Bệnh dại có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương

VHO - UBND huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) vừa có văn bản đề nghị tăng cường khuyến cáo và điều trị dự phòng cho người bị chó, mèo nghi dại cắn tại địa phương; dự trù đủ vắcxin, kháng huyết thanh để điều trị dự phòng bệnh dại trên địa bàn.

Bệnh dại có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương - Anh 1

Lực lượng chức năng tiến hành tiêm phòng dại cho chó, mèo trên địa bàn huyện Đầm Hà Ảnh: HẢI HÀ

 UBND huyện Đầm Hà vừa quyết định công bố dịch bệnh động vật tại xã Dực Yên kể từ ngày 28.2 sau khi một con chó cắn cùng lúc 14 người. Cụ thể, vào ngày 28.2, tại khu vực Trường tiểu học xã Dực Yên, xuất hiện một con chó thả rông đã cắn 14 người, trong đó có 13 học sinh và một thầy giáo.

Ngay khi nắm được thông tin, UBND huyện Đầm Hà đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện phối hợp UBND xã Dực Yên tiến hành lấy mẫu xét nghiệm gửi về Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương. Đến ngày 29.2, kết quả xét nghiệm của mẫu dương tính với virus dại. Những người bị chó cắn đã được điều trị, hiện sức khỏe ổn định. Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn huyện Đầm Hà hiện có 8.500 con chó, mèo, trong đó xã Dực Yên có 938 con chó, mèo. Sau sự việc xảy ra, xã Dực Yên đã tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai công tác phòng chống dịch bệnh dại trên đàn chó, mèo. Đồng thời, thành lập 2 chốt kiểm soát dịch bệnh tại thôn Yên Sơn và thôn Đồng Tâm và tổ kiểm soát nhằm tiêu hủy chó, mèo thả rông không rọ mõm, không có người quản lý.

UBND huyện Đầm Hà cũng ban hành công văn yêu cầu các phòng, ban, đơn vị và UBND các xã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn huyện. Theo đó, Phòng Y tế và Trung tâm Y tế huyện tăng cường khuyến cáo, điều trị dự phòng cho người bị chó, mèo nghi dại cắn; dự trù đủ kháng huyết thanh để điều trị dự phòng bệnh dại. Thông báo, chia sẻ thông tin về ổ dịch bệnh dại, về số người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng tại các cơ sở y tế để phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện giám sát, xử lý ổ dịch bệnh dại. Đồng thời, phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tính chất nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng, chống. Không sử dụng thuốc đông y (thuốc nam, thuốc bắc) hoặc các loại thuốc khác không theo quy định của ngành Y tế để phòng, chống bệnh dại.

Riêng đối với xã Dực Yên, triển khai đồng bộ các biện pháp khoanh vùng, dập dịch theo quy định; thực hiện tiêm phòng vắcxin dại cho 100% đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn xã. Các xã khác tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm việc tiêm phòng vắcxin dại cho chó, mèo; chấp hành việc xích, nhốt trong khuôn viên gia đình, trong trường hợp thả chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm và có người kiểm soát. Bên cạnh đó, khẩn trương thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng toàn địa bàn xã; thành lập tổ công tác xử lý chó, mèo thả rông không đeo rọ mõm theo quy định; thực hiện tiêm phòng 100% số lượng đàn chó, mèo nuôi xong trong ngày 5.3. Tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, tiêm phòng vắcxin dại, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm.

Đáng chú ý, từ ngày 11.1 đến ngày 5.2, cũng trên địa bàn huyện Đầm Hà, khi phát hiện 2 ổ dịch bệnh dại ở 2 hộ gia đình, cơ quan chức năng đã bắt và tiêu hủy 6 con chó theo quy định. Theo Bộ Y tế, mặc dù được tuyên truyền, song bệnh dại có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương, kể cả ở những tỉnh không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại. Tình trạng chó, mèo không tiêm phòng dại, thả rông không rọ mõm, cắn người đi đường vẫn còn rất nhiều. Năm 2023, cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022. Các địa phương ghi nhận số tử vong cao là Gia Lai (14), Nghệ An (7), Bình Phước (7), Điện Biên (6), Bến Tre (5).

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có đến 90% trường hợp tử vong do không đi tiêm phòng bệnh dại. Nhiều người còn chủ quan, nghĩ chó, mèo nhà nuôi không mắc bệnh dại nên khi bị cắn đã không đi tiêm. Có người do khó khăn, cũng có người do tiếc tiền, ở xa nơi tiêm nên đã không đi tiêm, hoặc tiêm được 1 -2 mũi thì bỏ. Đặc biệt, nhiều trẻ em khi bị chó, mèo cắn không nói với bố mẹ, bố mẹ lại không để ý, tới khi con phát bệnh dại thì đã muộn. Chỉ trong vòng 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn hoặc cào. Bác sĩ khuyến cáo, nếu người bị súc vật tấn công không được dự phòng bằng tiêm huyết thanh kháng dại và vắcxin phòng dại kịp thời thì khả năng mắc bệnh dại là rất lớn, khi đó tỷ lệ sống sót gần như không còn.

TS.BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. “Dự phòng bệnh dại bằng huyết thanh và vắcxin là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm. Việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây… chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh, ngược lại có thể gây nguy hiểm, tạo điều kiện cho vi rút xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn hoặc gây ra các tình trạng nhiễm trùng cơ hội”, bác sĩ Lê Kiến Ngãi khuyến cáo.

Theo BS Bạch Thị Chinh, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, chỉ trong 2 ngày (từ mùng 4 đến mùng 6 Tết Giáp Thìn 2024), hệ thống ghi nhận hơn 3.000 người đến tiêm phòng dại, tăng hơn 60% so với ngày thường. “Vắcxin dại được khuyến cáo cần tiêm đủ phác đồ trong lần tiêm đầu tiên sau phơi nhiễm. Các lần tiêm sau chỉ cần bổ sung 2 mũi. Đối với vết thương nặng, cần kết hợp tiêm huyết thanh, tùy vào mức độ vết thương, bác sĩ có thể tư vấn tiêm thêm vắcxin uốn ván”, BS Chinh cho biết.

“Dự phòng bệnh dại bằng huyết thanh và vắcxin là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm. Việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây… chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh, ngược lại có thể gây nguy hiểm, tạo điều kiện cho vi rút xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn hoặc gây ra các tình trạng nhiễm trùng cơ hội”.

(TS.BS LÊ KIẾN NGÃI, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Nhi Trung ương)

 

LÊ DUY

Ý kiến bạn đọc