Xanh – sạch – đẹp tạo nên những miền quê đáng sống:

Bài 3 - Để phong trào trở thành nếp nghĩ, việc làm hằng ngày của người dân

QUỲNH HOA

VHO - Xây dựng cảnh quan môi trường của thôn, ngõ, xóm vệ sinh, sạch đẹp tham gia cuộc thi đã khó khăn. Nhưng để sự Xanh – sạch – đẹp ấy được duy trì lâu dài, không chỉ gói gọn trong cuộc thi mà tạo cho nó một sức sống bền đòi hỏi ý thức tự giác của người dân, trở thành thói quen, nếp nghĩ, việc làm hằng ngày.

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

Trong quá trình triển khai cuộc thi Xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn Sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn”, tại mỗi địa phương, mỗi cấp cơ sở lại có những mô hình hay, sáng tạo, thiết thực tạo ra không khí thi đua sôi nổi, phấn khởi trong nhân dân các thôn. Đồng thời, mang đến một đời sống tinh thần phong phú cho người dân.

Bài 3 - Để phong trào trở thành nếp nghĩ, việc làm hằng ngày của người dân  - ảnh 1
Mô hình Ngôi nhà xanh thu gom rác tái chế của Hội LHPN xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ

Ông Đỗ Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Đông Yên, huyện Quốc Oai cho hay, xã xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nên đã ban hành 67 văn bạn lãnh đạo, chỉ đạo điều hành (không tính văn bản của thôn và các cơ quan đơn vị) toàn bộ hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, được nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia. Cuộc thi đã được lan tỏa để trở thành nếp nghĩ, việc làm hằng ngày của người dân.

Tại xã Đông Yên, từ tháng 1 đến tháng 10.2024, nhân dân các cụm dân cư, các xóm, các tổ tự quản đã hăng hái thi đua nhau, trong đó có sự thi đua giữa cụm dân cư, giữa tổ tự quản này với cụm dân cư, tổ tự quản khác. Từ đó cuộc thi đẩy lên thành phong trào ngày càng có sức hấp dẫn và lan tỏa. Các tuyến đường được vệ sinh thường xuyên, phong quang, sạch đẹp; đường làng ngõ xóm được trang hoàng rực rỡ...

Trong khi đó, xã Đông Quang và thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì) lại xây dựng và nhân rộng mô hình “Ngôi nhà của Pin” nhằm thu gom, xử lý pin đã qua sử dụng tại các hộ dân trên địa bàn xã, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng thói quen sống tích cực, lành mạnh. Trên các trục đường chính, nhà văn hóa, khu di tích, đình, chùa được ấn định thời gian tổng vệ sinh vào sáng thứ 7, chủ nhật hằng tuần và huy động lực lượng cán bộ, đảng viên, nhân dân, học sinh các thôn ra quân vệ sinh môi trường hằng tuần.

Bài 3 - Để phong trào trở thành nếp nghĩ, việc làm hằng ngày của người dân  - ảnh 2
Cải tạo bức tường gạch cũ kỹ thành những ô sắc màu do chị em phụ nữ xã Dương Xá (huyện Gia Lâm) thực hiện

Nói về cách làm sáng tạo trong việc giữ gìn môi trường, cảnh quan Sáng – xanh – sạch – đẹp, bà Đào Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng chia sẻ: Việc triển khai được đưa vào Nghị quyết của Chi bộ; thành lập Ban vận động gồm lãnh đạo thôn, trưởng các xóm, phân công các thành viên họp thống nhất tạo tinh thần đoàn kết, nhất trí cao.

Đồng thời xây dựng nội quy, quy chế từng xóm, ngõ; phân công cụ thể các đoàn thể đảm nhận, hoàn thành các chỉ tiêu công việc cụ thể. Thành lập đội ngũ tình nguyện viên là những đoàn viên, hội viên làm lực lượng nòng cốt để duy trì và đẩy mạnh phong trào vệ sinh môi trường ở cơ sở; thành lập tổ tự nguyện chăm sóc cây xanh hằng tuần, các thành viên thay nhau tưới nước, làm cỏ, bón phân cho cây...

