Đà Nẵng tìm cách giữ vững “5 không”, “3 có”

NGỌC HÀ

VHO - Nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu chương trình “Không có người lang thang xin ăn”, TP Đà Nẵng vừa triển khai đợt cao điểm xử lý tình trạng người lang thang, người xin ăn, xin ăn biến tướng, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.

 Đà Nẵng tìm cách giữ vững “5 không”, “3 có” - ảnh 1
Lực lượng chức năng quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng dẹp hàng rong trước cửa nhà hàng, quán ăn...

 Trước đó, nhiều năm qua, Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong việc xử lý tình trạng người lang thang, xin ăn. Nhưng thời gian gần đây lại tái diễn tình trạng xin ăn, lôi kéo khách trên một số tuyến đường trên địa bàn thành phố. Những “hình ảnh” này đang làm mất đi sự thân thiện, văn minh của thành phố trong lòng du khách.

“Đừng để thành câu chuyện cổ tích”

Tại nhiều tuyến đường đông khách du lịch như các bãi tắm, công viên Biển Đông, cầu Rồng, Công viên APEC, cầu Tình yêu, đường Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Hồ Nghinh, Dương Đình Nghệ, chợ Hàn… xuất hiện vô số xe đẩy bán trái cây, hàng hóa, đồ ăn chèo khéo khách du lịch. Nhiều đối tượng còn lợi dụng trẻ em, người già, người khuyết tật để bán hàng rong, ăn xin. Ngoài ra, tại những tuyến đường Bạch Đằng, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Sắc, Phan Tứ…, nhiều nhân viên của các nhà hàng tràn xuống lòng lề đường, dùng đủ mọi cách để mời gọi, chèo kéo khách.

Từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng đã xuất hiện một số người nước ngoài xin tiền trên một số tuyến đường. Tháng 7 vừa qua, Công an P. Hòa Khê (quận Thanh Khê) đã làm việc với hai người nước ngoài cầm biển “xin tiền vì bị bỏ lại” tại ngã tư Điện Biên Phủ, Hà Huy Tập. Qua đó xác định hai người này ở khách sạn trên địa bàn và thuê xe máy chuyên đi lang thang xin ăn. Tại thời điểm làm việc, hai người này khai nhận đã xin được nhiều tiền từ người dân địa phương, đồng thời từ chối việc công an Đà Nẵng trợ giúp, liên hệ với cơ quan ngoại giao nơi họ có quốc tịch để giải quyết. Qua đây, Công an quận Thanh Khê khuyến cáo người dân cần thông báo khi có trường hợp tương tự, tránh các trường hợp thông tin chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến môi trường du lịch cũng như lợi dụng lòng tốt của người dân. Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn năm 2024 cho thấy, chỉ trong vòng bốn ngày diễn ra lễ hội, Phòng LĐ,TB&XH quận Ngũ Hành Sơn đã phối hợp với Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn (Tổ 550) phát hiện 37 trường hợp lang thang ăn xin biến tướng, đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội một trường hợp. Cũng tại lễ hội này, năm 2023 lực lượng chức năng đã xử lý 44 trường hợp.

Tại cuộc họp mới đây vềtăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, giữgìn hình ảnh điểm đến du lịch thành phố, trong đó trọng tâm là dẹp nạn lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng, Phó Chủtịch UBND TP Đà Nẵng Trần Chí Cường đã nhấn mạnh về trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc quản lý người lang thang xin ăn biến tướng. Theo đó, ngoài những yếu tố tác động sau đại dịch làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, kinh tế xã hội chung của thành phố, thì trách nhiệm và quyết tâm của các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này còn đang bỏ ngỏ. Ông Cường cho rằng, việc dẹp nạn lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng không chỉ là trách nhiệm chung mà còn là trách nhiệm của từng cá nhân, từng công dân của thành phố: “Đừng để “đến hẹn lại lên” mà phải duy trì thường xuyên liên tục, xác định chương trình “5 không” (không có hộ đói, không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn, không có người nghiện ma túy, không có giết người cướp của); “3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị) vẫn là mô hình riêng, cách làm riêng của Đà Nẵng. Quan điểm của tôi là những cách làm hay của thế hệ trước, chúng ta có thể làm được và còn làm tốt hơn thì tiếp tục làm và duy trì làm. Đừng để cách làm hay trở thành những câu chuyện cổ tích”, ông Cường nói.

Nhà hàng, khách sạn không “tiếp tay” cho hàng rong

Ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, ngày 28.8 Sở đã có văn bản yêu cầu các khách sạn không cho hàng rong chèo kéo vào khu vực, các công ty lữ hành, các hướng dẫn viên thông tin và đề nghị khách không mua tại các hàng rong để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không tiếp tay cho chuyện mua bán hàng rong. Song song đó, những hoạt động khác như kiểm soát giá cả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường trên các tuyến du lịch trọng điểm..., Sở Du lịch cũng đã có nhiều công văn đề nghị phối hợp để duy trì thực hiện.

Là địa phương trọng điểm về du lịch, nơi thường xuyên tập trung số lượng khách quốc tế lớn, khách các quốc tịch châu Âu, quận Sơn Trà đã quyết liệt phối hợp triển khai các đợt cao điểm xử lý tình trạng lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng trên địa bàn quận. Năm 2024, quận này đã ban hành công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai ra quân xử lý đợt 2 năm 2024. Phối hợp với trung tâm xử lý người lang thang xin ăn thành phố xử lý thu gom năm trường hợp, trong đó có ba trường hợp từ nơi khác đến đi xin ăn trên địa bàn, hai trường hợp lang thang trên địa bàn. Từ tháng 8.2024, quận đã xử phạt 124 trường hợp bán hàng rong với số tiền 55.600.000đ; nhắc nhở cảnh cáo hai trường hợp người nước ngoài giả dạng khuyết tật, xin ăn biến tướng tại khu vực cầu Rồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Huỳnh Văn Hùng, quận đã tổng hợp 15 số điện thoại đường dây nóng và sẽ công khai trên 1.000 áp phích tại nơi công cộng đông người như nhà hàng, quán ăn, nơi công cộng tập trung đông người và các chợ... để người dân và du khách được biết, qua đó có cách thông tin, xử lý khi gặp các trường hợp xin ăn, chèo kéo du khách. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan ra quân, xử lý tình trạng bán hàng rong, chèo kéo khách, lang thang xin ăn, xin ăn biến tướng, nhất là các khu vực trọng điểm như Công viên Biển Đông, các bãi biển du lịch, khu vực cầu Rồng, Công viên cầu Nguyễn Văn Trỗi, chùa Linh Ứng. Đặc biệt xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi tổ chức bán hàng rong, xin ăn.

Trên thực tế đã có nhiều nhà hàng, quán ăn ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn không gian cho du khách. Đơn cử như quán hải sản Nhân Méo (đường 3/2, quận Hải Châu) trong những giờ đông khách hầu như không thấy bóng dáng của những người bán hàng rong, đó là bởi chủ quán đã “quán triệt” tới nhân viên không để bán hàng rong vào làm phiền thực khách. Trước đây, một buổi tối cứ 5 - 10 phút lại có một người bàn hàng rong tới, thậm chí mấy người vào một lúc, nếu tính một người khách ngồi từ 18h chiều đến 22h tối thì sẽ phải tiếp khoảng 20 người bán hàng rong. Anh Nhân, chủ nhà hàng này chia sẻ: “Sau khi có nhiều khách phàn nàn, anh đã yêu cầu nhân viên giữ xe nếu thấy bán hàng rong thì nhắc nhở họ không được vào chào mời khách. Từ khi kiểm soát được chuyện bán hàng rong, khách tới quán đông hơn rất nhiều, khách ngồi ăn uống, nói chuyện trong tâm trạng thoải mái, yên tâm vì không bị làm phiền”.

Hiện UBND TP Đà Nẵng đang chỉ đạo các địa phương rà soát, nắm lại danh sách các đối tượng bán hàng rong, phân loại đối tượng như buôn bán gì, làm nghề gì, độ tuổi, lọc độ tuổi xem những ai có con nhỏ đi theo hay là gom trẻ em chăn dắt, bao gồm đối tượng tàn tật nơi khác đến để tìm đối sách cho phù hợp, có thể giao trở về cho địa phương quản lý. Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ,TB&XH TP Đà Nẵng) thông tin: “Thành phố sẽ thưởng nóng cho tập thể, cá nhân phát hiện và thông báo để lực lượng chức năng xử lý người xin ăn với mức 300.000 đồng/ trường hợp”. Đây cũng là một cách làm để khuyến khích người dân cùng trợ giúp, chung tay cùng chính quyền thành phố bảo vệ hình ảnh “thành phố đáng sống”. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc