Sự hiếu kỳ đang “đầu độc” tư duy giới trẻ
VHO - Trong thời đại số hiện nay, những vụ lùm xùm, scandal và drama tình ái của người nổi tiếng liên tục tạo nên những cơn sóng lớn, cuốn hàng triệu người trẻ vào vòng xoáy “hóng biến” không ngừng.

Mới đây, drama của streamer ViruSs và những cô gái liên quan đã trở thành chủ đề nóng, khiến cộng đồng mạng “đứng ngồi không yên”, thậm chí mất ăn mất ngủ để chờ đợi diễn biến tiếp theo.
Chưa rõ đúng sai, nhưng chắc chắn kẻ hưởng lợi là những nhân vật trong cuộc: ViruSs hốt bạc từ sự chú ý của cộng đồng; MV Sự nghiệp chướng của rapper Pháo đạt top trending; TikToker Ngọc Kem thì tăng trưởng mạnh về số lượt follow…
Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu những câu chuyện này là sự thật cần được phơi bày hay chỉ là màn kịch dựng lên nhằm câu view và trục lợi từ sự tò mò của công chúng?
Người trẻ hừng hực đòi công lý, nhưng liệu họ có thực sự nhận thức được rằng mình đang bị thao túng trong một trò chơi đầy toan tính và thực dụng?
Vô tình bị “dắt mũi”?
Drama giữa streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng), TikToker Ngọc Kem (Trần Nguyễn Hồng Ngọc) và rapper Pháo (Nguyễn Diệu Huyền) là minh chứng điển hình cho cách thị trường giải trí khai thác triệt để sự hiếu kỳ của khán giả.
Cuối tháng 3 vừa qua, mạng xã hội dậy sóng khi ViruSs bị phanh phui scandal tình ái. Đỉnh điểm là tối 28.3, ViruSs và Pháo đã đối chất trực tiếp trên livestream, thu hút tới hơn 1,5 triệu người xem.
Không khí ngày càng nóng khi cả hai tung ra những lời tố cáo, phản pháo nảy lửa. Chưa dừng lại ở đó, rạng sáng 29.3, TikToker Ngọc Kem, ca sĩ Emma Nhất Khanh cùng một cô gái khác tiếp tục đăng đàn “bóc phốt” ViruSs và cũng thu hút lượng người xem khổng lồ.
Giới trẻ thức trắng đêm, mắt dán vào màn hình, chờ từng diễn biến mới, như thể họ đang theo dõi một bộ phim truyền hình đầy kịch tính (?!)
Tuy nhiên, liệu ViruSs livestream để xin lỗi, thanh minh, hay thực chất là một ván cờ tính toán kỹ lưỡng? Bởi trong tất cả các buổi phát sóng, anh này đều bật tính năng “pay-to-comment”, khán giả muốn bình luận, tham gia tranh luận phải trả phí từ 135.000 - 155.000 đồng/ tháng.
Chỉ tính riêng số tài khoản mới đăng ký để được quyền lên tiếng, ViruSs đã thu về gần trăm một triệu đồng; chưa kể hàng loạt món quà ảo như “TikTok universe”, “cá heo”, “sư tử”… liên tục được fan gửi tặng, trị giá mỗi món giao động từ vài triệu đến chục triệu đồng.
Không chỉ ViruSs, Pháo cũng hưởng lợi không nhỏ khi MV Sự nghiệp chướng tung ra đúng lúc drama bùng nổ. Bất chấp tranh cãi về nội dung, ca khúc nhanh chóng lọt top trending YouTube. TikToker Ngọc Kem cũng không ngoại lệ, tài khoản của cô bỗng dưng tăng lượt theo dõi chóng mặt chỉ trong vài ngày.
Điều đáng nói ở đây là công chúng, đặc biệt giới trẻ, những người tưởng mình đang “đòi lại công bằng”, thực chất lại đang bị khai thác triệt để. Họ bỏ thời gian, công sức, tiền bạc để hóng hớt, bình luận, tranh cãi... nhưng kết cục là “nuôi béo” cho người trong cuộc.
ViruSs không chỉ tận dụng lòng trung thành của fan mà còn khai thác cả những người đối lập. Càng bị công kích, anh ta càng thu hút sự chú ý, càng nhiều người muốn “bóc trần sự thật”, livestream của anh ta càng tăng view, lọt vào đề xuất TikTok, mở rộng tệp khán giả.
Chiến lược này không mới, showbiz từng chứng kiến không ít ngôi sao đổi đời nhờ scandal. Nhưng điều đáng lo ngại là khi những nội dung kiểu này liên tục xuất hiện, chúng không chỉ biến thị trường giải trí thành “đấu trường thị phi” mà còn định hình thói quen tiêu thụ nội dung tiêu cực của giới trẻ.
Trong môi trường số, mọi lượt xem, bình luận, chia sẻ đều được quy đổi thành lợi nhuận. Sự tò mò, bức xúc của công chúng đã tạo ra thị trường béo bở, nơi những người giỏi khai thác drama có thể tận dụng để kiếm tiền.
Nếu không có khán giả sẵn sàng thức xuyên đêm để theo dõi, không có người sẵn sàng móc hầu bao để tham gia bình luận, thì những vụ lùm xùm này có lẽ không “hot” đến thế. Và, vô hình chung, người xem đang tiếp tay cho một nền giải trí vô bổ, nhảm nhí, không mang lại một chút hàm lượng văn hóa nào…
“Đầu độc” não bộ người trẻ
Sự việc lùm xùm tình ái những ngày qua đã dấy lên nhiều tranh luận về đạo đức và trách nhiệm của người nổi tiếng trên mạng xã hội. Giới chuyên gia cho rằng, việc công khai đời tư để tranh cãi, công kích lẫn nhau trên sóng livestream không chỉ phản văn hóa mà còn có thể vi phạm pháp luật, đặc biệt khi có dấu hiệu xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.
Trước phản ứng mạnh mẽ từ dư luận, đại diện Bộ VHTTDL cho biết, cơ quan chức năng đang xác minh thông tin liên quan đến vụ việc và sẽ có biện pháp thích hợp để xử lý, chấn chỉnh các hành vi lệch chuẩn.
Điều đáng lo ngại hơn, những vụ lùm xùm kiểu này không còn là trò tiêu khiển vô hại mà đang từng bước thay đổi cách người trẻ tiếp cận và tiêu thụ nội dung.
Khi thị trường giải trí bị thống trị bởi các màn đấu tố, bóc phốt, bộ não người xem cũng dần bị “lập trình” để mặc định coi thị phi là tin tức đáng quan tâm hàng đầu. Sự tò mò bị khai thác tối đa, biến họ thành khán giả vô thức trong một guồng quay không hồi kết.
Những câu chuyện giật gân được dàn dựng ngày càng tinh vi, khiến công chúng rơi vào trạng thái kích thích liên tục, hệt như một dạng “nghiện dopamine”, cảm giác thỏa mãn nhất thời khi tiếp nhận nội dung sốc, kịch tính.
Lâu dần, thói quen này sẽ bào mòn khả năng tư duy phản biện, làm suy giảm năng lực tiếp nhận thông tin có chọn lọc.
Hệ quả là một thế hệ quen với sự ồn ào và thờ ơ với những giá trị truyền thống. Khi thị hiếu bị định hình bởi những cuộc khẩu chiến vô nghĩa, những nội dung học thuật, tri thức hay nghệ thuật, văn hóa… dần trở nên mai một.
Có thể lấy ví dụ, một bài viết chuyên sâu về khoa học, các sự kiện, chương trình, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật truyền thống… không đạt nổi vài nghìn lượt xem, nhưng một đoạn clip bóc phốt dài chưa tới 1 phút lại dễ dàng chạm mốc triệu lượt truy cập. Không khó để hình dung nếu xu hướng này tiếp diễn, nền tảng tư duy của giới trẻ sẽ bị bào mòn ra sao.
Chúng ta không thể ngăn cản người nổi tiếng tạo ra drama, nhưng hoàn toàn có thể quyết định cách phản ứng. Không ai bắt buộc phải dành hàng giờ theo dõi những cuộc đấu tố vô nghĩa, cũng không ai ép buộc phải bỏ tiền để “hóng biến”.
Sức mạnh thực sự nằm ở khán giả. Nếu người xem ngừng quan tâm, những chiêu trò này sẽ không còn đất sống. Ngược lại, nếu tiếp tục lao vào vòng xoáy thị phi, chúng ta sẽ tự biến mình thành công cụ kiếm tiền cho những kẻ thao túng.
Đã đến lúc giới trẻ cần tỉnh táo. Thay vì đắm chìm trong những ồn ào nhảm nhí, hãy dành sự quan tâm vào những giá trị bền vững, nhân văn để mỗi người không chỉ nâng cao hiểu biết mà còn góp phần xây dựng một môi trường giải trí lành mạnh.
Ngừng tiêu thụ nội dung “rác” chính là cách bảo vệ tâm trí và tránh xa những ảnh hưởng tiêu cực. Chỉ khi đặt sự quan tâm đúng nơi, giới trẻ mới có thể tạo dựng một không gian văn hóa ý nghĩa và đáng giá.