Bali cấm chai nhựa nhỏ để giải quyết khủng hoảng rác thải và vi nhựa

HỒNG NHUNG

VHO - Chính quyền đảo Bali mới đây đã ban hành lệnh cấm chai nhựa nhỏ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải trong môi trường.

Bali cấm chai nhựa nhỏ để giải quyết khủng hoảng rác thải và vi nhựa - ảnh 1
Người bán hàng rong bán đồ uống trong nhựa tại một bãi biển ở Bali, Indonesia. Ảnh: EPA-EFE

Theo South China Morning Post, lệnh cấm toàn diện mới đối với chai nhựa nhỏ ở Bali đã gây ra một số phản ứng từ ngành công nghiệp đồ uống và nhựa của Indonesia.

Tuy nhiên, những người ủng hộ môi trường ca ngợi đây là một bước đi táo bạo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải ngày càng gia tăng và tình trạng ô nhiễm vi nhựa ở hòn đảo này.

Thống đốc Bali Wayan Koster đã đưa sáng kiến này trong khuôn khổ phát động chiến dịch rộng lớn, biến hòn đảo 4,3 triệu người này thành nơi không có rác thải vào năm 2027. 

Vào năm 2018, chính quyền Bali đã ban hành lệnh cấm túi nhựa trong các siêu thị và nhà hàng - một động thái đã được các thành phố như Jakarta cũng áp dụng kể từ đó.

Quy định mới có hiệu lực vào tháng 4.2025, liên quan đến lệnh cấm sản xuất, phân phối và bán chai nước nhựa dùng một lần có dung tích nhỏ hơn một lít. 

Quy định này cũng yêu cầu phân loại rác thải hiệu quả tại các văn phòng chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, chợ, trường học và nơi thờ cúng.

Phát biểu với các phóng viên trong tháng 4 năm nay, Thống đốc Koster nhấn mạnh các nhà sản xuất đồ uống nên sử dụng chai thủy tinh, thay vì nhựa cho các sản phẩm đồ uống.

Ông Koster cảnh báo rằng những ngôi làng không tuân thủ sẽ đối mặt với nguy cơ mất hỗ trợ tài chính và các ưu đãi.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vi phạm cũng phải đối mặt với việc thu hồi giấy phép và bị dán nhãn công khai là "không thân thiện với môi trường" trên các kênh truyền thông xã hội.

Bali gây ra khoảng 3.436 tấn rác thải mỗi ngày, trong đó 60% là vật liệu hữu cơ có thể được xử lý. Ngược lại, chỉ có 17% rác thải nhựa hiện có thể tái chế.

Gần 24% rác thải của hòn đảo không bao giờ đến được thùng rác, trong khi 43% được đưa đến bãi chôn lấp. Phần còn lại được quản lý thông qua nhiều hệ thống xử lý và giảm thiểu rác thải khác nhau.

Thống đốc Koster lưu ý hầu hết rác thải dạt vào bờ biển của Bali vào dịp gió mùa đến từ bên ngoài hòn đảo - đặc biệt là từ Đông Java, Kalimantan và Sulawesi.

"Giết chết" ngành công nghiệp

Trước chính sách này, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về tác động của lệnh cấm đối với ngành thực phẩm và đồ uống ở Bali.

"Nếu chúng ta xem xét mục đích và ý định của lệnh cấm, thì điều đó thực sự tốt. Tuy nhiên, lệnh cấm cũng gây trở ngại cho ngành thực phẩm và đồ uống", ông Nengah Nurlaba, người đứng đầu Hiệp hội các nhà tuyển dụng Indonesia tại Bali, cho biết trong một tuyên bố vào ngày 20.4.

Triyono Prijosoesilo, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Nước giải khát cũng nhấn mạnh lệnh cấm này sẽ làm giảm lợi nhuận của ngành này xuống 5%.

Thị trường Bali tiêu thu số lượng lớn đồ uống đóng chai. Có rất nhiều khách du lịch ở đó, góp phần tăng trưởng kinh tế khá tốt. Với lệnh cấm, thiệt hại kinh tế rõ ràng cũng khá lớn.

"Chỉ riêng lệnh cấm sẽ không thể giải quyết được vấn đề rác thải ở Bali, vì rác thải nhựa ít hơn rác thải hữu cơ và các loại rác thải khác từ các lễ hội tôn giáo", Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp olefin, hương liệu và nhựa Indonesia (Inaplas) Fajar Budiono nói.

Theo ông Fajar, nếu là để giảm rác thải, thì có vẻ hơi xa để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, nếu mục đích là để tạo điều kiện xử lý rác thải, thì chúng ta không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ.

Ông Fajar cũng lập luận lệnh cấm về môi trường, chẳng hạn như lệnh cấm túi nhựa và ống hút dùng một lần, mặc dù là ý tưởng tốt, nhưng có thể dẫn đến những vấn đề mới.

"Lệnh cấm túi nhựa thúc đẩy việc sử dụng túi đa năng. Ống hút nhựa đã được thay thế bằng ống hút tre và kim loại. Ở một số nơi, nước rửa chén thường cũng đang gây ra ô nhiễm nguồn nước", ông Fajar cho biết. 

Fajar nhấn mạnh ông ủng hộ các chính sách như cấm đổ rác bừa bãi bất hợp pháp. Chính quyền Bali  cũng cần tìm ra công nghệ phù hợp để quản lý rác thải, bao gồm cả việc chuyển đổi thành năng lượng.

Nguy cơ từ vi nhựa

Trái ngược với ngành công nghiệp, những người vận động chống nhựa dùng một lần cho rằng đây là "một trong những bước đột phá tốt đẹp của Bali", mặc dù lệnh cấm chưa được thực hiện đầy đủ.

"Sau khi quy định này được ban hành tháng trước, trên thực tế, vẫn còn những chai nước uống bằng nhựa nhỏ được bán tại các siêu thị. Chúng ta có thể bắt đầu vận động về vấn đề này", Diyah, điều phối viên chương trình giảm thiểu nhựa dùng một lần tại Trung tâm Giáo dục Môi trường Bali nói.

Năm ngoái, một cuộc kiểm tra chất thải do nhóm môi trường Sungai Watch thực hiện đã phát hiện rác thải nhựa gây ra ô nhiễm nhiều nhất ở các con sông tại Bali và Banyuwangi ở Đông Java.

“Đây là lý do tại sao việc giảm thiểu nhựa dùng một lần đã trở thành vấn đề cấp bách. Có nhiều vật liệu hóa học trong nhựa và phải mất nhiều thời gian để phân hủy”, Diyah cho biết.