Đề nghị hậu kiểm quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng trên toàn quốc
VHO - Ngày 6.5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã ban hành công văn số 960/ATTP-NĐTT đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở An toàn thực phẩm TP.HCM; Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của các tỉnh, thành phố về việc hậu kiểm quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng trên toàn quốc.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các cơ quan nêu trên tăng cường kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện việc quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan.
Thực hiện công khai, cảnh báo các đường link, địa chỉ vi phạm để người tiêu dùng tránh mua và sử dụng sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng trên các đường link, địa chỉ đó, tránh gây ảnh hưởng sức khỏe và kinh tế.

Trường hợp không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm quảng cáo, đề nghị đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng: Sở Khoa học và Công nghệ, Sở VHTTDL địa phương hoặc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ VHTTDL) phụ trách mạng xã hội, website, facebook, youtube...; Cục Thương mại điện tử (Bộ Công thương) quản lý trang thương mại điện tử, sàn thương mại điện tử để xác định chủ thể và xử lý theo quy định hiện hành.
Trước đó, Cục An toàn thực phẩm phối hợp với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về quảng cáo đối với ông Nguyễn Quang Minh (BTV Quang Minh) là 37,5 triệu đồng và bà Nguyễn Thanh Vân (diễn viên Vân Hugo) 70 triệu đồng vì những hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng Hiup 27 trên các nền tảng mạng xã hội.
Theo Cục An toàn thực phẩm, trong thời gian qua, tình trạng người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng, sản phẩm bảo vệ sức khỏe không đúng quy định ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi tiêu dùng của cộng đồng.
Trước thực trạng này, Cục An toàn thực phẩm đã phối hợp chặt chẽ với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nhằm xác định, thu thập chứng cứ và làm rõ các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động quảng cáo sản phẩm thực phẩm trên các nền tảng mạng xã hội.
Qua quá trình kiểm tra, xác minh, các cơ quan chức năng đã làm việc trực tiếp với nhiều cá nhân là người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội đã tham gia quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây hiểu nhầm về công dụng sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong hoạt động quảng cáo, tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Việc xử lý nghiêm minh các vi phạm cũng là bước đi quan trọng nhằm lành mạnh hóa thị trường quảng cáo thực phẩm, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng có công văn đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương); Cục Quản lý và Phát triên thị trường trong nước (Bộ Công thương); Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điên tử phối hợp trong công tác quản lý các sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm là Dáng xuân Phục linh Gold và Best Slim Collagen có chứa chất cấm Sibutramine.
Đề nghị Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tháo gỡ nội dung quảng cáo các sản phẩm nêu trên trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; ứng dụng thương mại điện tử; tăng cường quản lý các sàn thương mại điện tử, không để các sản phẩm giả , đã bị thu hồi được bán trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đề nghị Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tháo gỡ nội dung quảng cáo các sản phẩm nêu trên trên các webiste, đồng thời yêu cầu facebook, youtube xem xét, tháo gỡ, đóng các quảng cáo sản phẩm vi phạm nêu trên.