Lập kế hoạch di dời dân cư ra khỏi khu vực sạt lở đất

NAM VIỆT

VHO - Thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, Bảo Yên, Lào Cai) đang được khẩn trương xây dựng lại, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Sáng 10.9, đất từ núi Con Voi tràn xuống thôn đã vùi lấp 55 người. Tới ngày 25.9 vẫn còn 11 người mất tích. Nhưng, không chỉ thôn Làng Nủ, nhiều địa phương khác cũng bị nạn sạt lở đất de dọa.

Lập kế hoạch di dời dân cư ra khỏi khu vực sạt lở đất - ảnh 1
Những căn nhà tạm cho người dân thôn Làng Nủ đang dần hoàn thành. Ảnh: SƠN CA

 Bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu của nó đem tới sự tàn phá kinh hoàng với nhiều tỉnh phía Bắc, nhất là với các địa phương ven biển và trung du, miền núi. Trong khi đó bão số 4 gây mưa lớn ở Bắc Trung Bộ và một số tỉnh miền Trung. Bão tan nhưng mưa lại trút xuống như thác, hết ngày này sang ngày khác làm đất nhão ra, sạt lở, cùng đó là những trận lũ ghê người.

Toàn lực lo cho dân

Nhiều năm nay, mỗi khi mùa mưa lũ về, người dân tại xóm Nhàng (xã Kim Thượng, Tân Sơn, Phú Thọ) lại phải sống trong cảnh thấp thỏm lo âu do sạt lở đất. Một người dân cho biết, gia đình sống ngay sát chân đồi Nhàng, chỉ trong một tuần sau bão số 3, gia đình đã phải di dời 4 lần. Người dân trong xóm luôn chuẩn bị tháo chạy khỏi nhà khi nghe tiếng xô sạt phía sau, tất cả gia sản đều bỏ lại.

Mưa lớn kéo dài làm cho đồi Nhàng có vết nứt ngang dài 100m, rộng 70cm, nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Trong đợt mưa lũ vừa qua, 171 hộ dân xóm Nhàng đã phải di dời đến nơi tránh trú an toàn. Trong khi đó, người dân xã Bạch Lưu (huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc) cũng không khỏi hốt hoảng khi vào ngày 21.9, UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xử lý sự cố sạt lở bờ sông Lô; cung sạt có chiều dài 200m, khu vực bãi sông này có 7 hộ dân sinh sống với khoảng 44 nhân khẩu. Tại bản Phiêng Ban (xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ), mưa lớn kéo dài tạo ra vết nứt trên cung trượt lớn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bốn hộ dân với 18 nhân khẩu. Ông Lò Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nà Tấu không giấu được lo lắng khi vết nứt trên cung trượt ngày càng mở rộng, khe hở vết nứt có những đoạn gần 40cm và độ sụt lún lên tới 1,5m.

Cũng không riêng gì bản Phiêng Ban, trên địa bàn xã Nà Tấu còn 15 hộ dân sinh sống ở các bản Bản Xôm, Trung Tâm, Nà Tấu 2, cũng nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Cùng với Lào Cai, Yên Bái là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hoàn lưu bão số 3. Riêng về sạt lở đất, vào khoảng 2h ngày 10.9 tại thôn Át Thượng (xãMinh Xuân, huyện Lục Yên) 9 người bị vùi lấp và3 người bịthương, 1 người mất tích. Cũng trong buổi sáng định mệnh đó, vào lúc 4h ngày 10.9, cả gia đình anh S.V.A (thôn Bảo Tân, xã Minh Bảo, TP Yên Bái) đang trong giấc ngủ thì vạt đồi phía sau nhà ập xuống, cả 4 người trong gia đình không còn ai sống. Trong số 24 người thiệt mạng ở TP do bão số 3, thì trong đó có 22 người thiệt mạng do sạt lở đất. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND TP Yên Bái, thành phố có nhiều điểm tiếp tục sạt lở và có nguy cơ sạt lở mới, đe dọa cuộc sống của người dân. Không chỉ các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc nguy cơ đối mặt với rủi ro sạt lở đất trong mùa mưa bão, mà nhiều tỉnh Bắc Trung Bộ và miền Trung cũng trong tình thế tương tự. Mới đây nhất, do ảnh hưởng báo số 4, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải ban hành Quyết định số 3804 công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đồi đất khu vực Trường trung học cơ sở và Trung học phổ thông Như Xuân (xã Thanh Quân, huyện Như Xuân). Quy mô sạt lở tại hai ngôi trường này có chiều dài cung sạt khoảng 90m, đỉnh cung sạt cách chân mái ta luy khoảng 50m, chiều rộng vết nứt từ 30 - 40cm, chiều cao sụt khoảng 50cm.

Ngày 24.9, UBND tỉnh Quảng Bình công bố tình huống khẩn cấp thiên tai sạt lở đất tại đồi Cây Sường (thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa), nơi có 40 hộ dân sinh sống. Do khu vực này xuất hiện nhiều điểm trượt, lún với tổng chiều dài khoảng 200m. Các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam cũng gặp nhiều rủi ro sạt lở đất, trong đó có huyện Nam Trà My. Những ngày mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 4 vừa qua, tại làng Tăk Chay (xã Trà Cang) sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến 33 hộ dân. Các hộ này buộc phải sơ tán, di dời khẩn cấp. Có mặt tại hiện trường, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu chính quyền địa phương phải tập trung toàn lực lo cho dân; không để người dân thiếu đói, rét và phải gấp rút di dời toàn bộ người dân ở các vùng có nguy cơ cao sạt lở, sắp xếp bố trí dân cư ổn định.

Làm gì để hạn chế thấp nhất thảm họa?

Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày một nhiều hơn, trong đó sạt lở đất do mưa bão, lũ lụt là hết sức nghiêm trọng. Ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, ổn định đời sống người dân là nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn. Trong đó, việc sớm xây dựng những khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở đất là đòi hỏi bức thiết.

Theo TS Vũ Văn Vĩnh (Hội Đệ tứ - Địa mạo Việt Nam), sạt lở đất do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do mưa lớn nhiều ngày làm cho nước trong khối đất đá bão hòa cực, làm thúc đẩy, tăng cường trượt lở đất. Còn theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thàn, những sườn núi, sườn đồi tự nhiên, sự phong hóa đất, đá xảy ra từ từ. Tuy nhiên khi có sự thay đổi bề mặt từ đất rừng sang đất trồng cây hay san phạt đất làm nhà, đường, xây hồ thủy điện… thì cấu trúc của mặt đất thay đổi, dẫn tới nguy cơ sạt lở khi có lượng mưa lớn. Trong khi đó, GS Nguyễn Ngọc Lung (Viện Quản lý rừng bền vững) nhấn mạnh tới nguyên nhân do diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Nếu đất trống, đồi trọc, chỉ có cỏ và cây bụi khi mưa xuống có tới 95% chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Lượng nước chảy tràn tạo thành lũ.

Trong bối cảnh đó, để hạn chế thấp nhất thảm họa, theo TS Nguyễn Đăng Mậu (Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng nông nghiệp, Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu) thì cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo và thông tin kịp thời. Đồng thời các địa phương tăng cường tổ chức kiểm tra, gia cố các công trình phòng chống lũ lụt. Đối với những vùng có nguy cơ bị cô lập do lũ lụt, chính quyền địa phương tổ chức dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, và các vật tư y tế cần thiết để đảm bảo cuộc sống của người dân trong thời gian bị ảnh hưởng. Đặc biệt, theo TS Mậu, cần lập kế hoạch và triển khai di dời dân cư khỏi những khu vực nguy hiểm như vùng trũng, ven sông, suối, hoặc những nơi có nguy cơ sạt lở đất trước khi thiên tai xảy ra. 

 Việc di dời người dân khỏi những nơi nguy cơ sạt lở đất cao được các địa phương chú trọng. Tuy nhiên, thiếu đất để di dời và xây dựng những khu tái định cư lại là vấn đề hầu hết các địa phương gặp phải. Thiếu đất và thiếu kinh phí di dời lẫn xây dựng khu ở mới là vấn đề tồn tại lâu nay rất khó giải quyết.

Đặc biệt, di dời người dân trong vùng rủi ro sạt lở đến nơi ở mới phải an toàn, nhưng cũng phải bảo đảm sinh kế cho người dân; trong đó đòi hỏi đất canh tác, trường học, trạm xá, điện nước, đường giao thông... mà các địa phương cần hết sức quan tâm, nhưng vẫn khó giải quyết.