Làng rau sạch Trà Quế tất bật thu hoạch vụ Tết
VHO-Trải qua một năm đìu hiu vắng khách vì dịch bệnh Covid-19, mưa bão dồn dập, những ngày cuối năm, nông dân làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP.Hội An, Quảng Nam) hối hả dồn công sức sản xuất, tất bật thu hoạch vụ rau Tết với hy vọng một vụ mùa xanh tươi, có thu nhập bù lại những thất bát vừa qua.
Nông dân Trà Quế đang thu hoạch vụ rau Tết
Từ giữa tháng 11 Âm lịch, khi mưa lũ vừa ngớt, nông dân thôn Trà Quế lại tất bật bắt tay sản xuất, gieo trồng vụ rau cuối năm đón Tết.
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Bê và ông Nguyễn Hùng (64 tuổi) cho biết, từ giữa tháng 11 Âm lịch, cứ tranh thủ nắng ráo, không mưa dầm dề là vợ chồng bà lại ra vườn cuốc xới, lên luống, bón phân vào lớp dưới bề mặt đất để chuẩn bị sẵn sàng gieo hạt vụ Tết. Năm nay, những vụ rau trước gần như đã mất trắng vì bị hư hại, dập nát do mưa bão triền miên khiến rau không thể sinh trưởng, phát triển được.
Cả làng Trà Quế có hơn 200 hộ dân đang canh tác khoảng 18 hecta rau sạch theo chuẩn VietGap; TP Hội An hỗ trợ đầu tư cải tạo thành vùng rau chuyên canh, xây dựng và phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị rau VietGap gắn với địa chỉ du lịch sinh thái.
Năm qua, hầu như hộ nào cũng gặp cảnh thất bát như gia đình bà Bê. Thậm chí, có những lứa rau vừa tới kỳ thu hoạch, hứng chịu những đợt bão đổ bộ dồn dập vừa qua nên hư hại hết không vớt vát được gì.
Ông Võ Ảnh-một hộ nông dân ở làng Trà Quế cho biết, gia đình ông có khoảng 1.000 m2 chuyên canh rau sạch hàng chục năm nay. Trung bình mỗi năm, gia đình thu về trăm triệu đồng từ nghề trồng rau. Rau mang thương hiệu Trà Quế được các nhà hàng ở thị trường Quảng Nam-Đà Nẵng, các cửa hàng rau sạch ưa chuộng và thu mua với giá cả nhỉnh hơn so với các loại rau bình thường vì được sản xuất theo chuẩn rau sạch. Nhiều khi sản xuất không đủ cung ứng cho thị trường. Theo ông Ảnh, năm qua, gia đình ông gần như thu nhập chỉ vừa đủ chi phí, không lãi được đồng nào vì các đợt mưa bão vừa qua đã làm toàn bộ diện tích rau màu bị hư hại nặng nề.rau trồng ra bị mưa bão tàn phá liên tục. Vụ Tết này, gia đình ông dành gần 800m2 để sản xuất rau, màu các loại, diện tích còn lại trồng một số loại hoa ngắn ngày, tiêu thụ nhanh trong dịp tết như vạn thọ, cúc, huệ,…
Hiện các hộ nông dân trong làng đã khôi phục sản xuất, xuống giống các loại rau xanh, hoa màu, hoa khoảng 18 ha diện tích đất màu để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu. Vụ rau Tết năm nay, làng Trà Quế trồng hơn 20 loại rau ăn lá, nhiều nhất là diếp cá, xà lách, cải, ngó rí, cải, mồng tơi,…là những loại rau chủ lực, được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết. Phần lớn các loại rau này sẽ cho thu hoạch trong khoảng thời gian 30-45 ngày kể từ lúc gieo cấy.
UBND xã Cẩm Hà cũng đã hỗ trợ hạt giống các loại rau như rau xà lách, ngò, tần ô, cải… để bà con xuống giống gieo sạ, sản xuất Tết năm 2021. Với thời tiết tương đối thuận lợi những ngày cuối năm, người dân Trà Quế hy vọng vụ rau Tết sẽ tươi tốt, mang lại thu nhập.
Vụ rau Tết năm nay lên xanh, tươi tốt
Nhiều năm qua, làng rau này đã nổi danh là vùng chuyên canh rau sạch ở miền Trung, được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến để trải nghiệm tour du lịch độc đáo “một ngày làm nông dân Trà Quế”, khai thác yếu tố văn hóa làng nghề và ẩm thực bản địa truyền thống, cùng trồng rau, thu hoạch, chế biến và thưởng thức các món ẩm thực độc đáo từ rau sạch Trà Quế.
Người dân ở đây vừa làm du lịch, kết hợp với sản xuất rau, thu nhập ổn định. Rau Trà Quế cũng đã thành thương hiệu có tiếng ở miền Trung vì chất lượng sạch, thơm, ngon. Tuy nhiên, năm qua, dịch bệnh Covid-19 khiến du lịch đìu hiu, làng rau gần như cũng vắng bóng du khách, người dân “mất” nguồn thu từ nghề hướng dẫn du khách làm nông, trồng rau. Thu nhập giảm rõ rệt. Vụ rau Tết năm nay chính là hy vọng mà người làng rau đặt vào để có cái Tết đầy đủ hơn.
Mô hình kinh tế, gắn sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các hoạt động dịch vụ du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch trải nghiệm và du lịch học tập, nghiên cứu như ở Trà Quế đã góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Những năm qua, mô hình này thu hút khá đông du khách, phần lớn là khách nước ngoài. Thời gian qua, lượng khách nội địa, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên cũng bắt đầu ưa thích, muốn khám phá, hoà nhập với thiên nhiên, đồng ruộng tìm đến, cùng tham gia trải nghiệm trồng rau, cùng chế biến thực phẩm. Từ đó, tăng giá trị cây rau thông qua dịch vụ, tăng thêm thu nhập của người trồng rau thêm từ 2 – 3 triệu đồng/tháng.
Du khách thích thú trải nghiệm “Một ngày làm nông dân làng rau” tại lễ hội cầu bông Trà Quế năm 2020
Những ngày cuối tuần gần đây, khi những luống rau đã bắt đầu lên xanh, hoa đã bắt đầu chớm nụ, làng rau cũng đã đón các đoàn khách nội địa đến Hội An tham quan, trải nghiệm hoạt động sản xuất vụ rau, tham gia tour “Một ngày làm nông dân làng rau”. Đặc biệt, nhiều trường học cũng đã tổ chức cho học sinh đến tham quan mô hình làm nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái tại đây. Giúp các học sinh trải nghiệm, thử cùng ra đồng vun luống, bón phân, gieo hạt như những người nông dân thật sự và được thưởng thức các món ăn dân dã đặc trưng được chế biến từ rau như tam hữu, mì quảng, nước é....
Theo truyền thống, ngày mồng 7 Tết đầu năm, làng rau sẽ tổ chức lễ cúng cầu bông để cầu mong một năm mưa thuận gió hòa. Nhiều năm qua, đây là một trong những lễ hội được UBND TP.Hội An tổ chức bài bản, thu hút khá đông du khách đến trẩy hội, trải nghiệm nhiều hoạt động vui xuân cùng người làng rau. Năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thành phố Hội An đã ra thông báo tạm hoãn tổ chức lễ hội này ở quy mô lớn để chủ động phòng, chống dịch bệnh. Người làng vẫn sẽ cúng tế theo thông lệ truyền thống cùng với ước nguyện một năm mưa thuận gió hòa, làng rau vẫn xanh tươi và cầu mong dịch bệnh qua nhanh, để làng rau lại tấp nập, nhộn nhịp du khách như xưa.
THU HOÀI