Cần có giải pháp với tiền nợ, chậm đóng BHXH không có khả năng thu hồi

NGUYÊN KHANG

VHO - Đến tháng 6.2023, có khoảng 32.772 doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng BHXH với tổng số tiền 3.939 tỉ đồng không có khả năng thu hồi. Điều này đã đẩy hàng chục nghìn lao động vào cảnh khó khăn, không được hưởng đầy đủ quyền lợi…

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, năm 2021, số đơn vị chậm đóng không có khả năng thu hồi là 26.670 đơn vị, tương ứng với số tiền và lãi chậm đóng là 3.176 tỷ đồng. Năm 2022 là 31.849 đơn vị tương ứng với số tiền là 3.776 tỷ đồng; đến tháng 6 năm 2023 là 32.772 đơn vị tương ứng với số tiền gần 4.000 tỷ đồng.

Cần có giải pháp với tiền nợ, chậm đóng BHXH không có khả năng thu hồi - ảnh 1
Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, BHTN trong khu công nghiệp

Điều đáng nói là các đơn vị này là các đơn vị, doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, đang làm thủ tục giải thể, đơn vị phá sản, có chủ bỏ trốn (không có người đại diện theo pháp luật).

Trong số những người bị chậm đóng BHXH, người lao động (NLĐ) tại Công ty TNHH Xây dựng kỹ thuật và Công nghệ Lam Sơn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đã phá sản có số tháng chậm đóng nhiều nhất là 173 tháng (từ tháng 1.2008 – 3.2022) với tổng số tiền chậm đóng là hơn 31 triệu đồng. Người có số tháng chậm đóng thấp nhất là 4 tháng làm việc tại Công ty TNHH ColdTech Việt Nam, TP Hà Nội, tổng số tiền chậm đóng là gần 12,5 triệu đồng.

Mặc dù tháng nào cũng bị trừ tiền đóng BHXH, nhưng nhiều công nhân không biết mình bị chậm đóng BHXH, chỉ đến khi cần dùng đến thẻ BHYT hoặc muốn hưởng quyền lợi BHXH thì mới biết mình bị chậm đóng. Nhiều NLĐ nữ khi làm thủ tục thai sản mới tá hoả mình bị chậm đóng BHXH, hoặc nhiều trường hợp ốm đau không được khám, chữa bệnh bằng BHYT.

Ngoài ra, nhiều trường hợp tai nạn lao động, tử tuất… cũng bị thiệt thòi. Khi phát hiện ra cảnh bị Công ty trừ tiền BHXH giờ muốn đủ số năm tham gia BHXH tự đóng bù số tiền chậm đóng của công ty. Số tiền đóng của người thấp nhất cũng  hơn 12 triệu đồng. 

Để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, đối với công ty đang hoạt động, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xác nhận thời gian đóng BHXH đủ và bảo lưu; sau khi thu hồi được thì xác nhận bổ sung thời gian đóng trên sổ BHXH. Với NLĐ tại đơn vị không có khả năng thu hồi, thì được giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thải sản… theo nguyên tắc đóng -hưởng. Nếu đơn vị khắc phục được từ nguồn tài chính khác thì bổ sung thời gian đóng để điều chỉnh mức hưởng cho NLĐ.

Cần có giải pháp với tiền nợ, chậm đóng BHXH không có khả năng thu hồi - ảnh 2
Người lao động được giải đáp về các quyền lợi chính đáng khi tham gia BHXH

BHXH Việt Nam cho biết, để khắc phục tình trạng chậm đóng, thời gian qua, cơ quan này đã đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật BHXH, BHYT, BHTN; cử cán bộ đến đôn đốc, ban hành văn bản… khi có dấu hiệu chậm đóng; tăng cường thanh, kiểm tra chuyên ngành đột xuất; chuyển hồ sơ những đơn vị không thực hiện quyết định, kết luận thanh tra đến cơ quan Công an, kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định.

Đến ngày 30.6.2023, BHXH các tỉnh, thành phố đã gửi 401 hồ sơ kiến nghị, khởi tố đến cơ quan Công an; kết quả là đang xem xét 117 hồ sơ, giải quyết 228 hồ sơ (trong đó đã khởi tố hình sự 13 hồ sơ, xử phạt hành chính 21 hồ sơ, xác định không có vi phạm pháp luật 183 hồ sơ); khởi kiện ra toà… Nhờ đó, đã giảm được tình trạng nợ, chậm đóng BHXH, năm 2022, số tiền này chiếm 2,9% số tiền phải thu là tỉ lệ thấp nhất từ trước đến nay.

Lý giải nguyên nhân vẫn còn tình trạng chậm, nợ đóng BHXH, BHXH Việt Nam cho rằng, bên cạnh ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp gặp khó khăn thì các quy định về chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, còn vường mắc không thực hiện được.

Có hiện tượng nhiều đơn vị sử dụng lao động có nhiều tài khoản ở các ngân hàng khác nhau và tài khoản cung cấp cho cơ quan xử phạt thường không có số dư. Vì vậy quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được thực hiện. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật chưa rõ ràng nên khó khăn trong việc khởi tố cá nhân, chủ sử dụng lao động; chưa có quy định xử lý số tiền chậm, nợ BHXH với các doanh nghiệp phá sản, giải thể, không có người đại diện pháp luật…

Với các bất cập về luật, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định cụ thể hai hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH. Cụ thể, quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH; ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động cố tình chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Dự luật cũng bổ sung quy định cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH. Trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Cần có giải pháp với tiền nợ, chậm đóng BHXH không có khả năng thu hồi - ảnh 3

Công nhân nghỉ việc, tập trung trước Công ty cổ phần dệt may Gia Định để đòi quyền lợi bảo hiểm xã hội vì bị chậm, nợ đóng BHXH vào tháng 4.2023

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đề xuất Bộ LĐ,TB&XH lấy tiền kết dư từ Quỹ BHTN (khoảng 2.262 tỉ đồng) để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ tại các đơn vị trên. Tuy nhiên, Bộ LĐ,TB&XH cho rằng theo Luật Việc làm, Quỹ BHTN không có nội dung chi cho các trường hợp này, đề nghị BHXH Việt Nam đánh giá lại tác động, dự báo các phát sinh khi thực hiện đề xuất.

Ở góc độ bảo vệ quyền lợi NLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH hiện chịu chi phối của 4 bộ luật hiện hành, gồm: Luật Tố tụng dân sự, Luật Công đoàn, Luật BHXH năm 2014 và Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, do các quy định và cách hiểu chưa đồng nhất nên tòa án các cấp vẫn từ chối thụ lý. Cụ thể, có luật thì quy định Công đoàn cơ sở được khởi kiện, có luật quy định phải có chữ ký ủy quyền của từng NLĐ.

Trong khi có những doanh nghiệp có tới hàng vạn lao động thì việc lấy chữ ký uỷ quyền của từng NLĐ là khó khả thi nên  Công đoàn có tiến hành khởi kiện, nộp hồ sơ, thì tòa án nhiều nơi sẽ từ chối thụ lý vụ án. Ngoài ra, rất ít cán bộ công đoàn cơ sở đứng ra để khởi kiện chủ sử dụng lao động, bởi sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình…

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH đã được cơ quan này báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án Nhân dân Tối cao, Bộ LĐ,TB&XH, BHXH Việt Nam để tìm ra giải pháp, điều chỉnh, những vướng mắc hiện nay để sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc Công đoàn đại diện NLĐ khởi kiện chủ doanh nghiệp nợ BHXH, tòa án sẽ tiếp nhận và các cơ quan tiến hành khởi tố hình sự đối với doanh nghiệp nợ BHXH.

Nhằm phát hiện sớm và hạn chế tình trạng chậm, nợ đóng BHXH cho NLĐ, BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT của đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn. Đồng thời tăng cường công tác đôn đốc thu hồi số tiền chậm đóng của Tổ Thu nợ liên ngành; thanh tra, kiểm tra liên ngành và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt đối với hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN thì lập hồ sơ gửi cơ quan điều tra để kiến nghị khởi tố đối với những hành vi có dấu hiệu vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự...