“Đặc sản” Quảng Ngãi tất bật sản xuất phục vụ Tết
VHO - Thời điểm này, tại các làng nghề làm bánh truyền thống ở Quảng Ngãi đang tăng công suất để kịp cho ra lò những mẻ bánh phục vụ Tết.
Thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) hiện có khoảng 20 hộ gia đình chuyên làm các loại bánh truyền thống như: Bánh nổ, mì xốp, bánh thuẫn. Với việc tăng công suất sản xuất, mỗi cơ sở đều cần 4 - 5 lao động thời vụ làm việc trong mùa làm bánh Tết.
Với truyền thống 3 đời làm bánh, cơ sở bánh nổ của gia đình bà Võ Thị Bích Thủy (58 tuổi) ở thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung đỏ lửa quanh năm. Từ đầu tháng 11 âm lịch, bà phải tăng công suất gấp 5 lần vì đơn đặt hàng nhiều.
Theo bà Thủy, để làm ra một đòn bánh nổ thơm ngon, đạt chất lượng, tất cả công đoạn phải thực hiện thủ công, người làm cần tỉ mỉ, khéo léo. “Bánh nổ thương hiệu Trà My của gia đình tôi vừa được UBND huyện Tư Nghĩa công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, nhờ đó mà lượng đơn đặt hàng cũng tăng hơn so với những năm trước. Dù hiện nay đã có máy móc thay cho sức lao động của người ở những công đoạn như đóng, cắt bánh nhưng người dân làm nghề vẫn muốn lưu giữ cách làm thủ công truyền thống của làng nghề”, bà Thủy chia sẻ.
Tại lò bánh mì xốp của gia đình ông Phan Văn Dũng ở thôn An Hà 1, xã Nghĩa Trung, không khí làm việc cũng rất nhộn nhịp khẩn trương. Nếu thường ngày gia đình ông chỉ làm khoảng 25 kg bột mì, đến mùa Tết số lượng tăng gấp ba, nhờ đó đã mang lại thu nhập cho gia đình.
“Cái giỏi của người thợ làm bánh là trộn bột theo tỷ lệ sao cho bột không nhão hay khô cứng. Sau đó, cho bột đã trộn vào khuôn tạo hình, rắc vừng rồi nướng. Đơn giản vậy, nhưng phải “có nghề” thì bánh mới không vỡ vụn, có mùi thơm, ngọt thanh”, ông Dũng nói.
Cơ sở sản xuất mạch nha nếp thủ công của nhà bà Trương Thị Thảo những ngày này luôn đỏ lửa để cho ra thành phẩm mỗi ngày lên đến hơn 100 ký, cung ứng kịp thời cho khách hàng. Là loại đặc sản truyền thống chỉ có ở Quảng Ngãi, mạch nha nếp được người dân, nhà sản xuất ở nhiều địa phương khác biết đến và tin dùng.
“Mạch nha của tôi năm nào trước tết sản xuất nhiều, bán ký cho họ làm bánh, bắp rang bơ, kem, kẹo. Nhất là gần tết thì làm bánh kẹo, còn đổ lon thì để cho khách trước tết và sau tết họ bán đầu năm. Số lượng năm nay tăng 30%, hàng đi khắp trong nước Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn, Phú Yên, Gia Lai và nhiều nơi”, bà Thảo, Chủ Cơ sở sản xuất mạch nha nếp Thy Thảo cho hay.
Chị Châu Thị Dạ Thẩm, Cơ sở sản xuất kẹo gương Kim Ngọc, Quảng Ngãi cho biết: “Dịp cuối năm này tôi bán rất chạy hàng, hàng kẹo hộp, kẹo rời thì gói quà thăm, viếng, tặng quà. Cuối năm tôi làm số lượng nhiều hơn để đầu năm khách hàng mua về làm quà tặng”.
Nhờ công tác quảng bá, hiện các sản phẩm đặc sản truyền thống của Quảng Ngãi đã được người dân, du khách biết đến, đặt mua trong các dịp lễ tết. Trong đợt sản xuất hàng hóa cuối năm này, sản lượng dự kiến của các mặt hàng truyền thống tăng từ 10 đến 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ truyền thông, quảng bá của chính quyền địa phương, các cơ sở sản xuất đặc sản truyền thống nay đã chủ động tiếp cận với các kênh bán hàng hiện đại hơn như siêu thị, kênh bán hàng trực tuyến để đưa sản phẩm của mình đi xa hơn.
Những năm gần đây, tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các mặt hàng đặc trưng của các địa phương trên địa bàn tỉnh đã nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã và phát triển thị trường, nhờ đó sản phẩm được biết đến nhiều hơn.
Đến nay, Quảng Ngãi có 661 sản phẩm của hơn 220 doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó bao gồm 134 sản phẩm OCOP, 79 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản, đặc trưng vùng miền của tỉnh được đưa lên 2 sàn thương mại điện tỉnh Quảng Ngãi.