Quảng Ngãi:
Hàng nghìn người tiêm vắc xin và huyết thanh phòng bệnh dại
VHO - Hiện thời tiết đang vào mùa nắng nóng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát của bệnh dại. Tại Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay có trên 3.700 người dân bị chó, mèo cắn đến tiêm vắc xin và huyết thanh phòng bệnh dại, tăng 30% so với cùng kì năm 2023.
Không may bị chó cắn vào chân gây chảy máu nên ông Nguyễn Văn, ở phường Nghĩa Lộ, TP Quảng Ngãi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm vắc xin phòng bệnh dại. “Rất may vị trí cắn không sâu, không gần vị trí thần kinh trung ương nên tôi chỉ cần tiêm đủ 5 mũi vắc xin, không cần tiêm huyết thanh”, ông Văn nói.
Tỷ lệ trẻ em bị chó cắn được người nhà đưa đến tiêm vắc xin phòng bệnh dại cũng khá cao. Trường hợp con của anh Nguyễn Đức Phương, TP Quảng Ngãi dù bị chó nhà cắn nhưng vì lo lắng nên bé được anh dẫn đi tiêm phòng cho an toàn. “Khi bị chó nhà cắn mình không chủ quan được, tốt nhất nên cho cháu tiêm, theo dõi chó như thế nào, bây giờ cũng ổn”.
Theo bác sĩ Bùi Xuân Liêm, Phó Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút dại gây ra. Thời gian ủ bệnh thường từ 1 - 3 tháng. Người bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn nếu không tiêm vắc xin kịp thời, đến phát bệnh dại thì tỷ lệ tử vong là 100%. Bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm phòng vừa là biện pháp dự phòng, vừa là biện pháp điều trị duy trì để cứu sống bệnh nhân khi bị động vật dại cắn.
“Tốt nhất là đi tiêm sớm, trước 72 giờ. Hạn chót của thời gian đi tiêm là 7 ngày kể từ thời điểm cắn. Người dân chủ động tiêm phòng dại khi chưa bị chó cắn, chỉ cần tiêm 3 mũi ban đầu là có miễn dịch suốt đời nếu bị chó cắn chỉ cần tiêm lại 2 mũi, không cần tiêm huyết thanh dù cắn bất cứ vị trí nào và có tiêm trễ cũng không sợ”, bác sĩ Liêm khuyến cáo.
Hiện nay, ngành Y tế tỉnh chủ động nguồn vắc xin dự phòng và huyết thanh, đảm bảo phục vụ công tác tiêm chủng cho người dân. Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cấp bách phòng chống bệnh dại trên người của năm 2024.
Theo ngành Y tế, khi không may bị động vật cắn, người dân cần xử trí vết thương bằng các chất tẩy rửa và sát trùng y tế nhằm giảm bớt vi rút dại bám trên vết thương. Nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tư vấn, xử trí và tiêm vắc xin phòng dại. Một số trường hợp cần sử dụng huyết thanh, đặc biệt là những người có vết cắn ở vị trí gần thần kinh trung ương.