Tuân thủ kỹ thuật sơn thếp truyền thống trong công tác tu bổ di tích

ĐÌNH TOÁN

VHO - Sáng 24.12 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức buổi họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Ứng dụng kỹ thuật sơn thếp theo quy trình truyền thống phục vụ công tác tu bổ di tích”. TS. Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch Hội đồng điều hành cuộc họp.

 Mục tiêu của đề tài nhằm sưu tầm, nghiên cứu tổng hợp quy trình kỹ thuật sơn thếp truyền thống làm cơ sở khoa học để nâng cao chất lượng tu bổ di tích và giữ gìn nghề sơn thếp truyền thống. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng quy trình kỹ thuật sơn thếp truyền thống nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn di tích.

Tuân thủ kỹ thuật sơn thếp truyền thống trong công tác tu bổ di tích - ảnh 1
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu tại buổi làm việc

Theo Ths. Phạm Mạnh Cường, Trường phòng Nghiên cứu tiêu chuẩn và công nghệ bảo tồn di tích (Viện Bảo tồn di tích), chủ nhiệm đề tài, các công trình văn hoá tín ngưỡng của Việt Nam như đình, đền, chùa… được xây dựng, hoàn thiện từ nhiều vật liệu khác nhau nhưng phổ biến là bằng gỗ.

Trong đó, một số cấu kiện kiến trúc, đồ thờ tự, đồ hành lễ và trang trí được sơn thếp theo phương pháp truyền thống. Các hiện vật bằng gỗ được sơn thếp theo phương pháp truyền thống để tăng thêm giá trị thẩm mỹ, tín ngưỡng nhưng cũng đồng thời bảo vệ hiện vật khỏi xuống cấp.

Quy trình sơn thếp truyền thống trên gỗ là quy trình phức tạp, tỉ mỉ, trải qua nhiều bước tạo thành nhiều lớp với các nguyên liệu khác nhau. Quy trình thực hiện cũng yêu cầu những thao tác, kỹ thuật và kinh nghiệm khắt khe từ người thợ.

Trải qua thời gian, các hiện vật và cấu kiện bằng gỗ sơn thếp theo phương pháp truyền thống dưới tác động của các yếu tố tự nhiên như độ ẩm, ánh sáng, không khí… bị hư hỏng và xuống cấp. Các hư hỏng thể hiện ở sự bong tróc, trầy xước, phai màu lớp sơn thếp bề mặt, sự nứt gãy của một số bộ phận. Khi lớp sơn thếp bị hư hại sẽ tạo điều kiện cho mối mọt, độ ẩm không khí xâm hại vào phần cốt và rất dễ dẫn đến sự phá huỷ hoàn toàn.

Tuân thủ kỹ thuật sơn thếp truyền thống trong công tác tu bổ di tích - ảnh 2
Toàn cảnh buổi làm việc

Hiện nay, việc tu bổ lớp sơn thếp để giữ lại lớp sơn truyền thống, gia tăng tính thẩm mỹ, tâm linh cho di tích rất khó, phức tạp và tốn kém. Do vậy, việc sử dụng các loại sơn công nghiệp thay thế cho sơn ta truyền thống trong quá trình tu bổ diễn ra khá phổ biến. Việc sơn thếp bằng các loại sơn công nghiệp, sơn chín đã làm cho màu sắc các hiện vật trở nên loè loẹt, không có sự ăn nhập với màu sắc gốc.

Hiện tượng “tô tượng, sơn tượng” cũng đang diễn ra phức tạp đem đến cảm giác chung khi vào nơi thờ tự là dị đoan, hỗn tạp và phi thẩm mỹ. Vì vậy, cần thiết có một quy trình sơn thếp truyền thống từ những kinh nghiệm tại các làng có truyền thống làm sơn son thếp vàng/bạc. Từ đó, làm cơ sở để xây dựng quy trình tu bổ hay phục chế lớp sơn thếp theo phương pháp truyền thống trên hiện vật và cấu kiện gỗ trong di tích.

Ông Phạm Mạnh Cường cũng nhấn mạnh, trong quá trình tu bổ các hiện vật và cấu kiện bằng gỗ sơn thếp, việc áp dụng quy trình của địa phương nào cũng cần tuân thủ các nguyên tắc, thao tác và các bước cơ bản của từng quy trình.

Để quá trình tu bổ các hiện vật gỗ sơn thếp được bài bản, đúng nguyên tắc và đúng quy trình, cần có những tài liệu ghi chép, sưu tầm và tổng hợp quy trình từ những nghệ nhân lâu năm tại các làng nghề truyền thống.

Từ đó, xây dựng quy trình sơn thếp truyền thống làm cơ sở khoa học cho quá trình tu bổ di tích. Quá trình này sẽ góp phần tư liệu hoá các nguồn dữ liệu, lưu giữ các quy trình sơn thếp theo phương pháp truyền thống, xây dựng quy trình chuẩn để từ đó có những giải pháp phù hợp, đáp ứng các yêu cầu, nguyên tắc trong công tác bảo tồn di tích.

Tại buổi làm việc, các ý kiến đóng góp đều thể hiện sự nhất trí đối với báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu khoa học đề tài cấp Bộ lần này, thể hiện được tính cần thiết của việc áp dụng kỹ thuật sơn thếp theo quy trình truyền thống trong công tác tu bổ di tích.

Tuân thủ kỹ thuật sơn thếp truyền thống trong công tác tu bổ di tích - ảnh 3
Kỹ thuật sơn thếp truyền thống

TS. Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) cho biết thêm bên cạnh những giải pháp đã được nêu ra, trong quá trình hoàn thiện báo cáo tổng hợp, nhóm thực hiện cần đưa ra thêm những giải pháp nhằm bảo vệ tối đa tính nguyên gốc của di tích; đánh giá kỹ hiện trạng bằng các biện pháp khoa học trước khi can thiệp.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, việc nghiên cứu về đề tài “Ứng dụng kỹ thuật sơn thếp theo quy trình truyền thống phục vụ công tác tu bổ di tích” là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nghề sơn thếp hiện đang đứng trước nguy cơ mai một, cần được phát huy giá trị. Cùng với đó, việc sơn thếp đang đóng góp rất hiệu quả vào quá trình tu bổ, đảm bảo tính nguyên vẹn cho di tích. Trên cơ sở đó, Bộ VHTTDL đã giao Viện Bảo tồn di tích thực hiện đề tài nghiên cứu.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích, trên nguyên tắc đảm bảo những giá trị nguyên gốc, vấn đề giữ được màu sắc trong kiến trúc của di tích luôn là vấn đề rất được dư luận quan tâm. Việc thực hiện nghiên cứu đề tài này sẽ góp phần đi đến nhận thức chung về giải pháp phù hợp trong áp dụng sơn thếp, theo quy trình truyền thống vào vấn đề tu bổ di tích.

Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đề nghị nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện báo cáo tổng hợp. Mục tiêu đặt ra là kết quả thực hiện nghiên cứu phải đảm bảo yếu tố chất lượng theo hướng khoa học, phù hợp với thực tiễn và có được những giải pháp mang tính khả thi.