Bốn chiến thuật can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá

PHƯƠNG DINH - N.KHANG

VHO - Ẩn sau vẻ bề ngoài của trách nhiệm xã hội và các chiến dịch tiếp thị, ngành công nghiệp thuốc lá thực hiện những chiến thuật can thiệp đầy tinh vi. Họ sẵn sàng đầu tư hàng tỉ USD để triển khai các chiến thuật nhằm tác động đến các chính sách y tế công cộng, từ đó thu lợi từ cái chết và bệnh tật của con người.

Chiến thuật thứ nhất: “Tuyên bố vai trò của ngành đối với sức khỏe cộng đồng” 

Ngành công nghiệp thuốc lá khẳng định rằng họ là “một phần của giải pháp” đối với các vấn đề sức khỏe cộng đồng. Để chứng minh điều này, họ đã đầu tư vào các công ty công nghệ sinh học và dược phẩm, bao gồm những công ty tham gia phát triển vắcxin Covid-19.

Bốn chiến thuật can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá - ảnh 1
Quảng cáo trang web của 1 công ty thuốc lá được in trên tay lái xe đua F1 (cắt từ clip của F1 Kids)

Ngay sau hành động này, hàng loạt tin tức báo chí và hoạt động truyền thông thể hiện sự vui mừng và ủng hộ trước việc các công ty thuốc lá đầu tư vào quỹ phát triển vắcxin. Theo bà Nguyễn Thu Hương, giảng viên bộ môn Quản trị kinh Doanh (Trường Đại học Thương Mại), đây là một chiến lược quan hệ công chúng, trong thời điểm khẩn cấp khi tất cả chúng ta đều cần nhau, thì chỉ cần một cánh tay giơ ra cũng có thể là cánh tay tốt nhất.

Đây là cách tiếp cận nhằm cải thiện hình ảnh của ngành công nghiệp thuốc lá, nhấn mạnh rằng họ có ý thức về trách nhiệm xã hội và đang đóng góp tích cực vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ngành này đã hợp tác với các bên liên quan, tuân thủ các chính sách hiện hành và tham gia vào giải pháp chung.

Tuy nhiên, chiến thuật này được cho là có sự can thiệp, vì mục đích thực sự có thể là ngành công nghiệp thuốc lá đang cố gắng giữ vai trò của mình trong “bức tranh” giải pháp, từ đó giảm thiểu các hạn chế có khả năng ảnh hưởng đến lợi ích của họ.

Ngoài hoạt động đầu tư, các công ty còn tuyên bố  “chuyển đổi sang các sản phẩm thuốc lá giảm hại để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng”. Tuyên bố này được xem là một chiến thuật nhằm giảm sự chỉ trích và hạn chế đối với ngành công nghiệp thuốc lá. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn đi ngược lại với nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng của ngành y tế công cộng, vì các sản phẩm (như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng không đốt cháy) về bản chất vẫn gây nguy cơ nghiện và các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác. 

Chiến thuật thứ hai: “Marketing gây tranh cãi” 

Ngành công nghiệp thuốc lá đã sử dụng nhiều chiến thuật marketing như một công cụ can thiệp của ngành vào các chính sách y tế công cộng, đồng thời làm giảm nhận thức của công chúng về các rủi ro sức khỏe.

Các công ty thuốc lá đã sử dụng triệt để giải đua F1 để làm marketing. Điều này đã gây ra tranh cãi gay gắt, và làn sóng phản đối dữ dội của rất nhiều nhà ủng hộ chính sách kinh tế công cộng trên toàn thế giới.

Các bạn trẻ tiếp xúc với quảng cáo từ F1 và trở nên quen thuộc với quảng cáo mà không hề có một phản kháng hay có một ý niệm gì về thuốc lá. Đây chính là cách ngành công nghiệp thuốc lá tiếp cận với đối tượng là trẻ em (dưới 14 tuổi).

Đối với thanh thiếu niên và người trẻ trưởng thành, họ sử dụng những KOL - người có sức ảnh hưởng , những đại sứ thương hiệu để tiếp cận đối tượng này.

Còn đối với phụ nữ, phải nhắc đến một tuyên bố của Netflix rằng, giải F1 đã giảm giá đặc biệt cho phụ nữ và khán giả “Drive to Survive” trên Netflix. 

