Định hướng giá trị thông tin, thị hiếu cho giới trẻ
VHO - Vụ việc livestream ViruSs- Pháo gây sốt với 4,8 triệu lượt xem, với đa số là người trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước đã làm dấy lên những lo ngại về định hướng giá trị và thị hiếu giới trẻ Việt Nam hiện nay.

Có thể nói, đây không chỉ là vụ việc cá biệt mà rất nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra thu hút giới trẻ với những giá trị lệch lạc, gây ra những ồn ào không đáng có.
Đúng ra, những vụ việc này không đáng phải bận tâm nhiều như chuyện yêu đương của ca sĩ, diễn viên nào đó hay có vụ việc dramma của các ngôi sao thể thao.
Cứ người nổi tiếng là thu hút giới trẻ quan tâm, thậm chí nhiều người còn sẵn sàng bỏ tiền bạc, thời gian chỉ để theo dõi, quan tâm sâu sát đến vụ việc “không đâu, vào đâu”.
Thực tế nhiều vụ việc ồn ào trên mạng xã hội do những người nổi tiếng gây ra là chiêu trò nhố nhăng, vô bổ làm lệch lạc nhận thức của giới trẻ nhưng chưa có các chế tài đủ mạnh để xử lý.
Từ đó, một bộ phận lớn thế hệ trẻ bị tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến nhân cách, nhận thức từ chính những idol lệch chuẩn hay vụ việc dramma kiểu như thế này.
Nhiều vụ việc rõ ràng đã vi phạm pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, ngược với đạo đức xã hội nhưng chưa được xử lý kịp thời, nghiêm khắc. Hệ quả của những vụ việc này đã tác động tiêu cực đến xã hội, nhất là ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ trẻ.
Đáng ra giới trẻ, trong độ tuổi sung sức, đầu óc nhanh nhạy có thể tiếp thu những giá trị tốt đẹp, những câu chuyện bổ ích, có ý nghĩa mang lại những giá trị cho bản thân, quê hương và đất nước thì lại bị những giá trị lệch chuẩn, vô bổ, nhảm nhí, độc hại tác động, lôi kéo, định hướng nhân cách theo hướng tiêu cực, cực đoan.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm quan tâm định hướng, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những vụ việc như thế này.
Theo đó, sớm có những định hướng giá trị thông tin, thị hiếu giúp cho giới trẻ tỉnh táo, suy nghĩ sâu xa hơn tránh bị những đối tượng kích động, dùng scandal ồn ào, vô bổ nhằm thu hút sự chú ý, thậm chí đây rất có thể là những kịch bản đã được tạo dựng sẵn để trục lợi từ sự nổi tiếng của họ.
Đặc biệt cần có chuẩn mực cơ bản để định hướng nhận thức, giá trị văn hóa, thị hiếu cho giới trẻ để họ không theo, tránh xa và lên án đối với những giá trị lệch lạc, vô bổ, vi phạm pháp luật để giữ gìn, làm trong sạch không gian mạng.
Hiện đã có bộ tiêu chí về cách thức ứng xử của giới văn nghệ sĩ, người nổi tiếng trên mạng xã hội, và vì thế cần áp dụng một cách triệt để.
Khi đó những hành vi lệch chuẩn, chiêu trò để thu hút giới trẻ nhằm trục lợi xuất hiện là bị xử lý, ngăn chặn ngay như cách làm của các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đó là đưa thông tin xấu độc, sai sự thật, bạo lực...
Hay như là cách các trang mạng xã hội đang làm hiện nay là để bảo vệ tiêu chuẩn cộng đồng; theo đó, cứ có hành vi vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng là bị treo, bị chặn tài khoản mạng xã hội ngay lập tức!
Có như vậy mới làm cho môi trường mạng lành mạnh, bảo vệ, giữ gìn được các giá trị văn hóa chuẩn mực, hữu ích, nhất là bảo vệ giới trẻ trước những hiện tượng văn hóa lố lăng, lệch chuẩn đang có xu hướng ngày càng gia tăng như hiện nay và đang gây tác động tiêu cực đến nhận thức, nhân cách của giới trẻ hiện nay.