Xanh – sạch – đẹp tạo nên những miền quê đáng sống:
Bài 2 - Chung sức đồng lòng, đồng tâm hiệp lực vì nơi mình sinh sống
VHO - Đằng sau công cuộc xây dựng nông thôn mới, giữ gìn thôn xóm Xanh – sạch – đẹp là sự đoàn kết của một tập thể, người hiến đất làm đường, người góp công, góp của… Nhiều hộ dân trước đây thường xuyên xả rác ra lề đường, nay đã bỏ đúng nơi quy định; tích cực tham gia dọn dẹp khu vực xung quanh nhà ở, làm cho môi trường sạch, đẹp hơn.
Vô tư hiến hàng chục mét đất
Năm nay là năm thứ 30 bà Phan Thị Thanh Thuý (sinh năm 1971) đến làm dâu ở ngõ 89 thôn Tân Phong 3, xã Phong Vân, huyện Ba Vì. Bà Thuý kể, hồi mới về làm dâu, con đường chỉ là con đường đất, rất nhỏ, nhưng nay đã rộng tới 3m, đủ rộng cho 2 làn ô tô tránh nhau. Và nhà bà đã lui vào tới gần 1,5m sau 3 lần hiến đất để làm đường theo sự vận động, kêu gọi của thôn, xã.
Lần hiến đất gần đây nhất là đầu năm 2024, chỗ nào hẹp nhất là 0,2m, chỗ rộng tới 0,5m và kéo dài hàng chục mét từ đầu tới cuối ngõ với sự đồng ý của 3 anh em. Bà Thuý cho biết, đất của bố mẹ chồng bà chia cho 3 anh em, phía bên đối diện là 4 gia đình đã xây dựng kiên cố nên không lùi vào được nữa, có lùi cũng được rất ít. Còn phía 3 anh em nhà chồng bà chưa xây dựng mà chỉ rào nên lùi đất để làm đường dễ dàng hơn. “Sau khi họp ngõ, gia đình tôi với bàn với các anh em nhà lùi đất vào để làm đường vì người hưởng thụ đầu tiên chính là gia đình, các con các cháu mình. Vì vậy tất cả các anh em đều nhất trí cao”, bà Thuý chia sẻ.
Cũng theo bà Thuý, không chỉ gia đình bà, nhiều gia đình tại thôn Tân Phong 3 hay của huyện Ba Vì nói chung cũng sẵn sàng đồng lòng hiến đất tạo nên phong trào khá lớn mạnh.
Báo cáo 6 tháng đầu năm của UBND huyện Ba Vì cho thấy, huyện đã tổ chức trao bằng khen của Chủ tịch UBND huyện cho 10 gia đình đã có thành tích hiến đất làm đường cho phong trào của cuộc thi xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn Sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn” do thành phố Hà Nội phát động. Trong đó, gia đình bà Phan Thị Huê thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường hiến 70m2 đất, gia đình ông Nguyễn Khắc Bảy, thôn Kim Bí, xã Tiên Phong hiến 50m2, còn lại là từ 18 – 35m2…
Nói về việc phát triển phong trào giữ gìn thôn, xóm Sáng - Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn, bà Lê Thị Loan, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn Tân Phong 3 cho biết, sau khi xã Phong Vân có kế hoạch và Nghị quyết về việc triển khai cuộc thi, thôn Tân Phong 3 đã có Nghị quyết triển khai ở chi bộ, và xuống từng ngõ, từng gia đình và hầu hết 100% các gia đình đều nắm bắt được các yêu cầu, tiêu chí của cuộc thi.
“Khi triển khai ở thôn thì số lượng các gia đình tham gia không được đông đủ, nhưng khi triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở, triển khai theo từng ngõ thì có tới 95% gia đình tham gia, chỉ 1 – 2 gia đình đi vắng. Bởi vì cuộc thi này cũng liên quan đến kinh phí, nên rất khó khăn nhưng người dân hiểu rồi thì họ rất đồng lòng. Có những hộ đóng góp 1, 2, 3 triệu đồng để mua hoa. Nhiều hộ vẫn còn bờ tường bằng gạch cũ, cũng tự bỏ ra hàng chục triệu đồng để xây, sửa mới tường bao mới tạo hành lang thoáng đẹp và những bờ rào tường hoa rất đẹp”, bà Lê Thị Loan cho hay.
Quý hoá tấm lòng của bà con, bà Lê Thị Loan tấm tắc: “Thôn Tân Phong 3 vừa được lựa chọn làm điểm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết của huyện. Để có được thành công này phải nói là “Ý Đảng – lòng dân”, đúng như lời Bác Hồ nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân lựa cũng xong”. Sau khi xây dựng được phong trào nhưng ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân đã đi vào nền nếp, mỗi sáng, người dân quét sạch từ trong nhà ra đến ngõ, chẳng thế mà lúc nào thôn cũng sạch đẹp”.
Một xã có 7 làng, 7 đình, 7 chùa 7 tiếng nói khác đã hoà vào làm 1
Xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức đang trong quá trình đánh giá, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu trên ba lĩnh vực văn hoá, y tế và môi trường, vì vậy dễ nhận thấy bộ mặt tươi mới, văn minh, hiện đại ở một vùng quê. Đặc biệt, việc kể từ khi cuộc thi xây dựng và giữ gìn “Xã, phường, thị trấn Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn” được triển khai đã tạo tinh thần, khí thế mới cho toàn xã.
Ông Nguyễn Đức Khánh, Bí thư chi bộ thôn Nội, xã Đức Thượng chia sẻ, bàn đầu việc giữ gìn vệ sinh môi trường ở thôn chỉ là phong trào tự phát của nhân dân, nhưng từ khi có cuộc thi đã thu hút sự tham gia nhiệt tình của người dân, thổi bùng thành phong trào thi đua sôi nổi. Người góp của người góp công, có nhà hiến đất để khúc cua đỡ bị khuất tầm nhìn, có người thương binh góp hết phần tiền hỗ trợ của Nhà nước cho phong trào…
“Cuộc thi đã đánh rất đúng và trúng vào mong muốn của người dân nên kết quả mang lại rất cao, đặc biệt là nâng cao nhận thức của người dân với môi trường sống xung quanh, thái độ ứng xử với làng xóm. Từ cuộc thi mà lãnh đạo các cấp của thôn ngồi với nhau bàn bạc, thậm chí đến đêm và mọi người ứng xử với nhau văn minh hơn, nên mọi việc được thực hiện trơn chu. Ban đầu có người không hiểu, phản đối hăng nhất thì sau khi hiểu lại ủng hộ mạnh nhất.
Chẳng thế mà, một xã như Đức Thượng có 7 làng, 7 đình, 7 chùa, nghe tiếng cũng biết là làng khác, trước đây khó mà bàn bạc, thống nhất được việc gì. Tuy nhiên thông qua các cuộc thi, toàn bộ xã đã đoàn kết lại với nhau, cùng nhau thực hiện. Mỗi tháng có đánh giá, chấm điểm của huyện, sau đó, lại mổ lợn liên hoan, vui lắm, đoàn kết lắm. Trước đây môi trường của xã là vấn đề đáng ái ngại, nhà nào sửa chữa nhà cửa, chuồng gà, vật dụng bày hết ra đường, nhưng bây giờ không còn tình trạng này nữa”, ông. Nguyễn Đức Khánh nói về ý nghĩa của cuộc thi.
Giờ đây, các thôn, xóm đường liên thôn thông thoáng, sạch sẽ, trang trí đẹp mắt, cây xanh phủ bóng mát ai cũng thích thú, tự hào. Có thể nói, để có thành công về bộ mặt nông thôn mới hiện nay thì tinh thần, nhiệt huyết vẫn chưa đủ, mà còn có sự đóng góp công sức, tài sản của nhân dân. Theo báo cáo của UBND huyện Quốc Oai, kinh phí từ nguồn ngân sách của huyện cho cuộc thi chỉ có 1 tỉ 5587 triệu đồng, nhưng kinh phí từ nguồn xã hội hoá của nhân dân lên tới 5 tỉ đồng để làm cổng chào, vẽ tranh bích hoạ, làm sân thể thao, mua sắm thiết bị thể dục, lắp cột đèn chiếu sáng…
Tại huyện Đan phượng, từ năm 2019 đến nay, nhân dân toàn huyện đóng góp xã hội hoá với tổng kinh phí hơn 38 tỉ đồng chăm lo công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang cảnh quan, giữ gìn tuyến đê kiểu mẫu, lắp đặt ghế đá, chậu hoa… Tại huyện Hoài Đức, đã huy động được nguồn xã hội hoá hơn 12.000 ngày công tham gia quét dọn vệ sinh, bóc, xoá biến quảng cáo… người dân ủng hộ kinh phí hơn 6 tỉ đồng…
Có thể nói từ một cuộc thi đã hội tụ nhiều phong trào như “Dân vận khéo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”… và lan toả trong nhân dân. Không chỉ cảnh quan được tôn tạo, phát triển, nâng cao điều kiện sống nơi cư trú, mà điều quan trọng nhất là đã tạo chuyển biến sâu rộng, góp phần thay đổi nhận thức, ý thức của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường, xây dựng văn hoá người Hà Nội thanh lịch, văn minh.