Giảng viên Nguyễn Thu Hương nhận định, cách Marketing công ty thuốc lá làm, đã đưa sản phẩm thuốc lá như một chứng minh của bình đẳng giới quyền lực của phụ nữ. Nếu bây giờ phụ nữ hút thuốc lá là tôi có quyền ngang bằng với nam giới. Đây là cách thức làm branding, gắn cho sản phẩm một ý nghĩa cao đẹp một sự giải phóng về quyền tự do và bình đẳng. 

Bốn chiến thuật can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá - ảnh 2
Các bước thực hiện, diễn giải, phổ biến nghiên cứu thuốc lá được “biến đổi” để lái chính sách theo hướng có lợi cho các công ty

Chiến thuật thứ ba: “Tuyên bố về trách nhiệm hội của doanh nghiệp”

Các sản phẩm thuốc lá mới được tuyên bố là sản phẩm giảm hại, là giải pháp thay thế cho người hút thuốc nhưng nhiều bằng chứng về sự can thiệp của ngành công nghiệp trong công bố thông tin đã cho thấy vấn đề vi phạm về đạo đức nghiên cứu.

Các công ty thuốc lá khẳng định họ có trách nhiệm bảo vệ môi trường, trẻ em phụ nữ và người lao động, họ có đơn vị trách nhiệm xã hội, nhưng thực tế họ vẫn bán thuốc lá điếu. Có thể, thuốc lá điếu vẫn là sản phẩm mang lại doanh thu chính cho các công ty thuốc lá.

Luôn có mâu thuẫn cơ bản và không thể dung hòa giữa lợi ích của ngành công nghiệp thuốc lá và lợi ích của chính sách y tế công cộng. Mâu thuẫn này nằm ở bản chất lợi ích của hai bên, trong khi y tế công cộng (theo công ước Khung của WHO về kiểm soát Thuốc lá - FCTC, Điều 3.5) tập trung với việc bảo vệ sức khỏe của cộng đồng và ngăn ngừa tác hại, thì ngành công nghiệp thuốc lá lại chỉ quan tâm đến việc tiêu thụ sản phẩm để sinh lời.

WHO và nhiều tổ chức y tế công cộng đã cảnh báo rằng mọi hợp tác hoặc nhượng bộ với ngành công nghiệp thuốc lá đều có thể dẫn đến nguy cơ giảm sút trong hiệu quả của các chính sách y tế công cộng.

Chiến thuật thứ tư: “Sự can thiệp đến các nghiên cứu khoa học”

Các công ty thuốc lá không chỉ làm các hoạt động truyền thông và marketing để tạo ra một lượng khách hàng mới, trẻ hơn, hấp dẫn hơn mà họ còn tạo ra các bằng chứng cho các sản phẩm của mình.

Một công bố được tiết lộ từ chính nhân viên của Công ty Philip Morris International (PMI) ở Nhật Bản, chia sẻ: Khi gia nhập PMJ, ông kỳ vọng sẽ được cống hiến nhiều hơn, làm điều gì đó có ích cho cộng đồng và bảo vệ các thế hệ tương lai. Tuy nhiên, thực tế đã làm lung lay niềm tin đó. Các tài liệu nội bộ cho thấy thiếu minh bạch, không tuân thủ nguyên tắc nghiên cứu khoa học; thay vào đó, công ty dường như chỉ lựa chọn các kết quả nghiên cứu có lợi cho mình.

Các công ty thuốc lá nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi có trách nhiệm với cộng đồng” và họ đưa ra các sản phẩm có lợi ích cho cộng đồng phụ thuộc vào thị hiếu dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học. Với mục tiêu cuối cùng là tối đa lợi nhuận, các công ty thuốc lá đã đưa ra lý do để thuyết phục mọi người sử dụng thuốc lá.

Ngành thuốc lá đã hết lần này đến lần khác chứng minh họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để thu thêm lợi nhuận, và họ biết mình đang làm gì - nói dối công chúng, tài trợ cho nghiên cứu riêng và nhắm mục tiêu vào nhóm yếu thế trong xã hội. Chính vì vậy, Việt Nam và các nhà hoạch định chính sách cần phải nâng cao cảnh giác, ngăn chặn mọi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá.