Quảng Ngãi:

Công nhân lao động khát khao có nhà ở xã hội

NHƯ ĐỒNG

VHO – Hiện nay, lao động từ các địa phương đến khu công nghiệp Quảng Ngãi làm việc đều phải thuê những căn phòng trọ xuống cấp, chật hẹp. Nhà ở là ước mơ xa vời đối với công nhân nghèo.

Công nhân lao động khát khao có nhà ở xã hội - ảnh 1
Nhà trọ chật chội là nơi sinh hoạt của vợ chồng anh Theo

Ngán ngẩm nhà trọ nắng nóng

Vợ chồng anh Đinh Văn Theo quê xã Sơn Kỳ, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) cùng làm công nhân trong Khu công nghiệp Vsip Quảng Ngãi (xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh). Anh Theo cho hay, ở quê công việc bấp bênh nên tìm đến Khu công nghiệp Vsip để lập nghiệp, kinh tế khó khăn vợ chồng anh phải thuê 1 phòng trọ tạm để sinh sống.

“Phòng trọ nhỏ, mái tôn, mùa mưa thì ẩm, dột, mùa nắng thì nóng như trong “lò lửa”. Trong 5 năm làm công nhân, vợ chồng tôi đã phải chuyển chỗ trọ 3 lần nhưng vẫn chưa tìm được nơi ở hợp lí cho gia đình”, anh Theo nói.

Công nhân lao động khát khao có nhà ở xã hội - ảnh 2
Dãy nhà trọ ở xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh

Nhà ở đang là mong mỏi, nhu cầu của phần lớn công nhân lao động hiện nay. Anh Nguyễn Thái Sang quê xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, công nhân Khu công nghiệp Vsip cho biết, đồng lương ít ỏi, trong khi giá cả tăng đang khiến đời sống công nhân ngày càng khó khăn.

Căn phòng vợ chồng anh đang thuê có diện tích 16m2, có giá 1,5 triệu đồng/tháng. Với đồng lương của hai vợ chồng thì số tiền này chỉ đủ để chi trả tiền ở trọ, nuôi con và chi phí sinh hoạt. Nhà ở xã hội là niềm hy vọng để anh Sang và những công nhân như mình có cơ hội được sở hữu nhà nhưng cũng khó khăn vì hiện tại không có để mua.

“Qua báo, đài tôi nghe nhiều về nhà ở xã hội và mong muốn được sở hữu một ngôi nhà. Tôi mong rằng, chính sách nhà ở xã hội sớm được triển khai tại Quảng Ngãi để giấc mơ có nhà của tôi cũng như hàng ngàn công nhân khác sẽ thành hiện thực”, anh Sang bày tỏ.

Công nhân lao động khát khao có nhà ở xã hội - ảnh 3
Công nhân làm việc ở Khu công nghiệp

Khó khăn trong xây dựng nhà ở xã hội

Hiện tại, Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi hiện có hơn 240 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh với khoảng 69 nghìn lao động.

Với sự hình thành các khu công nghiệp như Khu công nghiệp VSIP, Khu công nghiệp Tịnh Phong, Khu kinh tế Dung Quất..., Quảng Ngãi đã trở thành một trong những địa phương phát triển công nghiệp nhanh của miền Trung.

Đặc biệt, tại Khu kinh tế Dung Quất có hàng vạn công nhân làm việc ở các dự án lớn nhưng số nhà ở để bố trí, cho thuê còn quá khiêm tốn. Công nhân rất khó khăn, đi lại xa, thuê nhà trọ không đảm bảo.

Ngoài một số doanh nghiệp lớn đầu tư nhà ở cho công nhân, còn lại, hầu hết công nhân ở các doanh nghiệp khác phải tự thuê nhà, phòng trọ với điều kiện sống chật chội, ẩm thấp. Họ tha thiết muốn được đầu tư nhà ở xã hội để họ có điều kiện thuê, mua, ổn định cuộc sống.

Trước đó, Quảng Ngãi từng đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có hơn 11.000 căn nhà ở xã hội. Thế nhưng, đến năm 2024, địa phương này vẫn chưa có một dự án nhà ở xã hội nào được đầu tư. Trong khi đó, người nghèo, người thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân thì đang ngóng chờ nhà ở xã hội.

Công nhân lao động khát khao có nhà ở xã hội - ảnh 4
Nhà ở cho công nhân nằm trong Khu kinh tế Dung Quất

Tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa đầu tư được dự án nhà ở xã hội, chỉ có 6 dự án nhà ở công nhân nằm trong Khu kinh tế Dung Quất với 1.160 căn do các doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư để bố trí chỗ ở cho công nhân nhưng chỉ bố trí cho khoảng 4.500 công nhân, trong khi lượng công nhân làm ở các Khu công nghiệp lên đến gần cả trăm ngàn người.

Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi, việc chậm đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, vướng nhất là về cơ chế, chính sách khi nhà ở xã hội nhưng thực hiện chính sách pháp lý tương tự như nhà ở thương mại, điều này khiến tiến độ thực hiện các dự án kéo dài, thủ tục pháp lý phức tạp. Việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội không mang đến lợi nhuận như các hình thức đầu tư nhà ở thương mại và chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội chủ yếu tập trung vào việc giảm giá thành cho người mua, thuê nên việc thu hút các nhà đầu tư rất khó khăn.

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh công bố công khai danh mục vị trí các dự án nhà ở xã hội cần thu hút đầu tư trong năm 2023 và các năm tiếp theo để các doanh nghiệp quan tâm, tham gia nghiên cứu; đề xuất đầu tư dự án với 20 vị trí, với diện tích khoảng hơn 330ha để kêu gọi nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Đơn vị này cũng cho rằng, trong số 3 hình thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hiện nay, hình thức doanh nghiệp, Hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là phù hợp nhất với tỉnh Quảng Ngãi.