Thơm ngon bánh nổ nếp ngự Sa Huỳnh
VHO – Hiện nay, các cơ sở làm nghề bánh nổ truyền thống ở thôn Điền Trang, xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) tất bật chạy đua với thời gian cho ra những mẻ bánh nổ đậm đà hương vị truyền thống, thơm ngon đặc trưng mùi nếp ngự Sa Huỳnh để phục vụ khách hàng dịp Tết.
Gia đình chị Nguyễn Thị Lượng (49 tuổi) là một trong những hộ có đơn đặt hàng với số lượng lớn ở thôn Điền Trang. Tết năm nay chị làm khoảng 4-5 tấn bánh nổ, thu nhập riêng trong dịp cao điểm Tết gần 200 triệu đồng. Hiện cơ sở bánh nổ Phong Lượng của gia đình chị giải quyết việc làm cho 4 lao động
“Cơ sở bánh nổ của tôi làm quanh năm, bình quân mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 7 tấn bánh nổ. Những ngày này, chúng tôi phải “đỏ lửa” liên tục để đủ bánh giao cho bạn hàng. Nghề làm bánh nổ có từ thời ông bà, đến đời tôi là đời thứ 3”, chị Lượng nói
Anh Nguyễn Hữu Phong (chồng chị Lượng) đang tất bật làm lụng phục vụ các đơn đặt hàng của khách. Bánh nổ được anh tỉ mỉ cắt thành từng lát
Hiện tại, làng nghề còn khoảng 20 hộ gia đình làm bánh nổ. Theo những người lớn tuổi ở đây cho biết, nghề làm bánh nổ xuất phát từ đời sống của ông cha xưa. Ngày ấy, cuộc sống gian khổ, thuở đầu bánh được làm gạo “mót”, tức là những hạt lúa còn sót ngoài đồng sau khi thu hoạch được mót về, giã ra lấy gạo làm bánh. Sau đó, dư giả dần, dân mới lấy lúa nếp ngự Sa Huỳnh làm nguyên liệu chính để bánh ngon hơn
Nếp ngự Sa Huỳnh là sản vật nổi tiếng của vùng đất Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi). Tương truyền, loại gạo nếp ngự Sa Huỳnh dùng để tiến vua. Hạt nếp mẩy tròn, dẻo thơm và làm bánh rất ngon
Bà Võ Thị Bích Thủy (68 tuổi) có kinh nghiệm 30 năm làm bánh nổ cho biết, nếp được đưa vào bếp để rang thủ công đến khi nghe tiếng nổ nghĩa là nếp đã nở như “pháo” và có màu trắng tinh khôi
Sau đó tiến hành lựa những hạt nếp nổ không đều, lép khỏi rổ tre. Xong công đoạn sàng lọc là bắc nồi nấu đường, đường sôi độ 15 phút thì giảm lửa riu riu, trộn đều tay, sên cho đến khi đường tới
Tùy vào nhu cầu, người thợ cho thêm nước đường nấu trộn với gừng, mè, vani, quế… Tiếp đó, nhanh chóng đổ nước đường gừng đã nấu pha vào nếp nổ, trộn hỗn hợp này lên và cho vào ống gỗ lớn để tiến hành đóng chày ép bánh
Ông Đinh Duy Nam là một trong số ít người thợ đóng bánh còn lại ở Điền Trang bày tỏ: “Làm nghề này phải rất kiên nhẫn, chịu khó, từng cái một. Vì nó là sự kết tinh của nhiều nguyên liệu, mà để nó hòa nguyện vào nhau tạo thành một khối vuông thì lực cầm búa phải đủ khỏe và nhịp nhàng, đòn bánh ra khuôn đủ đẹp, thơm ngon thì mới bán được. Mỗi ngày đi đóng bánh thuê như vậy cũng kiếm được 500 nghìn đồng”
Bánh nổ đặc biệt có giá 100 ngàn đồng/ kí, bánh nổ loại 2 có giá 45 ngàn đồng/ kí. Hiện nay, địa phương đang định hướng xây dựng bánh nổ trở thành sản phẩm OCOP”.
NHƯ ĐỒNG