Chưa thể chứng minh thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có tác dụng giảm hại
VHO - Bộ Y tế khẳng định, các tuyên bố của ngành công nghiệp rằng “thuốc lá điện tử giảm hại hơn 95% so với thuốc lá điếu thông thường” thiếu bằng chứng khoa học vững chắc.
Một trong những phát hiện chính từ kết quả Nghiên cứu “Tổng hợp và phân tích các nghiên cứu, báo cáo của quốc tế và trong nước về tác hại của thuốc lá mới, đề xuất các biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới” do Bộ Y tế thực hiện là chưa có đủ bằng chứng để chứng minh TLĐT và TLNN là sản phẩm giảm hại.
Bộ Y tế khẳng định, các tuyên bố của ngành công nghiệp rằng “thuốc lá điện tử giảm hại hơn 95% so với thuốc lá điếu thông thường” thiếu bằng chứng khoa học vững chắc. Thông tin “giảm hại” này dựa trên ý kiến của một nhóm nhỏ các chuyên gia và một bài báo được tài trợ bởi ngành công nghiệp thuốc lá, không được xác thực.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khẳng định: Không có bằng chứng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá điếu. Cả hai đều chứa nicotine gây nghiện và có hại, đặc biệt với não bộ trẻ em. Một số sản phẩm thuốc lá điện tử chứa các chất độc hại ở mức bằng và cao hơn thuốc lá điếu thông thường.
Đối với thuốc lá điện tử, một phân tích tổng hợp từ 107 nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ và rối loạn chuyển hóa giữa người sử dụng thuốc lá điện tử và người hút thuốc lá điếu là tương đương; tỉ lệ mắc hen suyễn, COPD và các bệnh về răng miệng thấp hơn. Tuy nhiên, sử dụng kép thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử làm tăng đáng kể tỉ lệ mắc tất cả các bệnh được nghiên cứu
Nghiên cứu cũng nhấn mạnh những rủi ro sức khỏe đáng kể liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt là ở giới trẻ và thanh niên, và kêu gọi đánh giá lại các chính sách và quy định liên quan đến các sản phẩm này. Đối với thuốc lá nung nóng, Hiệp hội hô hấp Châu Âu (ERS) đã phản bác nhận định thuốc lá nung nóng ít hại hơn thuốc lá truyền thống, chỉ ra rằng các công ty thuốc lá không công bố mức độ độc hại của các chất như dạng hạt, hắc ín, acetaldehyde, acrylamide, chất chuyển hóa acrolein và formaldehyde trong khí thải từ TLNN, trong khi các nghiên cứu độc lập chỉ ra rủi ro cao hơn đáng kể so với tuyên bố của ngành công nghiệp thuốc lá.
WHO không xác nhận thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Không đủ bằng chứng để kết luận sử dụng thuốc lá điện tử để cai nghiện thuốc lá điếu thông thường có hiệu quả hơn so với các phương pháp khác. Chưa có bằng chứng về hiệu quả của các sản phẩm muối nicotine để hỗ trợ cai thuốc lá.
Trong khi đó, có bằng chứng rằng việc hút thuốc lá điện tử có thể kéo dài tình trạng nghiện nicotine và cản trở việc cai thuốc; có liên quan đến dãn phế quản ở trẻ sơ sinh - yếu tố nguy cơ dẫn đến các biến chứng ở trẻ sơ sinh nên không thể là biện pháp thay thế an toàn hơn cho việc hút thuốc lá điếu trong thai kỳ.
Việc khuyến khích người hút thuốc chuyển sang thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng không làm cho họ có thể bỏ thuốc lá, mà ngược lại tiếp tục duy trì tình trạng nghiện nicotine và phơi nhiễm với nhiều hóa chất độc hại khi sử dụng đồng thời nhiều loại thuốc lá.
Bộ Y tế cũng chỉ ra tác hại ban đầu của thuốc lá điện ghi nhận ở Việt Nam từ báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, trực thuộc Sở Y tế và trung tâm y tế huyện năm 2023. Trong đó, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với triệu chứng dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp, và cả đột quỵ não.
Các bệnh nhân có số ngày điều trị trung bình từ 1-6 ngày; sau điều trị vẫn để lại di chứng ở 62 người (5%). Trong số đó, 5,8% người dưới 18 tuổi; 10,5% là nữ; 6,6% sử dụng thuốc lá điện tử hoặc thuốc lá nung nóng lần đầu tiên; 89,6% sử dụng kép (có sử dụng cả thuốc lá điếu thông thường).
Theo Ths.Bs Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia WHO tại Việt Nam cho hay, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mỗi năm cả nước có 890.000 cả tử vong do hút thuốc thụ động, 64% số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ.
Thuốc lá điện tử tạo nồng độ nicotine cao và phụ thuộc vào thiết kế và cách sử dụng như pin mạnh hay yếu, nồng độ nicotine trong dung dịch, cách hút. Chẳng hạn, hàm lượng nicotine trong dung dịch thuốc lá điện tử của Juul trung bình tới 5%, trung bình cao gấp 2 lần. Hàm lượng nicotine trong khói của thuốc lá điện tử bằng thuốc lá điếu thông thường.
Cũng theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, nghiên cứu Meta-Analysis cho thấy người trẻ tuổi thử sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ bắt đầu sử dụng thuốc lá truyền thống cao hơn 3,5 lần so với nhóm không dùng thuốc lá điện tử.
“Bằng chứng hiện tại không đủ để hỗ trợ các tuyên bố giảm phơi nhiễm cho thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Mặc dù hàm lượng một số chất độc trong khói tỏa của thuốc lá nung nóng thấp hơn so với khói thuốc thông thường, nhưng hàm lượng của nhiều chất độc khác lại không được báo cáo, hoặc thực sự cao hơn.
Có một số chất độc mới trong khói tỏa của thuốc lá điện tử mà không có trong khói thuốc lá thông thường. Từ khói tỏa một sản phẩm khá phổ biển đã tìm thấy nhiều chất độc mới không có trong khói tỏa thuốc lá, ít nhất 4 trong số này có thể gây ung thư, và 15 chất có khả năng gây tổn thương gen.
Bằng chứng hiện tại không đủ để hỗ trợ các tuyên bố rằng thuốc lá nung nóng giảm nguy cơ hoặc tác hại sức khỏe. Dữ liệu cho thấy không có sự cải thiện trong một số chỉ số phổi và tim mạch và tỷ lệ sử dụng kép cao (với hút thuốc) ở những người tham gia nghiên cứu chuyển đổi. Do đó, việc bắt đầu sử dụng TLNN của người hút thuốc không thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến hút thuốc”, chuyên gia của WHO nhấn mạnh.