Chỉ cắt đứt dịch bệnh sởi khi miễn dịch cộng đồng đạt 95%
VHO - Bộ Y tế cho biết, bệnh sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm và dễ gây thành dịch và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%.
TS.BS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Phòng bệnh cho biết, bệnh sởi lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây qua không khí khi người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%.

Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não, có thể dễ dẫn đến tử vong. Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắcxin là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh.
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận khoảng 40.000 trường hợp nghi sởi, 05 trường hợp tử vong liên quan đến sởi; số trường hợp nghi sởi ghi nhận cao nhất tại khu vực miền Nam (57%), miền Trung (19,2%), miền Bắc (15,1%), Tây Nguyên (8,7%).
Đáng chú ý, số ca mắc sởi diễn biến nặng chủ yếu tập trung ở người chưa tiêm vắcxin, tiêm vắcxin chưa đầy đủ hoặc không rõ lịch sử tiêm chủng. Bên cạnh trẻ em, các bệnh viện cũng ghi nhận nhiều ca bệnh là người lớn mắc sởi nặng, biến chứng viêm phổi, viêm não, suy hô hấp.
Bệnh sởi tại Việt Nam trong thời gian tới còn có nguy cơ tiếp tục gia tăng, vẫn cần hết sức thận trọng với nguy cơ bùng phát, dự kiến, số ca sốt phát ban nghi sởi sẽ tiếp tục được ghi nhận trên phạm vi cả nước.
Đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao như các tỉnh miền núi, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế và các địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp là những khu vực dễ bùng phát dịch nhất.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh sởi, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên bảo đảm nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh sởi, đặc biệt là với các đối tượng trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine, phải hoàn thành trong tháng 3.2025.
Vừa qua, Bộ Y tế đã tiếp nhận 500.000 liều vắcxin phòng bệnh sởi (MVVAC - Việt Nam) từ Hệ thống tiêm chủng VNVC. Lượng vắcxin này có thể giao ngay cho các địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống bệnh sởi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết hiện nay trên toàn quốc, có nhiều loại vắcxin phòng chống sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn, gồm MVVAC (Việt Nam), Priorix (Bỉ), MMR-II (Mỹ). Trong đó MVVAC là vắc xin phòng sởi đơn. MMR-II và Priorix là vắc xin phối hợp phòng 3 bệnh sởi - quai bị - rubella trong cùng một mũi tiêm, nâng cao hiệu quả phòng bệnh, tiết kiệm chi phí tiêm chủng...
“Tại vùng dịch và vùng có nguy cơ cao, trẻ được tiêm vắcxin sởi từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi được tính là mũi sởi 0. Trẻ cần tiếp tục tiêm ngừa các vắcxin có thành phần phòng bệnh sởi từ 9 tháng hoặc 12 tháng tuổi theo phác đồ tiêm chủng thông thường”, bác sĩ Bạch Thị Chính cho biết thêm.
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, với các triệu chứng điển hình bao gồm sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ. Sởi lây lan nhanh qua đường hô hấp, đặc biệt trong môi trường đông đúc như trường học, khu dân cư.
Bệnh gây nhiều biến chứng như tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm phổi, viêm não… và có thể dẫn đến tử vong. Thai phụ mắc sởi có nguy cơ sảy thai, thai lưu, sinh non. Hai đợt dịch sởi gần nhất xảy ra vào năm 2019 và 2014. Riêng năm 2014, hơn 110 trẻ đã tử vong do bệnh sởi.
Bác sĩ Chính cho biết bên cạnh 500.000 liều vắcxin trao tặng Bộ Y tế và tích cực tham gia vào các chiến dịch tiêm vắcxin sởi tại các địa phương, VNVC cũng nỗ lực cung ứng đầy đủ các vắcxin khác cho trẻ em và người lớn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như vắcxin cúm, vắcxin phế cầu phòng các bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, vắcxin não mô cầu nhóm B, ACYW, vắcxin phòng sốt xuất huyết, vắcxin phòng zona thần kinh…