Cục An toàn thực phẩm cảnh báo quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng

THÙY TRANG

VHO - Trước tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng đang ngày càng tràn lan, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa phát đi cảnh báo, yêu cầu người dân cần thận trọng với những lời hứa hẹn “thần kỳ” mà các sản phẩm này mang lại.

Cục An toàn thực phẩm cảnh báo quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng - ảnh 1
Hộp thực phẩm chức năng. Ảnh: VFA

Theo Cục An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng đang trở thành một sản phẩm phổ biến trong đời sống hằng ngày của nhiều người.

Tuy nhiên, các sản phẩm này chỉ có tác dụng hỗ trợ bổ sung dinh dưỡng, giúp cải thiện sức khỏe hoặc giảm nguy cơ mắc bệnh, và không thể thay thế thuốc chữa bệnh.

Mặc dù có vai trò quan trọng, nhưng người tiêu dùng cần hiểu rõ bản chất của sản phẩm và không bị mê hoặc bởi những lời quảng cáo thổi phồng công dụng.

Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Shopee,… không khó bắt gặp các quảng cáo của TikToker, KOLs, KOCs hay Influencers hứa hẹn những hiệu quả “thần kỳ” như giảm cân nhanh chóng, làm đẹp da tức thì, tăng cường sức khỏe vượt trội.

Những lời quảng cáo này dễ dàng thu hút sự chú ý và khiến người tiêu dùng tin tưởng mà không hề nghi ngờ.

Tuy nhiên, thực tế, rất nhiều quảng cáo cho rằng sản phẩm có thể “chữa bách bệnh” hay “thay thế thuốc chữa bệnh”, “hiệu quả tức thì”, điều này không đúng với chức năng thực sự của thực phẩm chức năng.

Không ít người tiêu dùng đã tin theo những quảng cáo này mà mua về sử dụng, nhưng kết quả lại không như mong đợi, thậm chí có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Các dấu hiệu nhận biết quảng cáo sai sự thật bao gồm việc khẳng định sản phẩm có khả năng “khỏi bệnh hoàn toàn”, “tác dụng nhanh chóng chỉ sau vài ngày” hay “bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên”…

Đây đều là những lời hứa hẹn quá mức, không có cơ sở khoa học và dễ khiến người tiêu dùng hiểu sai về công dụng thực sự của sản phẩm. Đáng lo ngại là nhiều quảng cáo này không hề được kiểm chứng bởi các cơ quan chức năng.

Nhiều trường hợp, những nhân vật có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đã “thổi phồng” công dụng của thực phẩm chức năng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng về khả năng thật sự của sản phẩm.

Trong khi thực tế, những kết quả ấy khó có thể đạt được chỉ dựa vào một sản phẩm đơn lẻ.

Hệ quả của những quảng cáo thổi phồng này không chỉ là sự thất vọng khi sản phẩm không như mong đợi, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe.

Người tiêu dùng có thể tự ý dùng thực phẩm chức năng mà không tham khảo ý kiến chuyên gia, dẫn đến những tác dụng phụ hoặc những vấn đề nghiêm trọng khác.

Chưa kể, không ít sản phẩm được quảng cáo quá mức này có thể là hàng giả, hàng nhái, hoặc không rõ nguồn gốc, khiến người dùng càng thêm rủi ro.

Khi tin vào những quảng cáo không đúng sự thật, người tiêu dùng có thể gặp phải các hậu quả nghiêm trọng như: Mất tiền oan, bỏ lỡ cơ hội điều trị đúng cách, gây hại cho sức khỏe.

Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, để tránh rơi vào bẫy của những quảng cáo thiếu căn cứ, người dân cần: Tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, không tin vào những quảng cáo quá đà, tham khảo ý kiến chuyên gia và chọn mua sản phẩm từ nguồn uy tín.

Tránh mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đầy đủ, đặc biệt là các sản phẩm bán tràn lan trên mạng.

Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh: "Sức khỏe của chúng ta quan trọng hơn bất kỳ lời hứa hẹn nào từ một video TikTok hay một bài đăng trên Facebook. Người tiêu dùng cần tỉnh táo, thông minh và chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe của mình khỏi những quảng cáo sai sự thật.