Chung cư Hòa Bình Green City: Cư dân chậm được cấp sổ hồng là do lỗi của …. thành phố?
VH- Sau hơn một tuần kể từ khi cư dân chung cư Hòa Bình Green City (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chăng băng rôn, biểu ngữ yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các nghĩa vụ đối với cư dân, ngày 9.7.2018, chủ đầu tư Hòa Bình Green City đã có buổi tiếp xúc với cư dân. Tuy nhiên, thay vì nhận trách nhiệm, chủ đầu tư lại tìm cách đổ lỗi cho các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, khiến người dân càng thêm bức xúc.
Nhận nhà 3-4 năm mà chưa được cấp sổ hồng
Đại diện căn hộ 2305 A2 cho biết: Tôi nhận bàn giao nhà đầu năm 2014 và đã chuyển về chung cư này từ tháng 4.2014, đến nay đã bốn năm rưỡi nhưng tôi vẫn chưa hề được nhận giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Tôi được biết, nhiều căn hộ khác cũng đang trong tình trạng không có sổ hồng, mặc dù chúng tôi đã thực hiện hết các nghĩa vụ tài chính cam kết trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư.
Chị Phan Thị Huyền Châu, đại diện căn hộ 914B2 bức xúc: “Tại sao chúng tôi đã đóng hết tiền mua căn hộ theo cam kết tại hợp đồng mua bán mà 3-4 năm trời, chủ đầu tư vẫn không làm sổ hồng cho chúng tôi? Chúng tôi được biết có một số chủ căn hộ đã nhận được sổ hồng và họ chia sẻ lại là muốn được cấp sổ phải có giấy giải chấp của ngân hàng. Phải chăng rất nhiều căn hộ của chúng tôi đã bị chủ đầu tư mang đi thế chấp nên không thể làm sổ hồng cho chúng tôi”.
Không chỉ bức xúc về việc chủ đầu tư chây ỳ trong việc làm sổ hồng, cư dân Hòa Bình Green City còn tố chất lượng dịch vụ tại khu chung cư cao cấp này. Nhiều cư dân cho biết, dù chung cư này được quảng bá là 5 sao, 6 sao, nhưng cư dân dọn về ở đã hơn 3 năm mà chủ đầu tư chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư bàn về việc thành lập Ban quản trị, chưa giao trả khoảng hơn 40 tỉ đồng tiền phí bảo trì.
“Trong khi cư dân chúng tôi vẫn đóng phí quản lý đầy đủ thì chất lượng dịch vụ nhà chung cư Hòa Bình Green City ngày càng xuống cấp. Việc bảo hành, bảo trì theo hợp đồng rất chậm chạp, không gian chung bị lấn chiếm. Ban quản lý tòa nhà có lộ trình cắt giảm các tiện ích của cư dân như điều hòa sảnh, điện hàng lang, thông gió tầng hầm... Chất lượng dịch vụ như vậy, sao gọi là chung cư 6 sao được”, một cư dân bức xúc.
Chủ đầu tư đổ lỗi cho… thành phố
Đối chất với cư dân, ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình, giải thích việc cấp sổ hồng bị chậm trễ là do chủ đầu tư chưa nhận được các quyết định về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai của UBND TP Hà Nội, để làm thủ tục đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho các căn hộ của dự án.
“Tôi khẳng định, chỉ cần UBND TP Hà Nội ban hành quyết định về việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất thì chúng tôi sẽ thực hiện ngay các thủ tục đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu cho các căn hộ", ông Đường nói.
Tuy nhiên, cư dân không đồng ý với lời giải thích này. Chị Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện căn hộ 2301B1 khẳng định: Dù chủ đầu tư có nói căn hộ tốt đẹp đến thế nào, chúng tôi cũng không thể yên tâm khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Chúng tôi đã mua nhà 3-4 năm, tại sao mới chỉ một số ít căn hộ được cấp sổ hồng? Những điều chủ đầu tư vừa nói, chúng tôi không phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi là người mua nhà, chủ đầu tư là người bán, theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư phải làm thủ tục để cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho chúng tôi sau 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà. Chúng tôi không cần biết chủ đầu tư phải đóng những loại thuế nào, và nếu vướng mắc với cơ quan chức năng về nghĩa vụ tài chính nào đó thì chủ đầu tư phải nhanh chóng giải quyết, chứ không thể để quyền lợi của chúng tôi bị xâm phạm hết năm này qua năm khác. Chúng tôi được biết có những căn hộ đã được giải chấp, phải chăng các căn hộ của chúng tôi đã bị chủ đầu tư thế chấp? Nếu vậy, chủ đầu tư đã xâm phạm quyền lợi hợp pháp của chúng tôi.
Khi được hỏi, có việc chủ đầu tư thế chấp một số căn hộ của dự án không, ông Đường cũng thừa nhận có thế chấp một số căn hộ của dự án.
Theo quy định tại Điều 147 – Luật Nhà ở thì chủ đầu tư dự án chỉ được thế chấp dự án xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai. Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý.
Như vậy, việc cư dân nghi ngờ chủ đầu tư đã mang căn hộ của họ đi thế chấp là có căn cứ. Và nếu trong trường hợp chủ đầu tư thế chấp căn hộ của cư dân mà không được sự đồng ý của họ là vi phạm pháp luật.
Về ý kiến của ông Nguyễn Hữu Đường tại buổi tiếp xúc với cư dân, rằng: “Tôi đã nói với cư dân nhiều rồi, họ cứ làm đơn kiện chủ đầu tư, kiện đến đâu thì kiện. Cư dân không kiện thì chủ đầu tư vẫn phải có trách nhiệm trong việc cấp sổ hồng. Nhưng chủ đầu tư có trách nhiệm mà TP Hà Nội không làm, thì làm thế nào? Chúng tôi có thế chấp một số căn hộ, nhưng muốn cấp sổ hồng được thì phải hoàn thành nghĩa vụ tiền sử dụng đất. Cư dân cứ kiện chủ đầu tư không làm sổ hồng thì việc cấp sổ mới... nhanh được!”. Cư dân cho rằng, đây là việc đẩy trách nhiệm cho cư dân. Không thể bán căn hộ giá cao, thu tiền đầy đủ rồi lại nói là thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà của cư dân ách tắc là do thành phố và “xui” cư dân đi kiện để được cấp sổ nhanh.
Ngoài việc yêu cầu chủ đầu tư phải nhanh chóng làm thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà, cư dân nơi đây cũng mong muốn cơ quan chức năng thanh kiểm tra, làm rõ những vi phạm của chủ đầu tư để người dân được đảm bảo quyền lợi như cam kết.
P.V