Học văn qua kịch sử Việt:

Lan tỏa tri thức và xúc cảm thẩm mỹ đến giới trẻ

THÙY TRANG

VHO - Trong tháng 3 và 4.2025, nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm sân khấu kịch như một hình thức đổi mới cách dạy và học môn Ngữ văn.

Lan tỏa tri thức và xúc cảm thẩm mỹ đến giới trẻ - ảnh 1
Học sinh thưởng thức kịch lịch sử và giao lưu cùng nghệ sĩ tại suất diễn chiều ngày 26.3 vừa qua. Ảnh: BTC

Vở kịch lịch sử Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử tiếp tục được nhiều cơ sở giáo dục lựa chọn.

Đây là một sáng kiến đầy sáng tạo, giúp giới trẻ hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc và phát triển các kỹ năng giao tiếp, biểu cảm, làm việc nhóm qua những tác phẩm nghệ thuật mang đậm giá trị văn hóa dân tộc.

 Học văn qua kịch lịch sử

Khán phòng gần 700 ghế của Nhà hát Thanh niên TP.HCM chật kín khán giả, trong đó có hơn 600 học sinh tham gia thưởng thức vở kịch lịch sử Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử.

Bà Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương chia sẻ: “Các tác phẩm văn học, những nhân vật và sự kiện lịch sử không chỉ sống động trên trang sách, mà còn rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu. Với mong muốn mang đến những trải nghiệm văn học - nghệ thuật chân thực và sâu sắc, tổ Ngữ văn Trường THPT Hùng Vương đã tổ chức chương trình học tập - trải nghiệm thể loại kịch với vở diễn này”.

Hoạt động không chỉ giúp học sinh củng cố kiến thức về lịch sử, mà còn giúp các em hiểu sâu hơn về nghệ thuật sân khấu, một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần.

Việc tham gia xem kịch vừa lan tỏa tình yêu nghệ thuật, vừa bồi dưỡng khả năng cảm thụ văn chương, từ đó tạo cơ hội cho học sinh định hướng nghề nghiệp tương lai. Đây cũng là dịp để các em giao lưu, học hỏi và thư giãn sau những giờ học căng thẳng.

Theo tổ Ngữ văn Trường THPT Hùng Vương, chương trình trải nghiệm học Văn qua kịch lịch sử giúp học sinh tiếp cận văn học một cách đa giác quan. Khi được xem và cảm nhận trực tiếp các nhân vật, tình tiết trên sân khấu, các em sẽ hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa và xã hội quê hương.

Các thầy cô hy vọng chương trình sẽ trở thành một kỷ niệm khó quên trong quãng đời học sinh của các em.

Ngay sau thông báo về hoạt động xem kịch, gần 2.500 học sinh đã đăng ký tham gia (theo tinh thần tự nguyện). Do khán phòng Nhà hát Thanh niên chỉ có gần 700 ghế, các em được chia thành 4 suất, mỗi suất hơn 600 học sinh (2 suất diễn đã diễn ra vào tháng 3, còn 2 suất tiếp theo vào chiều 16 và 23.4).

Sau mỗi buổi xem kịch, học sinh sẽ thực hiện bài thu hoạch với các câu hỏi nhằm làm rõ đặc trưng của thể loại kịch, giúp các em hiểu rõ hơn về cốt truyện, xung đột, nhân vật, hành động, ngôn ngữ và nghệ thuật sân khấu.

Các bài thu hoạch này sẽ được tính điểm kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, học sinh cũng có thể viết bài cảm nhận sau khi xem vở kịch và gửi về CLB Văn học.

Ban Chủ nhiệm sẽ chấm điểm, trao giải và đăng tải những bài viết xuất sắc lên Fanpage của CLB, qua đó lan tỏa tình yêu văn chương và nghệ thuật đến cộng đồng.

Đây là năm thứ ba Trường THPT Hùng Vương tổ chức hoạt động học tập trải nghiệm môn Ngữ văn qua hình thức xem kịch. Việc này không chỉ giúp học sinh gần gũi hơn với nghệ thuật sân khấu, mà còn tạo cơ hội để các em hiểu sâu sắc hơn về văn học và lịch sử Việt Nam.

Đây là dịp để lớp trẻ mở rộng kiến thức, phát triển cảm xúc, bồi dưỡng tâm hồn và hướng tới những lựa chọn nghề nghiệp đúng với khả năng, sở thích trong tương lai.

Lan tỏa tinh thần yêu nước từ sân khấu học đường

Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt là nhân vật lịch sử vĩ đại, có công lao lớn trong việc mở mang bờ cõi phía Nam. Với khí phách của một bậc công thần, ông không chịu khuất phục trước uy quyền, luôn kiên định bảo vệ và chăm lo đời sống cho nhân dân.

Vở kịch Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử tái hiện một phần cuộc đời của ông, người được dân tôn kính gọi là “Đức Thượng công”, với bối cảnh khi Tả quân đảm nhận chức Tổng trấn Gia Định thành dưới thời vua Minh Mạng.

Vở kịch được đầu tư công phu về mọi mặt, từ trang phục, đạo cụ đến âm nhạc, góp phần tạo nên một không khí hào hùng, tươi mới và cuốn hút qua từng cảnh diễn.

Tác giả kịch bản Phạm Văn Quý, Võ Tử Uyên chỉnh lý và được dàn dựng dưới bàn tay tài ba của đạo diễn Hoàng Duẩn, vở kịch quy tụ dàn nghệ sĩ nổi tiếng như Đình Toàn, Đại Nghĩa, Mỹ Duyên, Hoàng Trinh, Quang Thảo, Quốc Thịnh, Hòa Hiệp, Đông Hải…; tập trung vào vụ án nổi tiếng khi Tả quân Lê Văn Duyệt xử chém Quốc trượng Huỳnh Công Lý, cha của Huệ Phi, người mà vua Minh Mạng sủng ái.

Dù vở kịch kéo dài gần ba tiếng đồng hồ, nhưng các học sinh vẫn giữ được sự tập trung cao độ suốt buổi diễn. Sau khi kết thúc, các em còn hào hứng trò chuyện và giao lưu với các nghệ sĩ, diễn viên để tìm hiểu thêm về quá trình sáng tạo, kịch bản và diễn xuất, qua đó có cơ hội khám phá sâu hơn về nghề kịch và các giá trị lịch sử, văn hóa.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - Giám đốc Nhà hát Kịch Idecaf chia sẻ: “Chúng tôi rất mừng khi được đưa hình tượng Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt lên sân khấu Idecaf, nhất là khi khán giả chủ yếu là thanh thiếu niên. Vở kịch mang thông điệp sâu sắc về lòng yêu nước, tính giáo dục và nghệ thuật cao, phù hợp với giới trẻ đương thời”…

Sau những suất diễn tại Trường THPT Hùng Vương, vở kịch sẽ tiếp tục được trình diễn tại các trường khác. Giám đốc Nhà hát Kịch Idecaf thông tin, ngoài biểu diễn tại Nhà hát Thanh niên, ê kíp nghệ sĩ - diễn viên sẽ đến tận các trường học tùy theo nhu cầu và tình hình thực tế, nhằm lan tỏa giá trị của kịch sử Việt đến với học sinh, sinh viên.

Được biết, vở kịch Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử là một trong những tác phẩm trọng tâm trong chương trình “Sử Việt học đường” mà Nhà hát Kịch Idecaf phối hợp cùng Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM thực hiện từ năm 2024.

Chương trình đã tổ chức nhiều suất diễn phục vụ đông đảo khán giả. Mới đây, Idecaf còn hợp tác với Ban Quản lý Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia lăng Lê Văn Duyệt để tổ chức công diễn với mức giá ưu đãi.

Vé xem kịch được phát hành công khai đến các tổ chức và cá nhân có nhu cầu học tập, tìm hiểu về nhân vật lịch sử Tả quân Lê Văn Duyệt.