Nhiều thiệt thòi cho người lao động bị chậm đóng, nợ đóng BHXH

VHO - Đến nay, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 15.848 tỷ đồng, khiến quyền lợi hưởng BHXH, BHYT của người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong khi NLĐ không biết cầu cứu ở đâu, còn hệ thống pháp luật về giải quyết nợ, trốn đóng BHXH nhưng còn nhiều bất cập, xa thực tế, thiếu thống nhất.

Ngày 21.7, hHi thảo "Hoàn thiện quy định của pháp luật và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người lao động bị nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc” do Tổng LĐLĐ Lao Việt Nam và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Báo Lao Động và Báo Bảo vệ pháp luật tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Nhiều thiệt thòi cho người lao động bị chậm đóng, nợ đóng BHXH - Anh 1

Quang cảnh Hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, chị Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc Phân xưởng may - Nhà máy Dệt kim (Haprosimex thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex) cho biết, Công ty nợ lương từ tháng 1.2017 và nợ BHXH từ tháng 7.2011 của toàn bộ gần 500 anh chị em công nhân. Tính đến trước tháng 3.2023, số tiền Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex nợ BHXH của người lao động là hơn 15 tỉ đồng.

Do Công ty không đóng BHXH, BHYT nên nhiều nữ công nhân không được hưởng chế độ thai sản - mặc dù con của họ đã lớn; có hai trường hợp người lao động chẳng may tử vong nhưng đến trước tháng 3.2023, gia đình họ chưa nhận được chế độ tử tuất. Vì không chấm dứt hợp đồng lao động nên không xin được việc làm ổn định dù có tay nghề, NLĐ phải đi làm thuê tại các xưởng gia công hoặc các công việc thời vụ như rửa bát thuê, xe ôm… để có tiền trang trải cuộc sống.

Chị Huyền cho biết, trong sáu năm ròng rã, người lao động đi tìm gặp các lãnh đạo công ty qua các thời kỳ trước và sau khi cổ phần hóa nhưng câu trả lời mà người lao động nhận được là: “Doanh nghiệp khó khăn, chưa có tiền chi trả cho NLĐ”. Do bị nợ BHXH, BHYT nên quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hàng trăm NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Gần 500 NLĐ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Haprosimex cũng là hoàn cảnh của hàng triệu công nhân, lao động khác. Ông Dương Văn Hào – Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ, BHXH Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31.5.2023, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải tính lãi là 15.848 tỷ đồng, chiếm 3,3% số tiền phải thu. Trong số tiền chậm đóng này, khó khăn nhất là số tiền chậm đóng BHXH tại các đơn vị đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị không có người đại diện theo pháp luật làm ảnh hưởng quyền lợi hưởng BHXH của NLĐ tại các doanh nghiệp này.

Một số BHXH tỉnh, thành phố có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN cao nhất như: Hà Nội là 4.081 tỉ đồng, TP HCM là 4.328 tỉ đồng, Hải Phòng là 650 tỉ đồng, Thanh Hoá là 459 tỷ đồng, Bình Dương là 412 tỉ đồng.

Nhiều thiệt thòi cho người lao động bị chậm đóng, nợ đóng BHXH - Anh 2

Chị Nguyễn Thị Huyền chia sẻ về những khó khăn mà NLĐ bị nợ BHXH

Trước thực trạng NLĐ khó khăn trong việc đòi quyền lợi của mình thì tổ chức công đoàn, cơ quan đại diện cho NLĐ cũng gặp khó trong việc khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hiện nay, theo quy định để Tổng LĐLĐ khởi kiện doanh nghiệp vi phạm về BHXH phải do NLĐ ủy quyền. Điều này có nhiều bất cập, thứ nhất là Tổng LĐLĐ là tổ chức đại diện của NLĐ, thứ hai là rất nhiều doanh nghiệp có đông công nhân lao động thì đòi hỏi giấy ủy quyền rất không thực tế. “Có doanh nghiệp lên đến 30 - 40 nghìn lao động thì thủ tục hành chính bao gồm thời gian, công sức rất là lớn. Hiện nay hơn 200 nghìn lao động nợ tồn đọng BHXH không được xử lý giải quyết được chế độ khiến NLĐ gặp không ít khó khăn. Tôi đã nhiều lần phát biểu, kiến nghị tại các diễn đàn Bộ LĐ,TB&XH, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để có giải pháp bảo vệ quyền lợi cho NLĐ”, ông Ngọ Duy Hiểu cho hay.

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã cung cấp các thông tin phản ảnh toàn diện thực trạng việc nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; nâng cao hiểu biết cho NLĐ về các quy định của pháp luật quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi tham gia các quan hệ lao động và nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Giúp NLĐ nhận diện các hành vi vi phạm liên quan đến việc đóng BHXH bắt buộc và cách thức khởi kiện đòi bồi thường, khắc phục hậu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm hại... Từ đó nhận định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, đặc biệt là ngành BHXH, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng trốn đóng BHXH, thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đóng BHXH; hoặc kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý trách nhiệm hình sự khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT... Qua đó, đảm bảo thu đúng, thu đủ, đầu tư và sử dụng hiệu quả quỹ BHXH, không để tiếp tục xảy ra những sai sót, nợ đọng kéo dài mà không có hướng giải quyết quyết liệt như thời gian qua...

QUỲNH HOA – HUYỀN NGÔ

Ý kiến bạn đọc