Cẩn trọng với những biến chứng của bệnh sởi

V.THANH

VHO - Các chuyên gia khuyến cáo sởi lây lan nhanh qua đường hô hấp và tiếp xúc gián tiếp với các vật dụng, môi trường sinh hoạt. 90-100% trường hợp không có miễn dịch sởi tiếp xúc với người bệnh có thể bị lây nhiễm. Không chỉ gây sốt, ho, phát ban thông thường, trẻ mắc sởi có thể gặp các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là viêm phổi và tiêu chảy.

Dịch sởi diễn biến phức tạp

Theo số liệu của Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác 42.488 trường hợp nghi sởi tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 4.027 trường hợp dương tính với sởi tại 62 tỉnh, thành phố. Trong đó có 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi tại TP. Hồ Chí Minh (2), Đồng Nai (1), Bình Dương (1) và Bình Phước (1).

Cẩn trọng với những biến chứng của bệnh sởi - ảnh 1
Trẻ bị sốt phát ban được điều trị tại Trung tâm Y tế Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam)

Số mắc tăng cao so với cùng kỳ năm 2024 (111 trường hợp). Số trường hợp nghi sởi ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (54,9%), miền Trung (20%), miền Bắc (16,4%), Tây Nguyên (8,7%).

Một số tỉnh, thành phố có số mắc xu hướng tăng cao như: Đà Nẵng (2.323 ca), Gia Lai (2.027), Đồng Tháp (1.355), An Giang (1.169), Nghệ An (926), Cao Bằng (731), Đắk Lắk (683), Quảng Nam (660), Lâm Đồng (577), TP. Huế (573), TP. Hải Phòng (258), Hưng Yên (255).

Một số tỉnh có số mắc thấp nhưng vẫn phải theo dõi, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, không để lây lan trong cộng đồng như: Tuyên Quang (57 ca), Vĩnh Phúc (55), Quảng Trị (44), Ninh Bình (40), Phú Thọ (37), Bắc Kạn (17), Thái Nguyên (14), Lạng Sơn (11), Hòa Bình (10).

Một số tỉnh có số mắc cao nhưng bắt đầu chững lại và dần được kiểm soát như: Hà Giang (6.017), Đồng Nai (4.144), TP. Hồ Chí Minh (3.396), Bình Dương (2.162), Cà Mau (2.026), Bình Thuận (1.244), Lào Cai (1.230), Bạc Liêu (1.203), Hậu Giang (742), Kiên Giang (734), Tây Ninh (681), Hà Tĩnh (615).

Bộ Y tế cho biết, đa số trường hợp mắc bệnh ở nhóm trẻ em từ 9 tháng tuổi đến dưới 15 tuổi (72,7%). Chủ yếu bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm vắcxin phòng bệnh sởi hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (chiếm hơn 95%).

Bệnh ghi nhận chủ yếu ở các thành phố lớn, di biến động dân cư cao, tuy nhiên đã có xu hướng gia tăng tại các tỉnh miền núi.

Dự báo dịch sởi có xu hướng chung giảm, nhưng chưa dừng lại, cần hết sức thận trọng, sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều ca sốt phát ban nghi sởi tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước, đặc biệt ở một số tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn khó khăn, những tỉnh có tỉ lệ tiêm vắcxin phòng sởi thấp.

Đề phòng biến chứng viêm phổi và tiêu chảy

Không chỉ gây sốt, ho, phát ban thông thường, trẻ mắc sởi có thể gặp các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là viêm phổi và tiêu chảy. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thống kê mỗi ngày nơi này tiếp nhận 70-80 trẻ mắc sởi gặp biến chứng, trong đó khoảng 80% mắc biến chứng viêm phổi, với khoảng 15%-20% các trường hợp suy hô hấp nặng cần hỗ trợ hô hấp với oxy, thở áp lực dương, thở máy.

Cẩn trọng với những biến chứng của bệnh sởi - ảnh 2
Cẩn trọng với những biến chứng của bệnh sởi ở trẻ em (ảnh minh hoạ)

Tương tự, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cũng đang điều trị nội trú cho 90 trẻ mắc sởi bị biến chứng với khoảng 90% trẻ từ các tỉnh thành khác. Trong đó, có 4 trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm chủng bị viêm phổi nặng, một trẻ tiên lượng nguy kịch, phải hội chẩn mỗi ngày.

TS.BS Nguyễn An Nghĩa, Phó trưởng Khoa Nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 phân tích: Ở trẻ nhỏ mắc sởi sẽ có các triệu chứng mệt mỏi, ho, chảy nước mắt, đỏ mắt, sổ mũi, sốt, phát ban… Lúc này, trẻ cần được chăm sóc đúng, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, ngủ nghỉ hợp lý để có đủ kháng thể chống lại sự tấn công của virus.

Song khi mắc bệnh, trẻ thường mệt mỏi, biếng ăn, bỏ bú, quấy khóc… kèm sự tấn công của virus khiến sức đề kháng của trẻ suy giảm. Đây là điều kiện thuận lợi giúp virus nhân lên, có thể lây nhiễm vào tế bào biểu mô đường hô hấp dưới và phá hủy khả năng miễn dịch tại chỗ của phổi, dẫn đến viêm phổi cấp tính, hoặc trẻ bị nhiễm trùng thứ phát dẫn đến biến chứng viêm phổi.

Theo BS.CKI Lê Thị Trúc Phương, Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, khi virus sởi tấn công vào đường hô hấp, sau đó, virus đi vào máu gây ra nhiễm trùng thứ phát, gây rối loạn đường tiêu hóa dẫn đến trẻ đi phân lỏng, phân có dịch nhầy, có máu.

Biến chứng tiêu chảy có thể gặp ở giai đoạn khởi phát của bệnh hoặc sau khi hết sốt và giảm dần ban sởi. Tiêu chảy kéo dài dễ gây ra mất nước và các chất điện giải quan trọng như natri, kali, clorua, giảm thể tích máu, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh. Trẻ biểu hiện trũng mắt, miệng khô, tiểu ít, khóc không có nước mắt… Nếu không được bù nước đúng cách, kịp thời, trẻ có thể bị mất nước và rối loạn điện giải dẫn đến sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong.

Hơn nữa, tiêu chảy kéo dài hoặc nghiêm trọng có thể gây tổn thương niêm mạc ruột và ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ thức ăn của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, sụt cân và các vấn đề sức khỏe lâu dài như giảm khả năng miễn dịch, chậm phát triển và các vấn đề về tiêu hóa cho trẻ.

Khi trẻ tiêu chảy do sởi, phụ huynh nên cho trẻ uống nước hoặc bú nhiều hơn để phòng mất nước, có thể dùng dung dịch Oresol và các khoáng chất cần thiết như kẽm theo hướng dẫn của bác sĩ. Không cho trẻ dùng nước giải khát, nước ngọt có ga. Bên cạnh đó, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày ra, thức ăn chế biến loãng, dễ ăn.

Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường, tiêu chảy ở mức độ nghiêm trọng, phụ huynh cần đưa đến cơ sở y tế để xử trí kịp thời.