Ninh Thuận:
Lên phương án đối phó với hạn hán kéo dài
VHO - Trước tình hình hạn hán ngày càng khốc liệt, UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Quyết định số 495 về việc thành lập Tổ công tác và lên các phương án ứng phó hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.
Hiện có khoảng 1.500 hộ với gần 6.000 nhân khẩu của các xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn), xã Phước Tiến (huyện Bác Ái),... đối diện thiếu nước sinh hoạt, cần được chở nước phục vụ.
Theo ghi nhận của Văn Hóa, do hạn hán kéo dài nhiều tháng nay, nhiều diện tích nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận phải dừng sản xuất do thiếu nước tưới.
Theo báo cáo của UBND huyện Ninh Sơn, nắng hạn kéo dài thời gian qua đã khiến nhiều sông suối trên địa bàn cạn khô trơ đáy. Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu nước tưới. Trong đó, có hơn 200 ha cây ăn trái với 100 ha cây sầu riêng của nông dân ở các thôn Lâm Hòa, Lâm Phú, Lâm Bình xã Lâm Sơn bị ảnh hưởng nặng nề.
Ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ninh Sơn cho biết, hiện nay, hàng trăm ha cây ăn quả, sầu riêng trên địa bàn huyện phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước tự nhiên từ suối Gia Chiêu, cầu Ngang và cầu Khỉ. Nắng hạn kéo dài khiến những con suối này cạn khô trơ đáy, ảnh hưởng đến sản xuất của các nhà vườn.
"Những ngày qua trên địa bàn đã có mưa, nhờ đó một số khu vực suối nói trên đã tích được lượng nước nhất định. Hiện, bà con đang tận dụng lượng nước này để tưới cho vườn cây. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn", ông Minh cho hay.
Ông Nguyễn Duy Khả, Trưởng ban quản lý thôn Lâm Hòa, xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) cho biết: Chi phí để đầu tư 1 ha sầu riêng đang trong giai đoạn cho trái khoảng 70 triệu đồng/vụ, nếu tính từ lúc trồng cây con thì chi phí lên đến vài trăm triệu đồng. Do đó, nếu thời gian sắp tới không có nước thì thiệt hại của bà con sẽ là rất lớn, có thể phải bỏ hết trái mới hy vọng giữ được cây.
Ông Reo (54 tuổi, đồng bào Raglai, trú xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc) cho biết: Đã 4 tháng nay vẫn chưa có mưa, nếu thời gian tới không mưa thì ông đành bỏ ruộng. Vì khi hồ Sông Trâu cạn, những ruộng đồng ở xa kéo nước về rất vất vả. Tôi cũng đang chưa biết nên gieo vụ Hè Thu hay không vì sợ thiếu nước khi nghe dự báo nắng nóng kéo dài.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, tính đến cuối tháng 4.2024, tổng lượng nước tích tại 23 hồ chứa trên địa bàn chỉ còn hơn 186 triệu/417 triệu m3 tổng dung tích thiết kế (chỉ nêu số tròn).
Lượng nước hồ Đơn Dương (Lâm Đồng) phát điện qua Nhà máy thủy điện Đa Nhim và cung cấp nước cho tỉnh Ninh Thuận cũng chỉ còn 104 triệu/165 triệu m3 so với dung tích thiết kế. Hiện, có 3/23 hồ chứa, gồm: CK7, Bầu Ngứ và Ông Kinh đã xuống đến mực nước chết. Nếu không có mưa, sắp tới sẽ có thêm 6 hồ chứa khác thuộc các huyện Bác Ái, Ninh Phước, Thuận Nam và Ninh Hải là: Hồ Phước Nhơn, Tân Giang, Suối Lớn, Sông Biêu, Lanh Ra, Bầu Zôn bị cạn kiệt.
Tại huyện Ninh Hải có 3 hồ thủy lợi lớn, gồm: Hồ Ông Kinh, Thành Sơn và Nước Ngọt (cộng tổng dung tích cả 3 hồ được hơn 5 triệu m3), nhưng đến thời điểm này, cả 3 hồ chỉ còn lại khoảng 2 triệu m3. Riêng hồ Ông Kinh ở xã Nhơn Hải đã cạn khô hơn 1 tháng nay.
Ngày 17.5, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Tổ trưởng tổ công tác ứng phó hạn hán của tỉnh đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó hạn hán tại khu vực xảy ra hạn hán nặng. Cùng đi có ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận và lãnh đạo đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan.
Tại buổi kiểm tra, ông Trịnh Minh Hoàng đã đến thăm, động viên bà con vùng xảy ra hạn hán nặng. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã chỉ đạo các Sở ngành, địa phương tập trung rà soát và triển khai thực hiện ngay các giải pháp ứng phó với tình trạng thiếu nước tưới đối với diện tích cây ăn quả ở xã Lâm Sơn và một số địa phương xảy ra hạn hán.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng đề nghị, Công ty TNHH MTV khai thác các công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát thực hiện ngay việc khơi thông dòng chảy và chặn dòng để tích nước tại 2 điểm trên suối Gia Chiêu để phục vụ việc bơm tưới của bà con.
Về lâu dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp rà soát lại toàn bộ khu vực, đề xuất các phương án nhằm đảm bảo nguồn nước tưới cho toàn bộ khu vực đảm bảo phù hợp và hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, chủ trương ứng phó hạn hán của tỉnh Ninh Thuận là không để người dân thiếu nước trong sinh hoạt; không để cho gia súc gia cầm thiếu nước uống trong chăn nuôi; không để cho các cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao thiếu nước ảnh hưởng tới sinh trưởng.
"Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với nắng hạn nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại", ông Trịnh Minh Hoàng nhấn mạnh.