Nhà báo Nguyễn Đức Cảnh với Báo chí cách mạng Việt Nam

NGUYỄN QUANG

VHO - Ngày 1.10, Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp với Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề "Nhà báo Nguyễn Đức Cảnh với Báo chí cách mạng Việt Nam".

Nhà báo Nguyễn Đức Cảnh với Báo chí cách mạng Việt Nam - ảnh 1
Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc

Chương trình diễn ra nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Tạp chí Công hội Đỏ (nay là Tạp chí Lao động và Công đoàn) do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Tổng Biên tập - xuất bản số đầu tiên (1.10.1929 – 1.10.2024). Chương trình cũng nằm trong chuỗi các hoạt động hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (1925 – 2025).

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908 - 1932) là một trong những lãnh tụ Cách mạng tiền bối của Đảng, một người cộng sản kiên trung, đồng thời là một nhà báo lớn của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Chương trình tọa đàm nhằm tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh với nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời, cung cấp nhiều thông tin mới về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông, đặc biệt trên phương diện báo chí.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam kỳ vọng, các nội dung của tọa đàm sẽ tiếp tục nêu bật những đóng góp của nhà báo Nguyễn Đức Cảnh đối với báo chí cách mạng Việt Nam, đối với công tác tuyên truyền vận động cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, đấu tranh chống thực dân và các lực lượng phản cách mạng.

Tọa đàm sẽ góp phần tôn vinh nhà báo Nguyễn Đức Cảnh; làm rõ hơn giá trị to lớn của những di sản báo chí mà ông để lại, giúp các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau có ý thức hơn trong việc học tập, trưởng thành trong nghề nghiệp và phấn đấu, rèn giũa bản lĩnh, nhân cách người làm báo cách mạng.

Nhà báo Nguyễn Đức Cảnh với Báo chí cách mạng Việt Nam - ảnh 2
Các đại biểu tham dự Toạ đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đánh giá, Tọa đàm là hoạt động rất thiết thực, ý nghĩa để kỷ niệm ngày Tạp chí Lao động và Công đoàn ra mắt số đầu tiên. Đây cũng là một nén nhang thành kính tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - một nhà báo lớn, nhà lãnh đạo kiên trung của Đảng.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh luôn coi trọng công tác tuyên truyền và đặc biệt là báo chí - vũ khí sắc bén của cách mạng. Phát huy tinh thần của nhà báo lớn Nguyễn Đức Cảnh, 95 năm qua, Tạp chí Lao động và Công đoàn đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn thử thách để phát huy truyền thống và tiếp tục đổi mới, giành được nhiều kết quả.

"Tạp chí Lao động và Công đoàn là cơ quan báo chí luôn có tinh thần vượt khó, sáng tạo. Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Tạp chí đã luôn trăn trở để xứng đáng với tờ tạp chí mà đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Tổng Biên tập đầu tiên. Đây là điều rất đáng trân trọng”, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu ghi nhận.

Trải qua 95 năm, dưới sự dẫn dắt của các thế hệ lãnh đạo và đội ngũ phóng viên tận tụy, Tạp chí Lao động và Công đoàn đã trở thành nơi bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, phản ánh tiếng nói chân thực của họ. Với những nỗ lực không ngừng, Tạp chí đã giữ vững vị thế trong lĩnh vực báo chí công đoàn và lao động, đồng thời đóng góp tích cực vào việc xây dựng và phát triển đất nước.

Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Tạp chí Công hội Đỏ là dịp để nhìn lại quá trình phát triển đầy tự hào của tạp chí. Đây cũng là cơ hội để khẳng định vai trò và sứ mệnh của Tạp chí Lao động và Công đoàn trong tương lai, trở thành người bạn đồng hành tin cậy của giai cấp công nhân, của các tổ chức Công đoàn và toàn xã hội.

Tại tọa đàm, nói về vai trò của nhà báo Nguyễn Đức Cảnh trong dòng chảy báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: “Những năm 2015-2019, quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đề cương trưng bày các không gian lịch sử nghề báo giai đoạn 1925-1945, bản thân tôi cũng loay hoay mãi để có thể tìm ra cách tôn vinh một hiện thực lịch sử độc đáo. Các lãnh tụ cách mạng giai đoạn này, điển hình là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hầu hết đều tham gia trực tiếp vào hoạt động báo chí và báo chí cách mạng giai đoạn đầu gắn liền với vai trò, nhiệt tình cách mạng và tài năng tổ chức/điều hành/biên tập/in ấn và xuất bản báo chí.

Đó là lý do mà trưng bày của Bảo tàng khi ra mắt công chúng đã có một điểm nhấn nội dung về vũ khí báo chí đặc biệt trong đấu tranh giai cấp của các lãnh tụ cách mạng – nhà báo của ta. Một trong đó là Nguyễn Đức Cảnh - lãnh tụ Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng, người đã trực tiếp viết bài và phụ trách báo và tạp chí của Công hội – và là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Lao Động và Tạp chí Công hội Đỏ. Thời điểm đó, ông mới chỉ 21-23 tuổi”.

Nhà báo Nguyễn Đức Cảnh với Báo chí cách mạng Việt Nam - ảnh 3
Các đại biểu tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm trong không gian trưng bày giai đoạn báo chí 1925-1945 tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nơi bức tượng bán thân đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sẽ được trưng bày cố định

Theo nhà báo Trần Thị Kim Hoa, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh khi ấy dù là thanh niên còn trẻ nhưng đã có cơ hội rèn giũa nhận thức chính trị cùng những kỹ năng thực tế cần thiết để khi cách mạng cần, có thể tự tin gánh trách nhiệm chỉ đạo ra báo chí, viết bài, tổ chức xuất bản báo chí… Có thể, dưới sự chỉ đạo của ông, dù khó khăn và sơ khai, nhưng Lao động hay Công hội Đỏ đều được chú trọng rất kỹ về nội dung, nhiều chuyên mục, có các bài viết trọng tâm…

Chia sẻ tại Tọa đàm, Th.S Hồ Thị Phương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, kiêm Trưởng Ban quản lý Khu lưu niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc gìn giữ, chăm sóc và phát huy giá trị lịch sử văn hóa của Khu lưu niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh.

Bà Phương cho biết, Khu lưu niệm đã được xây dựng và tôn tạo qua nhiều giai đoạn, trở thành một địa điểm lịch sử, văn hóa đặc biệt, nơi lưu giữ những hiện vật, tài liệu quý giá về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đức Cảnh.

"Chúng tôi thường xuyên tổ chức tốt các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của Khu lưu niệm, nơi gắn liền với thân thế sự nghiệp chói sáng của ông, từ đó góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng, về tấm gương liệt oanh của liệt sĩ, lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh để nơi đây mãi mãi là cội nguồn, tiêu biểu về di sản văn hoá cách mạng, là địa chỉ đỏ để cán bộ, nhân dân cả nước, đặc biệt là đoàn viên công đoàn cả nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tạp chí Lao động và Công đoàn và Báo Lao động trở về với nguồn cội, nơi gắn liền với tên tuổi của người đã khai sinh ra tổ chức của mình", Th.S Hồ Thị Phương cho biết.