Đắk Nông đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ 2

THANH SÁNG

VHO - Công viên địa chất tỉnh Đắk Nông tiếp tục được UNESCO công nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu lần 2, giai đoạn 2024 - 2027.

Đắk Nông đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ 2 - ảnh 1
Tỉnh Đắk Nông đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2

Tối 26.12, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2, giai đoạn 2024 – 2027.

Tham dự Lễ đón nhận có Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Thị Hồng Vân; Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh; lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông và các địa phương trong mạng lưới công viên địa chất Việt Nam.

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7.2020. Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trải dài trên diện tích 4.760km2, với khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo. Trong đó có hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000m, còn chứa đựng nhiều bí ẩn.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết danh hiệu này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, đưa tỉnh Đắk Nông chính thức gia nhập mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO, gồm 213 điểm đến thuộc 48 quốc gia trên thế giới. Đây là niềm vinh dự, tự hào và những nỗ lực không ngừng của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Nông.

Đắk Nông đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ 2 - ảnh 2
Trước đó, chiều cùng UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững

Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có vai trò chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển du lịch trên nền tảng phát huy các lợi thế tự nhiên, các giá trị văn hóa - đặc trưng sinh thái bản địa, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là một trong ba trụ cột của nền kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, việc bảo tồn cảnh quan, giá trị địa chất, văn hóa và nâng cao nhận thức cộng đồng đã được triển khai đồng bộ, giúp Đắk Nông ngày càng khẳng định vị thế của mình trên bản đồ du lịch quốc tế.

Tại buổi lễ, ông Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO, Tổng Thư ký Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu đã gửi đến tỉnh một đoạn clip chúc mừng, ghi nhận những nỗ lực của Đắk Nông trong hành trình vừa qua. Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông là minh chứng điển hình về mối liên kết hài hòa giữa thiên nhiên và con người, đồng thời là biểu tượng cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. UNESCO cam kết tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Đắk Nông để phát huy giá trị của danh hiệu, biến di sản trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển bền vững.

Tại buổi lễ, bà Lê Thị Hồng Vân, Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao và ông Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trao bằng công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Việt Nam lần 2, giai đoạn 2024 - 2027 cho tỉnh Đắk Nông. Danh hiệu là sự công nhận dành cho những giá trị vượt thời gian mà tỉnh Đắk Nông đã gìn giữ và phát triển trong suốt những năm qua. Đồng thời, danh hiệu này còn mang ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở địa phương về trách nhiệm lớn lao trong việc giữ vững và tiếp tục phát triển di sản.

Đắk Nông đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO lần thứ 2 - ảnh 3
Núi lửa Nâm Kar nằm ở huyện Krông Nô (Đắk Nông)

Trước đó, chiều cùng ngày, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Hội thảo với chủ đề “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với mục tiêu phát triển bền vững”. Tham dự hội thảo có trên 150 đại biểu đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam…

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh khẳng định, năm 2024 đánh dấu chặng đường 20 năm thành lập Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO (2004 - 2024).

Đến nay, Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO đã có 213 công viên ở 48 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Đây là một hành trình đầy tự hào, thể hiện tinh thần hợp tác quốc tế trong bảo tồn di sản địa chất, giáo dục cộng đồng và phát triển bền vững.

“Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tự hào là một trong những thành viên của mạng lưới với những giá trị độc đáo về địa chất, văn hóa và hệ sinh thái. Việc UNESCO tái công nhận danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông giai đoạn 2024 - 2027 không chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực bền bỉ của tỉnh mà còn là động lực để chúng ta tiếp tục hành trình phát triển bền vững, gắn kết các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên với sự bền vững của cộng đồng”, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh, Hội thảo khoa học nhằm thảo luận và làm rõ hơn mối quan hệ giữa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông với các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng tìm ra các sáng kiến và giải pháp sáng tạo để thúc đẩy du lịch bền vững, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ những giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc tại Đắk Nông.