Bên cạnh đó, nhiều thôn, xã, huyện lại lồng ghép việc giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh vào hương ước, quy ước của thôn; lồng ghép vào các tiêu chí đánh giá Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh đô thị; hay thực hiện phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa... Từ đó, nhiều mô hình ra đời và hoạt động hiệu quả như “Thùng rác văn minh”, “Nhà tôi có bình chữa cháy”, “Đổi phế liệu lấy an sinh”, “Nông dân tham gia bảo vê môi trường”, “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”...

Cần tiếp tục tuyên truyền để trở thành nét đẹp văn hoá, văn minh của người Hà Nội

Bài 3 - Để phong trào trở thành nếp nghĩ, việc làm hằng ngày của người dân  - ảnh 3
Đoàn liên ngành TP Hà Nội đánh giá, chấm điểm cuộc thi tại các huyện Hoài Đức

Sau khi tham gia nhiều buổi đánh giá chấm điểm tại các huyện của cuộc thi Xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn” , ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và Gia đình (Sở VHTT Hà Nội) thông tin, Sở VHTT là cơ quan thường trực thực hiện chương trình 06-CTr/TU 2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025. Và cuộc thi nằm trong nội dung của chương trình 06 - CTr/TU 2021.

Đánh giá về sự lan toả và hưởng ứng cuộc thi, ông Bùi Minh Hoàng cho rằng, dễ dàng nhận thấy cảnh quang các tuyến đường, làng, ngõ xóm đã có sự thay đổi rõ rệt, thực sự tạo nên một miền quê đáng sống. Cuộc thi đã phát động toàn dân trên địa bàn nâng cao tinh thần, ý thức, trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường, trật tự an toàn nông thôn, trang trí đường làng, ngõ phố đảm bảo thông thoáng, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn.

Tại mỗi thôn, xã đều triển khai cuộc thi theo những đặc trưng riêng của địa phương, có những cách làm, sáng tạo riêng và bám sát tiêu chí của cuộc thi. Nhưng có thể nhận thấy, đằng sau kết quả này, mỗi địa phương đều có điểm chung là sự quan tâm, vào cuộc của lãnh đạo các cấp; sự chung sức, đồng lòng của toàn thể người dân. Đấy chính là “Dân vận khéo”, là “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, là thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng do Thành phố Hà Nội ban hành...

Bài 3 - Để phong trào trở thành nếp nghĩ, việc làm hằng ngày của người dân  - ảnh 4
Ông Bùi Minh Hoàng, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình (Sở VHTT Hà Nội) đánh giá sự thành công của cuộc thi là có sự quan tâm, vào cuộc của hệ thống chính trị từ huyện đến cấp cơ sở

Theo ông Bùi Minh Hoàng, bên cạnh việc vận động tinh thần, nhiệt huyết của người dân các cấp chính quyền cần có hình thức khen, thưởng kịp thời. Điều này là rất quý, “1 nén tiền công không bằng 1 đồng tiền thưởng”. Thực tế có nhiều người dân đã hiến hàng chục mét vuông đất, trị giá hàng trăm triệu đồng và nhận lại là bằng khen của Chủ tịch huyện và 300.000 đồng theo quy định nhưng họ vẫn rất vui.

“Làm được điều này chính là huy động được sức mạnh mềm của toàn dân. Người dân không chỉ đóng góp công sức trong các buổi tổng vệ sinh, giữ gìn vệ sinh môi trường, mà còn đóng góp vật chất, của cải, xã hội hoá cho thôn, làng của mình. Người dân hiểu được ngõ, xóm, thôn, làng xanh, sạch thì bản thân người hưởng chính là họ. Vì vậy, lãnh đạo các cấp, các đoàn thể chính quyền cần tiếp tục tuyên truyền biến sự thi đua Sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn trở thành nét đẹp văn hoá, văn minh của người Hà Nội chứ không dừng lại ở một cuộc thi”, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình Bùi Minh Hoàng nhấn mạnh.

Ý kiến bạn đọc