Kỳ vọng vụ rau Tết thắng lợi

NHƯ ĐỒNG

VHO - Các hộ trồng rau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang bước vào mùa cao điểm chăm sóc rau chuẩn bị phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán 2025.

Kỳ vọng vụ rau Tết thắng lợi - ảnh 1
Không khí nhộn nhịp trên các cánh đồng rau

Các loại rau màu chủ lực được nông dân gieo trồng nhiều trong dịp này là khổ qua, dưa leo, đậu tây và xà lách, diếp cá, rau cải, hành, ngò… Phần lớn diện tích sản xuất rau màu của tỉnh phục vụ Tết được tập trung ở các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và TP Quảng Ngãi.

Tại vựa rau xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà, Tịnh Long, Tịnh An, thuộc TP Quảng Ngãi không khí nhộn nhịp, tiếng cười nói của người dân chăm sóc các loại rau. Trước nhu cầu tiêu thụ rau tăng cao dịp Tết Nguyên đán năm 2025, nông dân sản xuất đang tập trung chăm bón để đảm bảo chất lượng tốt nhất cho mùa vụ.

Ghi nhận của chúng tôi, từ sáng sớm, người dân đã có mặt trên đồng ruộng, cần mẫn làm đất gieo hạt hoặc chăm sóc luống rau các loại để kịp cung ứng ra thị trường. Các loại rau ăn lá, ăn quả có thời gian sinh trưởng ngắn ngày được bà con chăm sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh.

Kỳ vọng vụ rau Tết thắng lợi - ảnh 2
Người dân cần mẫn làm đất để gieo hạt các loại rau ngắn ngày

Đang chăm sóc các luống rau trên cánh đồng ruộng, bà Bùi Thị Xuân, ở xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi chia sẻ, để chuẩn vụ Tết năm nay, gia đình bà tăng diện tích trồng gấp 2 đến 3 lần bình thường để thu hoạch nhiều rau bán ra thị trường. Bà Xuân cũng mong muốn, vụ rau Tết năm nay thời tiết sẽ thuận lợi để bà cùng các hộ dân vùng trồng rau ở địa phương đảm bảo canh tác, cung ứng ra thị trường những loại rau chất lượng.

“Trồng rau là nguồn thu nhập chính cho gia đình tôi cũng như nhiều hộ nông dân khác cả chục năm qua. Vụ Tết này gia đình xuống giống khoảng 4 sào rau cải, xu hào. Dự kiến, nếu rau được mùa, thị trường ổn định, vợ chồng tôi sẽ có thu nhập khoảng 8 triệu đồng ăn Tết”, bà Xuân nói.

Còn ông Huỳnh Văn Dũng, ở xã Nghĩa Hà cũng đang hối hả làm đất, xuống giống vụ rau Tết. Ông Dũng nói, vụ tết này xuống chủ đạo là bắp xu. Bởi đây là loài cây có khả năng chịu rét tốt, lại có chu kỳ thu hoạch trùng đợt Tết. Cạnh đó, xà lách, các giống cải cũng được gia đình ông trồng để có thể thu hoạch thành nhiều đợt trước, trong dịp cuối năm và sau Tết.

Kỳ vọng vụ rau Tết thắng lợi - ảnh 3
Vụ rau Tết được nông dân kỳ vọng mang lại thu nhập cao

Với khoảng hơn 50 ha trồng rau màu các loại, xã Tịnh Long, có tiếng là vựa rau lớn của tỉnh. Đang chăm sóc vườn rau ở xứ đồng Quýt, xã Tịnh Long, ông Tô Văn Biên cho hay, từ rằm tháng 10, gia đình ông xuống giống hơn 800 m2 vụ rau Tết với các loại như rau muống, mã đề, diếp cá, mồng tơi, xà lách và các loại rau gia vị như hành, ngò, húng, quế.

"Ngoài trồng dưới cánh đồng, vợ chồng tôi còn gieo trồng các loại rau trên triền núi Thổ Sơn. Quá trình rau sinh trưởng, tuy có vài đợt mưa song không ảnh hưởng nhiều đến hoa màu. Hiện gia đình tôi đang vào mùa thu hoạch rau Tết để cung ứng tại các chợ", ông Biên cho hay.

Theo nhiều người dân ở xã Nghĩa Hà, Nghĩa Dũng, rau ở các xứ đồng này không chỉ tiêu thụ ở chợ địa phương mà còn xuất bán ra Quảng Nam, Đà Nẵng. Hiện nay, thời tiết se se lạnh nhưng người dân vẫn cần mẫn canh tác và theo sát quá trình sinh trưởng của rau.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua, người dân tích cực áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Đến thời điểm nay, nhiều luống rau đang phát triển xanh tốt, hứa hẹn một vụ mùa được giá và đạt năng suất cao.

Ông Lê Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND Nghĩa Hà cho biết, hiện nay toàn xã có hơn 150 ha trồng rau màu các loại, với khoảng hơn 100 hộ dân tham gia. Trung bình một năm bà con canh tác được 3 vụ rau, mỗi vụ rau nông dân thu hoạch hơn 3 tấn rau, thu nhập 7 đến 9 triệu đồng/vụ. Cạnh đó, chính quyền xã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây rau. Đặc biệt, Hội nông dân xã tuyên truyền sử dụng phân hữu cơ bón rau, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực.

Kỳ vọng vụ rau Tết thắng lợi - ảnh 4
Quảng Ngãi hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn từ việc xây dựng vùng trồng, cấp, quản lý mã số đến bảo quản, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030.

Theo đó định hướng phát triển sản xuất rau phấn đấu đến năm 2030, diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh đạt khoảng trên 13.000 ha, sản lượng đạt gần 250.000 tấn. Nhóm chủ lực gồm rau ăn lá các loại, như mồng tơi, dền, rau muống, rau ngót, cải các loại... rau họ đậu, gồm đậu đũa, đậu co-ve, các loại đậu khác... rau củ, quả các loại như dưa hấu, dưa chuột, cà chua, cà tím, bầu, bí, mướp, khổ qua...và rau gia vị hàng năm, gồm hành, tỏi, rau mùi, rau húng, tía tô, ớt cay….

Trong số này, định hướng rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến, phấn đấu đến năm 2030 đạt gần 1.500 ha, sản lượng ước trên 24.000 tấn; trong đó sản xuất chủ yếu tại các huyện đồng bằng, như Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức... và Lý Sơn sản xuất tập trung tỏi 300ha và hành 650ha.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, để đạt được mục tiêu nêu trên, cấp thẩm quyền Quảng Ngãi, đã đề ra những giải pháp và chỉ đạo khá cụ thể cần thực hiện. Trong đó, chú ý là về tổ chức sản xuất, các huyện, thị xã, thành phố cần xác định quy mô vùng sản xuất rau an toàn, tập trung trong phương án quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan.

Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn từ việc xây dựng vùng trồng, cấp, quản lý mã số đến bảo quản, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.