú cưng. Clip ghi lại hình ảnh một chú chó không rọ mõm chạy nhảy tung tăng tại hành lang chung cư và cứ quấn vào chân một cậu bé. Cậu bé hoảng sợ, co rúm người lại, người cha thấy vậy đá nhẹ con chó nhỏ ra xa. Người chủ chó ở gần đó nhìn thấy đã lao vào hành hung, gây thương tích cho người bố.

Không chỉ có nguy cơ gây nguy hiểm cho người khác, nhiều thú cưng còn làm mếch lòng bà con láng giềng vì đi vệ sinh ngoài đường, thậm chí ngay trước cửa nhà hàng xóm. Nhưng điều đáng trách không phải ở thú cưng mà ở hành vi, ý thức của những người chủ.

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện nội dung đăng tải về tình trạng vệ sinh bừa bãi của thú cưng nhà hàng xóm. Người này tỏ ra bất lực vì “sáng nào mở cửa cũng có một bãi phân chó trước cửa”. Theo chị, ông xã đã góp ý với chủ chó nhiều lần nhưng không có gì chuyển biến. Khi chị sang nói thì người chủ không tiếp thu mà còn phản ứng “làm gì mà phải ầm ĩ lên”. Sau đó, người chủ cũng sang hót phân chó nhưng qua loa đại khái, chị phải lấy nước và chổi cọ mới sạch.

Sau bài viết của chị, nhiều người cũng đồng cảm với nỗi bức xúc của chị: “Không nói thì bực bội, nói mà không thay đổi thì càng tức. Hàng xóm với nhau mà cãi nhau vì bãi phân chó thì cũng không hay lắm, nên đành nhắm mắt làm ngơ”; “Một vài lần đầu thì góp ý, không thay đổi thì hót “trả” lại cho nhà họ”… Có người còn hiến kế treo biển “Nhà nhiều chuột quá nên để bả chuột xung quanh khu vực cửa. Anh chị hàng xóm có thả chó thì chú ý kẻo chúng ăn phải!”…

Kinh nghiệm dân gian cho rằng, chó đi vệ sinh là do thói quen và theo mùi mà chúng đã “đánh dấu” nên chỉ cần đổ các loại nước như gừng, tỏi, ớt… xung quanh nhà là chúng sẽ không vệ sinh ở đó nữa. Nhưng cách này cũng không phải lâu dài vì khi bay bớt mùi, hoặc một cơn mưa là phải đổ lại, mà cách đó cũng chỉ sạch được một nhà, chúng lại chạy nhà khác phóng uế gây mất vệ sinh, mỹ quan đô thị.

Xét về mặt tình cảm, vật nuôi đáp ứng nhu cầu tinh thần chính đáng của trẻ em và người lớn. Nhưng quan trọng hơn hết, chủ nuôi phải biết hành xử, quản lý vật nuôi để không làm ảnh hưởng đến người xung quanh, nhất là phải bảo đảm tiêu chí an toàn cho người khác. Đó là hành động văn hóa, văn minh, trách nhiệm đối với thú cưng trong cuộc sống hiện đại.

Nhằm khắc phục tình trạng bất cập trong việc nuôi chó thiếu ý thức, Sở NN&NT TP.HCM đang xây dựng quy định tạm thời quản lý việc nuôi chó, mèo. Theo đó, chủ vật nuôi có thể sẽ phải đăng ký định kỳ với UBND cấp xã, phường, đồng thời khuyến khích các hộ nuôi gắn chip điện tử hay một phần mềm vi xử lý trên người thú cưng. Việc này giúp quản lý thông tin phối giống, tiêm phòng, kiểm dịch vận chuyển...