“Tiếp sức” cho nhà vườn cổ xứ Huế

SƠN THÙY

VHO - Thừa Thiên Huế vừa tiếp tục triển khai các giải pháp để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng. Trong đó, các chính sách hỗ trợ cho trùng tu là nguồn lực giúp các nhà vườn giữ được di sản kiến trúc độc đáo của cha ông, đồng thời mở ra cơ hội để phát triển du lịch.

 “Tiếp sức” cho nhà vườn cổ xứ Huế - ảnh 1
Phủ thờ Đức Quốc Công tại phường Kim Long đang ở trong tình trạng xuống cấp, hư hại nghiêm trọng

 Ngôi nhà vườn 134 năm tuổi của gia đình bà Nguyễn Thị Ngộ tại phường Kim Long, TP Huế đang được trùng tu theo “Đề án chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng” giai đoạn 2023-2026 của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngôi nhà có lối kiến trúc ba gian hai chái truyền thống Huế cùng với hệ thống sân vườn, cây xanh đặc trưng. Trải qua thời gian dài, công trình đã bị xuống cấp và hư hại nghiêm trọng như: Khung gỗ bị mối mọt, hệ mái ngói bị hư hại, đứt gãy, thấm dột…; khuôn viên cảnh quan sân vườn chưa được cải tạo, chỉnh trang.

Đã hỗ trợ bảo tồn cho 11 nhà vườn trên địa bàn

Với nguồn hỗ trợ gần 1 tỉ đồng từ chính sách của tỉnh, gia đình sẽ huy động thêm nguồn lực để trùng tu công trình nhằm bảo tồn và gìn giữ di sản cũng như mở ra cơ hội để khai thác phát huy giá trị.

Mới đây, tháng 11.2024, Ban Quản lý và bảo vệ nhà vườn Huế cũng đã khởi công tu bổ, chống xuống cấp nhà rường cổ của gia đình bà Phan Thị Diệu Liên tại số 77B Bao Vinh (phường Hương Vinh, TP Huế). Ngôi nhà đã hơn 110 năm, xây dựng theo lối kiến trúc hai tầng hai gian thu hồi bít đốc nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm qua. Công trình được xếp hạng loại một, nhà rường của gia đình bà Diệu Liên sẽ nhận hỗ trợ tối đa 1 tỉ đồng để triển khai công tác tu bổ, bảo tồn. Bà Phan Thị Diệu Liên vui mừng cho biết, “hơn 20 năm trước, tỉnh có quy hoạch bảo tồn và phát huy phố cổ Bao Vinh, nghe tin có kế hoạch trùng tu nhà rường cổ, bà con nơi đây rất vui mừng. Kinh phí tu bổ mỗi căn nhà khá lớn, gia đình không thể đầu tư nên chúng tôi chờ đợi để được hỗ trợ. Đến nay, giấc mơ đó đã thành sự thật, gia đình rất vui mừng. Sau này, nếu địa phương triển khai các hoạt động du lịch, đón khách tham quan, gia đình chúng tôi sẽ sẵn sàng”.

Ông Trương Đình Hạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Huế thông tin: Trong giai đoạn 2015-2020, Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” đã hỗ trợ bảo tồn cho 11 nhà vườn trên địa bàn, tập trung tại các phường Kim Long, Thủy Biều, Gia Hội, Phường Đúc. Các nhà vườn sau khi được hỗ trợ trùng tu đã tích cực đầu tư để phát huy giá trị, tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ, thu hút khách tham quan và trải nghiệm sản phẩm du lịch đặc thù của Huế. Trong giai đoạn 2023- 2026, TP Huế tiếp tục triển khai đề án nhằm lan tỏa bảo tồn và phát huy giá trị nhà vườn. Đến nay đã có 9 nhà vườn được phê duyệt tham gia đề án, gồm nhà vườn hộ ông Hồ Văn Bình, bà Nguyễn Thị Ngộ, ông Hoàng Xuân Bậc, đền thờ Đức Quốc Công ở phường Kim Long; nhà thờ họ Tôn Thất, nhà vườn hộ ông Tôn Thất Phương, ông Đặng Văn Thành, ông Hồ Xuân Doanh, ông Hồ Xuân Đài tại phường Thủy Biều. Cùng với đó, địa phương cũng tổ chức đề án đối với nhà rường cổ Bao Vinh với 7 nhà được hỗ trợ tu bổ.

“Song song với việc hỗ trợ bảo tồn nhà rường cổ Bao Vinh, TP Huế đã xây dựng kế hoạch để phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh. Như đầu tư hạ tầng cơ bản (bến thuyền, bãi đỗ xe…); hỗ trợ chủ các nhà rường xây mới, cải tạo nhà vệ sinh, phòng lưu trú để phục vụ du lịch; đào tạo nghề, chuyển đổi nghề tập huấn các kỹ năng làm du lịch cho người dân; tuyên truyền quảng bá, xây dựng tour tuyến du lịch đến nhà rường cổ Bao Vinh để khai thác và phát huy giá trị, thúc đẩy phát triển các dịch vụ du lịch, trải nghiệm văn hóa tại phố cổ này”, ông Trương Đình Hạnh thông tin.

 “Tiếp sức” cho nhà vườn cổ xứ Huế - ảnh 2
Những ngôi nhà rường ở phố cổ Bao Vinh, TP Huế chờ bảo tồn, tu bổ

Lan tỏa ý thức của người dân trong công tác bảo vệ di sản

Theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng” giai đoạn 2023-2026 của tỉnh có nhiều nội dụng hỗ trợ; trong đó, riêng kinh phí tu bổ nhà vườn được điều chỉnh tăng hơn so với chính sách của đề án trong giai đoạn 2015-2020. Cụ thể: nhà vườn đặc trưng loại 1 được hỗ trợ tối đa 1 tỉ đồng/nhà (tăng 300 triệu đồng); nhà vườn loại 2 được hỗ trợ tối đa 800 triệu đồng/nhà (tăng 300 triệu đồng) và nhà vườn loại 3 được hỗ trợ 600 triệu đồng/nhà (tăng 200 triệu đồng). Các nhà vườn tham gia đề án tập trung ở các địa phương tại TP Huế và làng cổ Phước Tích (huyện Phong Điền). Dự kiến kinh phí thực hiện các chính sách cho nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ giai đoạn 2023-2026 là khoảng 25,2 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước đảm bảo 80%, còn lại là nguồn xã hội hóa.

Ban Quản lý di tích làng cổ Phước Tích cho biết, đề án được triển khai đã mang lại nhiều kết quả tích cực góp phần giữ gìn di sản văn hóa và phát triển du lịch cộng đồng tại làng cổ. Giai đoạn 2015-2020, đã có 23 nhà vườn cổ ở Phước Tích được hỗ trợ tu bổ, với tổng kinh phí 14,9 tỉ đồng; huyện Phong Điền hỗ trợ và nguồn đóng góp của các gia đình để chỉnh trang khuôn viên, cải tạo sân vườn cho 20 nhà. Đến nay, đang có 11 nhà vườn tham gia các dịch vụ tham quan và homestay, góp phần phát triển du lịch. Đề án được tiếp tục triển khai trong giai đoạn mới này tại làng cổ Phước Tích sẽ hỗ trợ tu bổ, tôn tạo nhà vườn cổ của các gia đình ông Trương Duy Thanh, bà Hồ Thị Thanh Nga, bà Sử Kim Tiến, ông Trương Văn Thoàn, cùng nhà thờ các họ Trương Công, họ Lê Ngọc…

Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 120 nhà vườn, nhà rường cổ đặc trưng. Đến nay, đã có 55 nhà vườn tại TP Huế và tại làng cổ Phước Tích được trùng tu, tôn tạo từ nguồn ngân sách theo Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” và các nguồn huy động hợp pháp khác. Việc thực hiện đề án gìn giữ di sản văn hóa đặc trưng của Huế đồng thời nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, lan tỏa ý thức tự nguyện của người dân trong công tác bảo vệ di sản văn hóa.

 Song song với việc hỗ trợ bảo tồn nhà rường cổ Bao Vinh, TP Huế đã xây dựng kế hoạch để phát huy giá trị nhà rường cổ Bao Vinh. Như đầu tư hạ tầng cơ bản (bến thuyền, bãi đỗ xe…); hỗ trợ chủ các nhà rường xây mới, cải tạo nhà vệ sinh, phòng lưu trú để phục vụ du lịch; đào tạo nghề, chuyển đổi nghề tập huấn các kỹ năng làm du lịch cho người dân…

(Ông TRƯƠNG ĐÌNH HẠNH, Phó Chủ tịch UBND TP Huế)