Quảng Ngãi:

Xuất hiện vết nứt trên núi, đe dọa nhà dân

NHƯ ĐỒNG

VHO – Qua kiểm tra, phát hiện nhiều vết nứt và sạt trượt đất, đá lớn, đe dọa an toàn các hộ dân ở phía chân núi tại khu dân cư tổ 4, thôn Trà Linh, xã Hương Trà, huyện Trà Bồng. Trước tình huống thiên tai xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang đã ký Quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ở khu vực này.

Xuất hiện vết nứt trên núi, đe dọa nhà dân - ảnh 1
Sạt lở núi ở tuyến đường giao thông tỉnh lộ 622B

Khu dân cư tổ 4, thôn Trà Linh, xã Hương Trà, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi hiện có 40 hộ, với 169 khẩu nằm dưới chân sườn núi có độ dốc rất lớn, phía trên 2/3 sườn núi là tuyến đường giao thông tỉnh lộ 622B.

Qua nhiều năm, mưa, lũ khiến tại vị trí sườn núi này xuất hiện vết nứt núi, gây sạt lở ách tắc tuyến đường giao thông, đất, đá tràn xuống phía dưới, gây nguy hiểm cho nhiều hộ dân trong khu vực.

Theo Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Hoàng Vĩnh, để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn về tính mạng của nhân dân, khi có dự báo mưa, bão có khả năng xảy ra trên địa bàn, huyện Trà Bồng thường xuyên chỉ đạo và tổ chức thực hiện sơ tán người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, vùi lấp, có năm phải tổ chức sơ tán từ 2 đến 3 đợt. Do đó, người dân ở khu vực này rất hoang mang, lo lắng, đã nhiều lần ý kiến, kiến nghị tại các đợt tiếp xúc cử tri các cấp mong muốn được bố trí tái định cư đến nơi ở khác an toàn hơn.

Xuất hiện vết nứt trên núi, đe dọa nhà dân - ảnh 2
Khu dân cư tổ 4, thôn Trà Linh, xã Hương Trà nằm dưới chân sườn núi có độ dốc rất lớn

Nghiêm trọng hơn, qua các đợt mưa lớn tháng 10, 11 và 12.2024, vị trí này tiếp tục xuất hiện thêm những vết nứt mới, gia tăng nguy cơ sạt lở, đe dọa trực tiếp đến an toàn nhà ở và tính mạng của các hộ dân sống dưới chân núi.

Do vậy, việc xử lý khẩn cấp tình huống phòng, tránh sạt lở núi để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân, sớm ổn định tâm lý và đời sống, sản xuất cho 40 hộ dân khu dân cư tổ 4, thôn Trà Linh, xã Hương Trà là hết sức cần thiết và cấp bách.

“Trước tình hình này, UBND huyện Trà Bồng đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi và các sở, ngành của tỉnh xem xét, ưu tiên hỗ trợ 42 tỷ đồng để đầu tư xây dựng khẩn cấp khu tái định cư tập trung Làng Lóa tại thôn Trà Linh, xã Hương Trà với quy mô đầu tư khoảng 5ha, nhằm ổn định đời sống lâu dài cho các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở ở khu dân cư tổ 4, thôn Trà Linh, xã Hương Trà”, ông Vĩnh thông tin.

Xuất hiện vết nứt trên núi, đe dọa nhà dân - ảnh 3
Khu vực xuất hiện vết nứt núi

Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với cấp ngành liên quan, kiểm tra hiện trường khu vực nứt, sạt lở núi tại khu dân cư tổ 4, thôn Trà Linh, xã Hương Trà, huyện Trà Bồng.

Tại hiện trường nhận thấy, tình trạng nứt, sạt lở núi tại thôn Trà Linh khá nghiêm trọng, đe doạ gây nguy hiểm đến sinh mạng, tài sản của nhiều hộ gia đình ở phía dưới và tuyến đường giao thông tỉnh lộ 622B.

Từ thực tế nêu trên và ý kiến của đại diện sở, ngành tham gia kiểm tra hiện trường, Sở NN&PTNT Quảng Ngãi đã yêu cầu chính quyền địa phương, trước mắt triển khai các biện pháp để bảo vệ người dân và công trình nằm phía dưới khu vực sạt lở núi, đặc biệt là khi trời có mưa to; đồng thời hoàn thiện các thủ tục, để đề nghị UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với khu vực này.

Xuất hiện vết nứt trên núi, đe dọa nhà dân - ảnh 4
Tuyên truyền, thông báo người dân về tình hình thiên tai

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai (nứt núi, nguy cơ cao sạt lở núi) tại khu dân cư tổ 4, thôn Trà Linh, xã Hương Trà, huyện Trà Bồng.

Qua đó, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng - Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện khẩn trương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn và diễn biến khu vực sạt lở, kịp thời thông báo, di dời 40 hộ dân với 169 khẩu vùng sạt lở đến nơi an toàn.

Lưu ý, điểm sạt lở này có thể diễn ra sau khi có mưa lớn, do đó cần quán triệt và nhất quán thực hiện việc sơ tán các hộ dân theo nguyên tắc “đi sớm, về muộn”, chỉ đến khi nào xác định đã an toàn mới để người dân quay lại nhà. Bố trí đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân tại nơi sơ tán theo phương châm “4 tại chỗ”; tăng cường thông tin, truyền thông để người dân biết về nguy cơ diễn biến mưa lớn, sạt lở đất chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó.

Cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại khu vực bị sạt lở khi có mưa lớn để đảm bảo an toàn. Thường xuyên cập nhật tình hình sạt lở và mức độ ảnh hưởng, báo cáo về UBND tỉnh (qua Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) để theo dõi, kịp thời chỉ đạo.