Thừa Thiên Huế:
Giằng chống di tích, cắt tỉa cây xanh, neo đậu tàu thuyền ứng phó mưa bão
VHO - Trong ngày 18.9, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có mưa to đến rất to kèm gió giật mạnh. Các địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân đã tập trung triển khai công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão số 4.
Mưa lớn kèm gió và dông lốc trong ngày 18.9 đã làm tốc mái nhà ở và các công trình phụ củ 12 hộ dân tại xã Phú Xuân và xã Phú Hồ (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục, sửa chữa nhà ở để kịp thời có chỗ ở trước khi ảnh hưởng của bão số 4.
Tổng số phương tiện đánh bắt thủy hải sản của Thừa Thiên Huế là 1.884 phương tiện với gần 10.700 lao động đã vào bờ tránh trú áp thấp nhiệt đới. Ngư dân các địa phương ven biển, ven phá Tam Giang chủ động neo đậu tàu an toàn.
Ngoài ra, có 21 tàu hàng cũng đang neo đậu tại cảng Thuận An và cảng Chân Mây; 23 phương tiện tàu cá từ các tỉnh bạn cập cảng ở Thừa Thiên Huế để tránh trú bão.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, để chuẩn bị cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, các địa phương đã có kế hoạch chi tiết cho các phương án ứng phó với bão, lụt, lũ quét và sạt lở đất, nước dâng do bão.
Cụ thể, phương án sơ tán, di dời để đối phó với bão khoảng 16.349 hộ/52.186 khẩu; sơ tán, di dời để đối phó với lũ lụt là 14.445 hộ/50.165 khẩu; sơ tán, di dời để đối phó lũ quét, sạt lở đất: 3.743 hộ/13.615 khẩu; phương án sơ tán, di dời để đối phó nước dâng do bão: 13.311 hộ/41.139 khẩu.
Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các cơ sở dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, nhà hàng ven biển, ven sông, đầm phá; các khu du lịch cắm trại, dã ngoại ngoài trời, các khu du lịch, bãi tắm suối, thác..., có phương án đảm bảo an toàn cho du khách trước khi bão đến và mưa lớn xảy ra.
Tính đến ngày 18.9, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hoàn thành việc giằng chống, gia cố ở các di tích nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình trong mùa mưa bão. Theo ghi nhận, các công trình ở hướng đón gió như Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Quan Tượng Đài... đã được giằng néo hệ dây thép an toàn.
Cùng với đó, các công trình nằm ở vị trí có độ cao như: Lầu Ngũ Phụng, Đông - Tây Khuyết Đài, Tứ Phương Vô Sự... cũng được lực lượng Phòng Quản lý bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai giằng chống.
Nhiều cây xanh cao lớn, cây cổ thụ ở các điểm di tích thuộc khu di sản Huế cũng được chống đỡ, bảo vệ, phòng tránh gió bão gây gãy đổ. Trong ngày 18.9, Trung tâm Công viên cây xanh Huế cũng đã huy động xe tải, máy móc chuyên dụng và nhân lực tổ chức cắt tỉa cây canh ở các tuyến đường trung tâm TP.Huế, các khu vực dễ ảnh hưởng bị gió mạnh dẫn đến gãy đổ gây nguy hiểm.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ ngày 18 đến 21.9, trên địa bàn tỉnh có mưa to, mưa rất to và rải rác có dông. Tổng lượng mưa cả đợt đợt phổ biến 200-350mm, có nơi trên 600mm.
Các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc thị xã Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế có gió cấp 4-5, giật cấp 6-7; vùng ven biển gió cấp 6-7, giật cấp 8-9...