Giá thuốc lá thì thấp mà giá sữa lại cao?

HOÀNG MINH

VHO - Một bao thuốc lá trung bình ở Việt Nam thì là khoảng 15.000 đồng nhưng mà hiện nay trên thị trường có tới hơn 40 nhãn là giá dưới 10.000 đồng/bao và có một số giá còn 7.000 đồng/bao.

Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO), giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0.9 USD/bao. Với mức giá này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương. 

Điều tra về giá bán lẻ thuốc lá do Trường Đại học Y tế công cộng và Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam thực hiện năm 2023  cho thấy trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu.

Giá thuốc lá thì thấp mà giá sữa lại cao? - ảnh 1
Thuốc lá lậu được mua bán trôi nổi trên mạng xã hội

So sánh với giá sữa cho trẻ em trên thị trường, ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết, sữa dung tích 180 ml giá trung bình đã tới 12.500 đồng/hộp. Để đáp ứng đủ nhu cầu theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, tối thiểu trẻ phải uống 2 hộp sữa/ngày.  Như vậy, với cái giá như thế này là quá đắt. Trong khi đó, giá thuốc lá lại đang quá rẻ thì chúng ta đang đi ngược vì giá sản phẩm độc hại cho sức khỏe rẻ, còn giá sản phẩm tốt cho sức khỏe lại đắt.

“Tôi mong muốn điều này cần phải thay đổi. Thời gian tới Chính phủ, Quốc hội Việt Nam cần có chính sách tăng thuế nhiều đối với sản phẩm thuốc lá. Còn với sản phẩm sữa thì phải có biện pháp làm cho giá hợp lý hơn nữa để đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em có thể tiếp cận”, ông Nguyễn Tuấn Lâm bày tỏ.

Hiện nay, Bộ Tài chính xây dựng đang xây dựng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó thuế thuốc lá được điều chỉnh theo hướng giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ 2026 - 2030 với 2 phương án. Cụ thể, phương án 1 sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.

So sánh về 2 phương án này, ông Nguyễn Tuấn Lâm cho rằng, WHO đánh giá là phương án 2 tốt hơn vì nó sẽ có tác động giảm sử dụng thuốc lá sớm hơn vào năm 2026 khi mới bắt đầu áp dụng. Còn về tổng thể cho đến 2030 thì hai phương án tương đối là giống nhau. WHO cũng đánh giá các phương án của Bộ Tài chính thì sẽ giúp giảm được khoảng 2,5 triệu người hút thuốc.

Theo phân tích, nếu như không có các cái biện pháp can thiệp thuế và trong bối cảnh dân số tăng lên, tức là sẽ có thêm khoảng 2,5 triệu người hút thuốc mới. Khi đó, số lượng hút thuốc mới này ngang bằng với số lượng giảm theo đề xuất thuế thuốc lá của Bộ Tài chính, nghĩa là duy trì số người đang hút thuốc (không tăng, không giảm).

WHO và Bộ Y tế ước tính, nếu giảm tỉ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống còn khoảng 35 - 37,5% mới gần đạt được mục tiêu mà Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 đề ra. Chính vì vậy WHO khuyến cáo 1 phương án tăng thuế tốt hơn và cần áp dụng ở mức bắt đầu là 5.000 đồng, nhưng kết thúc là khoảng 15.000 đồng/bao vào năm 2030. Với mức tăng thuế này sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia là giảm cái hút thuốc của nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030, tương đương giảm khoảng 700.000 người.

Về giá bán lẻ, với đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính thì dự kiến mức thuế theo giá bán lẻ sẽ tăng lên khoảng 59 %; còn theo khuyến cáo của WHO, ước tính giá bán lẻ sẽ tăng lên khoảng 65% .

“Mức tăng này có thể cao so với Việt Nam, nhưng so với thế giới thì là không cao. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, tăng thuế làm tăng buôn lậu thuốc lá. Nhưng thực tế, việc buôn lậu là nhằm trốn thuế nhập khẩu và nhiều loại thuế khác. Do vậy, để giảm buôn lậu, điều quan trọng nhất là việc thực thi của các cơ quan chức năng chứ không liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt cao hay thấp”, chuyên gia WHO nhận định.

Theo các chuyên gia, mỗi năm Việt Nam có hơn 84.500 ca tử vong do hút thuốc chủ động và 18.800 ca tử vong do các bệnh gây ra bởi phơi nhiễm với khói thuốc thụ động. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, nghĩa là tử vong sớm.

Sức khỏe kém và tử vong sớm do thuốc lá ảnh hưởng đến quy mô và chất lượng lao động của Việt Nam. Vấn đề này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10-20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lớn hiện nay bắt đầu trải nghiệm những tác động sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.

Việc sử dụng thuốc lá cũng đang gây thiệt hại lớn về kinh tế đất nước. Các nghiên cứu mới đây cho thấy chi phí kinh tế hằng năm cho việc sử dụng thuốc lá ở Việt Nam ước tính lên tới 108 nghìn tỉ đồng, tương đương 1,14% GDP (năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia. Các chi phí bao gồm 16,4 nghìn tỉ đồng từ chi phí y tế trực tiếp, 5,9 nghìn tỉ đồng từ chi phí gián tiếp do bệnh tật và 85,8 nghìn tỉ đồng do tử vong sớm.  Ngoài ra cũng phải kể đến 49 nghìn tỉ đồng người dân bỏ ra để mua thuốc lá hút hằng năm.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc