Bảo vệ di sản văn hóa trước bão số 4
VHO- Các địa phương tại miền Trung đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ, đảm bảo an toàn cho các di tích văn hóa, di sản thế giới khi siêu bão Noru đổ bộ. Các đơn vị cũng cắt cử lực lượng chuyên môn và cứu hộ cứu nạn trực 24/24, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp khi có sự cố do bão gây ra.
Đảm bảo an toàn cho di sản văn hóa thế giới
Khi có dự báo bão số 4 sẽ vào biển đông, công tác giằng chống và bảo vệ di tích ở hệ thống Quần thể Di tích Cố đô Huế, di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã được gấp rút triển khai từ sớm. Dù hệ thống công trình khá lớn nhưng các lực lượng chức năng rất khẩn trương và đến đầu giờ chiều ngày 27.9 đã hoàn thành gia cố, chống đỡ, giằng néo, che đậy ở các công trình di tích.
Gia cố, chống đỡ di tích Chùa Cầu tại Hội An, Quảng Nam trước khi bão đổ bộ. Ảnh: KC
Tại khu phố cổ Hội An, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cùng các đơn vị đã triển khai gia cố, chống đỡ cho di tích quốc gia Chùa Cầu, đồng thời tiến hành hỗ trợ chống đỡ cho 5 di tích đang xuống cấp nghiêm trọng, các chủ sở hữu chủ động chống đỡ 27 di tích. Theo khảo sát của đơn vị này, có 45 di tích xuống cấp, trong đó 11 di tích xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng bởi bão, lũ.
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết, trên cơ sở danh sách khảo sát các di tích trước đó, trung tâm cũng đang xây dựng phương án, đề xuất các giải pháp để đảm bảo an toàn lâu dài cho các di tích trên trong mùa mưa bão năm 2022.
Triển khai công tác phòng chống bão ở khu di sản văn hóa Mỹ Sơn, Quảng Nam. Ảnh: KC
Để đảm bảo an toàn cho di tích và các dự án trùng đang triển khai, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cũng khẩn trương hoàn thành các công tác phòng, chống bão số 4. Các tuyến đường nội bộ của khu di tích đã được cắt tỉa cây xanh; chằng chống, gia cố các khu nhà; phân công lực lượng trực tại các vị trí xung yếu. Đối với chuyên gia Ấn Độ đang thực hiện công tác trùng tu tại nhóm tháp A, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã cung cấp thông tin về tình hình bão, tổ chức bố trí địa điểm trú ẩn an toàn cho chuyên gia. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, dự báo để sẵn sàng ứng phó trước, trong và sau bão.
Tại Huế, hệ thống quần thể di tích được phân bố rộng, ngoài khu vực kinh thành thì các lăng nằm ở vùng Tây Nam của TP.Huế cách xa trung tâm nên công tác phòng chống bão Noru được triển khai từ sớm. Lực lượng tại chỗ với gần 200 cán bộ của Phòng Quản lý bảo vệ và các phòng ban, đơn vị đã chia làm nhiều tổ, triển khai chống đỡ, giằng néo ở các di tích có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của gió bão (công trình di tích có độ cao, di tích ở vị trí độc lập, di tích xuống cấp…). Tại khu vực kinh thành Huế, triển khai giằng chống cho di tích Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Nhật Thành Lâu, Hiển Lâm Các, lầu Ngũ Phụng (Ngọ Môn)…; tại các điểm tham quan ở các lăng Minh Mạng, Tự Đức, Đồng Khánh, Gia Long, Thiệu Trị, điện Hòn Chén… cũng triển khai các biện pháp gia cố, bảo vệ cho các công trình, cung điện.
Đơn vị thi công giằng chống mái tôn tại khu vực nhà phục vụ thi công dự án tu bổ Điện Thái Hòa, Đại Nội Huế. Ảnh: ST
“Tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, các công trình di tích ở các điểm tham quan có trưng bày hiện vật thì chúng tôi triển khai di chuyển hiện vật ở điểm cao xuống, có giải pháp bảo quản hiện vật an toàn. Sau chiều 27.9, tất các điểm di tích của khu di sản Huế đã đóng chốt cửa, gia cố an toàn để tránh gió bão; đồng thời lực lượng bảo vệ cũng túc trực 24/24 để kết nối thông tin, xử lý các tình huống khẩn cấp khi bão số 4 đổ bộ”- ông Nguyễn Thành Nam, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói.
Ngoài ra, trung tâm cũng kiểm tra, giám sát thường xuyên và yêu cầu những đơn vị thi công các dự án tu bổ di tích triển khai các biện pháp an toàn cho công trình dự án cũng như các di tích, cảnh quan trong khu vực. Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã trực tiếp đến kiểm tra công tác phòng, chống bão tại dự án bảo tồn tổng thể di tích Điện Thái Hòa, dự án trùng tu Điện Kiến Trung (Đại Nội Huế), các dự án đang thi công ở di tích Đàn Nam Giao, lăng Đồng Khánh… Những công trình thi công có che mái tôn được tháo dỡ, công trình nào không thể tháo dỡ thì buộc phải chằng chống kỹ càng để tránh nguy cơ gió bão thổi tốc mái. Bên cạnh đó, trung tâm cũng huy động nhân lực của Phòng Cảnh quan môi trường tổ chức cắt tỉa hệ thống cây xanh ở khu vực Hoàng thành và các lăng, hạn chế tối đa việc gãy đổ ảnh hưởng đến các di tích.
Cắt tỉa cây xanh ở khu di sản Hoàng Cung Huế tránh gãy đổ khi bão vào. Ảnh: ST
Giữ gìn di tích và thiết chế văn hóa
Trước diễn biến phức tạp của bão số 4, tỉnh Quảng Ngãi gấp rút triển khai các biện pháp bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa. Tại công trình phục hồi, tôn tạo Khu di tích mộ và đền thờ Bùi Tá Hán ở phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi (chủ đầu tư) đã tiến hành dừng thi công đảm bảo các điểm dừng kĩ thuật. Ông Võ Thành Trung- Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết, công trình đã thi công được 70% khối lượng, hiện đang hoàn thiện và lắp gỗ điện thờ chính, các khu nhà tả vu- hữu vu và triển khai các gói thầu trưng bày nội thất. Để phòng chống bão số 4, chủ đầu tư đã chỉ đạo đơn vị thi công chèn mái ngói bằng bao cát. Đặc thù của công trình là gỗ và bê tông nên phải bảo vệ không để các khối chế tác gỗ lim bị ướt, hạn chế tối đa việc đầu gỗ bị thấm nước mưa. Di tích mộ và đền thờ Bùi Tá Hán được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1990. Theo kế hoạch, dự án sẽ thi công hoàn thành vào cuối năm 2022.
Gia cố, chèn cửa đảm bảo an toàn cho các công trình kiến trúc tại di sản Huế khi bão số 4 đổ bộ. Ảnh: Bảo Minh
Ở vùng ven biển Quảng Ngãi, nhiều di tích kết cấu gỗ và lợp mái ngói có “tuổi đời” hàng trăm năm nên thường chịu ảnh hưởng mưa bão dẫn đến ngày càng xuống cấp. Các địa phương cũng đang khẩn trương chống đỡ, chèn cửa, đảm bảo an toàn cho các di tích trước mưa bão. Ông Võ Việt Cường – Trưởng Phòng VHTT huyện Mộ Đức thông tin, toàn huyện có 35 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh, hiện đã được chèn chống, đóng cửa, đốn chặt cây xung quanh, di chuyển những hiện vật đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi cho biết, tỉnh hiện có hơn 250 di tích, các địa phương và đơn vị đã triển khai phương án ứng phó thiên tai ở các di tích, thiết chế văn hóa. Việc chằng chống được thực hiện cẩn trọng, an toàn, đặc biệt là bảo vệ cơ sở vật chất tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh, thư viện, nhà thi đấu đa năng, Nhà trưng bày văn hóa Sa Huỳnh, Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Khu chứng tích Sơn Mỹ, Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ, Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định…
Kiểm tra công tác chống bảo tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Quảng Ngãi. Ảnh: N.Đ
Tại Bình Định, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT cho biết, để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hại do bão Noru và mưa lũ sau bão, ngành VHTT Bình Định yêu cầu các đơn vị, địa phương sớm triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, đảm bảo an toàn cho hệ thống di tích và thiết chế văn hóa trên địa bàn. “Riêng Bảo tàng Quang Trung và Bảo tàng tỉnh, chúng tôi chỉ đạo tạm dừng đón tiếp khách tham quan du lịch trong những ngày bão số 4 diễn ra để đảm bảo an toàn cho du khách. Đặc biệt có biện pháp đảm bảo an toàn các khu trưng bày hiện vật, khu thờ cúng không để mưa bão làm hư hỏng hiện vật”, ông Chánh nói.
NHÓM PHÓNG VIÊN MIỀN TRUNG