Quảng Ngãi:
Ứng phó với sạt lở núi Mang Kà Muồng
VHO – Ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra tình hình sạt lở núi Mang Kà Muồng, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà nơi xuất hiện vết nứt, sụt lún đe dọa trường mầm non và nhiều nhà dân dưới chân núi.
Tại núi Mang Kà Muồng, đối diện Nhà văn hóa thôn Nước Tang, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà đã xuất hiện các vết nứt đất dài 60m, đoạn sụt lún sâu nhất khoảng 2m. Đồng thời, dưới chân núi có đất, đá sạt xuống chất đống, trên đất có keo trồng của các hộ dân khoảng 2 năm tuổi.
Đáng chú ý, vết sạt lở này đang đe dọa trực tiếp nhà ở của 4 hộ dân (hơn 20 nhân khẩu), điểm trường mầm non Hướng Dương có 1 cô giáo và 27 trẻ cùng nhà văn hóa thôn dưới chân núi.
Bên cạnh đó, nguy cơ sạt lở còn gây ảnh hưởng đến nhà ở của 5 hộ dân sống lân cận, 5.000 m2 đất nông nghiệp phía trên đỉnh núi và rừng keo trồng.
Ông Đinh Văn Ôn, nhà ở thôn Nước Tang, xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà lo lắng: “Học sinh và người lớn đi qua đi lại, vào ban ngày thì không sao, chứ đi vào ban đêm thì sạt lở ban đêm không biết lúc nào, rất lo sợ”.
Ngoài ra, vết sạt lở xảy còn có nguy cơ gây tắc nghẽn tuyến đường ĐH77 nối dài đi hồ chứa nước Nước Trong, Nhà văn hóa thôn, ảnh hưởng đến đời sống của 80 hộ dân xóm Mang Kà Muồng, Nhà máy thủy điện Nước Trong, nhà điều hành Trạm quản lý thủy nông số 7, điểm Trường tiểu học Sơn Bao.
Ông Đinh Văn Thang, Trưởng thôn Nước Tang, xã Sơn Bao chia sẻ: “Có vết nứt sạt lở này bà con rất hoang mang, lo sợ. Tại điểm sạt lở gần nhà văn hóa, hiện tượng sạt lở này đã xuất hiện từ cuối năm 2023, tuy nhiên chưa ảnh hưởng lớn đến khu vực lân cận. Hiện nay, sau mấy đợt mưa lớn đã diễn ra nguy cơ sạt lở cao hơn. Kính đề nghị các cấp sớm triển khai các biện pháp khắc phục, để đảm bảo về tài sản và tính mạng cho người dân”.
Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Bao Giáp Hùng Vương, UBND xã Sơn Bao đã tổ chức dựng biển cảnh báo nguy hiểm, rào lưới B40 để hạn chế đá lớn lăn ra đường giao thông. Đồng thời, thông báo rộng rãi cho nhân dân trong vùng biết để phòng tránh nguy hiểm tại điểm sạt lở.
"Chỉ đạo ban cán sự thôn tổ chức vận động các hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng trực tiếp di dời đến nơi cư trú an toàn tại nhà ở của các hộ dân khác trong thôn. Phối hợp với Công an huyện, trường Mầm non Hướng Dương chuyển lớp học tại điểm trường thôn đến địa điểm đảm bảo an toàn tại điểm trường Tiểu học Sơn Bao", ông Vương cho hay.
Qua kiểm tra thực tế, ông Võ Quốc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Khu vực núi Mang Kà Muồng đã xảy ra vết nứt, vết trượt đất lớn thuộc nhóm nguy cơ sạt lở cao, cần có phương án ứng phó với tình huống này. Hiện có 2 giải pháp để phòng, chống sạt lở núi, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra”.
Theo đó, phương án trước mắt cần cắm biển cảnh báo 2 đầu điểm sạt lở để người đi đường có sự chú ý quan sát. Chính quyền địa phương phân công người trực, thông tin kịp thời đến người dân khu vực ảnh hưởng; lập nhóm Zalo để nắm bắt thông tin, chủ động di dời, thông báo tình hình các trạm đo mưa tại Sơn Bao.
Đồng thời, sau đợt mưa thì phải đợi thời gian quan sát tình trạng của núi Mang Kà Muồng trước khi quyết định đưa người dân trở về nhà. Mặt khác, để hạn chế tình trạng sạt lở núi, nên vận động người dân khi tới chu kỳ khai thác keo thì khuyến khích họ tạm dừng khai thác bằng các giải pháp hỗ trợ cho dân giữ lại rừng keo.
Về lâu dài, phía Ban Chỉ huy PCTT-TKCN cần tham mưu các sở, các cấp, ngành đề xuất UBND tỉnh Quảng Ngãi đầu tư tái định cư ổn định cuộc sống người dân các vùng có nguy cơ sạt lở.