Liên quan đến việc khởi tố, tạm giam một số cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm:

Hồi chuông cảnh tỉnh về lỗ hổng quản lý và sự suy thoái đạo đức công vụ

THU SÂM; ảnh: QUỐC HỘI

VHO - Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam một số cán bộ thuộc Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) không chỉ gây chấn động dư luận mà còn đặt ra yêu cầu cấp bách về việc rà soát toàn diện công tác quản lý an toàn thực phẩm ở nước ta.

Đây là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc về sự yếu kém trong quản lý, sự suy thoái đạo đức công vụ và những lỗ hổng nghiêm trọng trong thể chế giám sát – những nguyên nhân trực tiếp khiến niềm tin xã hội bị bào mòn.

Quản lý an toàn thực phẩm: Yếu kém, chồng chéo và thiếu trách nhiệm

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) thẳng thắn đánh giá: “Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, cho thấy công tác quản lý hiện nay còn yếu kém.” Theo ông, dù chúng ta có đầy đủ lực lượng quản lý thị trường và các sở chuyên trách tại địa phương, nhưng việc chỉ vào cuộc sau khi sự việc đã xảy ra là minh chứng cho sự thụ động trong giám sát và kiểm tra.

Sự lỏng lẻo trong quản lý tạo điều kiện cho các sản phẩm giả, kém chất lượng ngày càng tràn lan, với thủ đoạn tinh vi và quy mô mở rộng. Thêm vào đó, theo đại biểu An, nhận thức của người tiêu dùng cũng góp phần không nhỏ vào thực trạng này: “Biết là hàng giả, có hại nhưng vẫn sử dụng vì chưa thấy tác động ngay tức thì.”

Hồi chuông cảnh tỉnh về lỗ hổng quản lý và sự suy thoái đạo đức công vụ - ảnh 1
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng vụ việc này cho thấy công tác quản lý còn yếu kém

Không dừng lại ở đó, sự phối hợp thiếu hiệu quả giữa các lực lượng liên ngành cũng được xem là nguyên nhân khiến cho việc phát hiện và xử lý vi phạm chưa đạt yêu cầu. “Công tác phối hợp hiện nay còn chậm, thiếu hiệu quả, dẫn đến việc xử lý không triệt để và làm giảm tính răn đe”, ông nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được đặt ra là sự suy thoái đạo đức ngay trong chính đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý. "Chúng ta có đầy đủ công cụ pháp luật, vậy tại sao lại để xảy ra tình trạng nhận hối lộ, vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức bị khởi tố, bắt giam?", ông đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng điều cần làm là tăng cường kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ trực tiếp – những người giữ vai trò then chốt trong bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo đại biểu An, những gì được phát hiện mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Thực tế cho thấy còn nhiều vụ việc tương tự chưa được phanh phui hoặc xử lý triệt để. “Chúng ta đã từng chứng kiến những vụ việc liên quan đến sữa, lòng xe điếu và nhiều sản phẩm khác có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể để xử lý dứt điểm,” ông cảnh báo.

Trong bối cảnh Quốc hội đang thảo luận về phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm, đại biểu An cho rằng điều cần thiết là phải hoàn thiện cơ chế giám sát để làm rõ trách nhiệm từng khâu, từng cấp, từng ngành, tránh tình trạng “đổ lỗi tập thể” dẫn đến không ai chịu trách nhiệm cụ thể.

Khi niềm tin bị bào mòn

“Tôi cho rằng vụ việc tại Cục An toàn thực phẩm là lời cảnh tỉnh sâu sắc đối với toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe, niềm tin và nhân phẩm con người,” đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn TP. Hà Nội) nhận định.

Hồi chuông cảnh tỉnh về lỗ hổng quản lý và sự suy thoái đạo đức công vụ - ảnh 2
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng vụ án còn là biểu hiện của sự tha hóa quyền lực ở mức báo động.

Theo ông, vụ việc không đơn thuần là hành vi sai trái của một vài cán bộ biến chất, mà là biểu hiện rõ nét của một lỗ hổng lớn trong thể chế giám sát, hậu kiểm và văn hóa công vụ.

Khi chính cơ quan có trách nhiệm bảo vệ người dân lại tiếp tay cho sai phạm, thì niềm tin xã hội sẽ bị bào mòn nghiêm trọng. “Không thể nói đến một nền quản trị quốc gia liêm chính, hiệu quả nếu những người cầm cân nảy mực lại là người tiếp tay cho tội phạm,” đại biểu Sơn nhấn mạnh.

Ở một góc nhìn sâu hơn, ông cho rằng vụ án còn là biểu hiện của sự tha hóa quyền lực ở mức báo động. Những cán bộ – lẽ ra phải là ‘hàng rào cuối cùng’ bảo vệ sức khỏe cộng đồng – lại trở thành mắt xích trong chuỗi lợi ích nhóm, dung túng cho sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là hàng giả, nhắm vào những nhóm yếu thế nhất như người già, phụ nữ mang thai và trẻ em.

“Đây không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn là tội ác đối với lương tri và đạo lý con người,” ông khẳng định.

Từ đó, đại biểu Sơn kêu gọi phải siết chặt văn hóa công vụ, trách nhiệm giải trình và kiểm tra hậu kiểm độc lập. Theo ông, đã đến lúc cần nhìn nhận rằng văn hóa liêm chính không thể chỉ là khẩu hiệu, mà phải trở thành nguyên tắc sống còn đối với đội ngũ cán bộ, đặc biệt trong những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực.

Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả từ bên ngoài hệ thống, thông qua vai trò của truyền thông, xã hội dân sự và các tổ chức thanh tra độc lập.

Từ góc nhìn văn hóa – xã hội, hành vi làm giả thực phẩm chức năng, đánh tráo nguồn gốc, biến hàng nhập từ Trung Quốc thành hàng gắn mác “châu Âu” hay “Mỹ” không chỉ là gian dối thương mại mà còn là sự tha hóa đạo đức nghề nghiệp, làm tổn hại hình ảnh quốc gia.

“Văn hóa doanh nghiệp, nếu không dựa trên nền tảng trung thực, trách nhiệm và hướng đến cộng đồng, thì sẽ là mảnh đất màu mỡ cho sự vô cảm và trục lợi,” ông nói.

Cuối cùng, đại biểu Sơn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm tổ chức giám sát chuyên đề về công tác cấp phép và hậu kiểm thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, ông đề xuất xây dựng một đạo luật riêng về thực phẩm bảo vệ sức khỏe với các tiêu chuẩn chặt chẽ, cơ chế đánh giá độc lập và mức chế tài hình sự đủ sức răn đe, thay vì chỉ dừng ở xử lý hành chính hay cách chức.

“Vụ án này không đơn thuần là một hồ sơ hình sự. Nó là lời cảnh báo sâu sắc rằng nếu chúng ta không xây dựng được một nền văn hóa liêm chính trong hệ thống công quyền, thì mọi chính sách tốt cũng sẽ bị bóp méo, thậm chí phản bội ngay trong quá trình thực thi. Và cái giá phải trả, không chỉ là tiền bạc – mà là sinh mạng, là phẩm giá, là lòng tin của người dân,” ông kết luận.

Siết lại toàn bộ hệ thống quản lý thực phẩm chức năng

Hồi chuông cảnh tỉnh về lỗ hổng quản lý và sự suy thoái đạo đức công vụ - ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Hải Nam đề nghị hoàn thiện khung pháp lý, siết chặt quy trình cấp phép và hậu kiểm sản phẩm thực phẩm chức năng

Chia sẻ góc nhìn, đại biểu Nguyễn Hải Nam (Đoàn Thừa Thiên Huế) nhấn mạnh: “Việc một cán bộ cấp cao trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe cộng đồng bị khởi tố vì nhận hối lộ là điều không thể chấp nhận.”

Theo ông, đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật, mà còn là biểu hiện của sự phản bội niềm tin nhân dân, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và làm suy giảm uy tín của ngành y tế. “Vụ việc cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý, giám sát và kiểm tra an toàn thực phẩm,” ông nói.

Thực tế cho thấy quy trình cấp giấy chứng nhận GMP và công bố sản phẩm đã bị lợi dụng để hợp thức hóa hàng giả, hàng kém chất lượng. Do đó, đại biểu Nam đề xuất rà soát toàn diện các quy trình cấp phép, tăng cường minh bạch hóa, trách nhiệm giải trình và xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm để lấy lại niềm tin xã hội.

Về giải pháp, đại biểu Nam đề nghị: “Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý, siết chặt quy trình cấp phép và hậu kiểm sản phẩm thực phẩm chức năng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra độc lập và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để giảm thiểu tiêu cực. Quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, có đạo đức nghề nghiệp và chịu trách nhiệm trước pháp luật”.